Chào Kỷ Sửu 2009

25/01/2009 20:02 GMT+7

(TNO) Vậy là năm mới Kỷ Sửu 2009 đã đến trong sự hân hoan chào đón của mọi người. Trong giờ phút đặc biệt này, Thanh Niên Online xin kính chúc quý vị và các bạn một năm mới tràn đầy sức sống, niềm vui, hạnh phúc và thành đạt. Mời bạn đọc cùng điểm lại những giờ phút chờ đón năm mới do các phóng viên Thanh Niên Online trên khắp cả nước ghi nhận.

>> Mời bạn đọc đón không khí Tết tại chuyên trang Tết Việt
>> Gửi lời yêu thương với thiệp xuân trên Thanh Niên Online

  Xuân ở đảo Cồn Cỏ
Người dân TP.HCM đón giao thừa
Lời chúc Tết của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Phiên chợ quê ngày cuối năm
Đi chợ quê ngày Tết
   Phố cổ Hải Phòng chiều 30 Tết

 
  Hoa đại hạ giá ngày cuối năm
  Ngày cuối năm hốt bạc
  Chợ ngày 30 Tết
   Phú Yên: Dân lao động "thắng" Tết
   Vĩnh Phúc: Quất "thua", đào "thắng"
  Bình Dương: Mai vàng "tháo chạy" chiều 30 Tết

Thư chúc Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 của Chủ tịch nước

Dưới đây là toàn văn Thư chúc Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước,

Đón chào Xuân mới Kỷ Sửu 2009, tôi thân ái gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi gửi tới các dân tộc trên thế giới lời chúc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

 

 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Tết đồng bào cả nước - Ảnh TTXVN

Năm 2008, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Nhờ sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào và chiến sĩ cả nước, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, vị thế nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Những thử thách năm qua đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Bước sang năm mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy đoàn kết một lòng, vững tin ở tương lai, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đối phó hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, bảo đảm duy trì tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định chính trị, phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 mà Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra.

Khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng nhất định chúng ta sẽ giành được thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Mừng xuân mới đoàn kết và phát triển!

Nguyễn Minh Triết

Bí thư Trung ương Đoàn chúc Tết các chiến sĩ Đoàn Đặc công 1, Bộ tư lệnh Cảnh vệ

Tối 30 Tết (25.1), anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư Trung ương Đoàn đã đến chúc Tết và tặng quà các chiến sĩ Đoàn Đặc công 1 (thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công).

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ sự vui mừng trước những thành tích mà Đoàn Đặc công 1 đã đạt được và mong muốn Đoàn Đặc công 1 sẽ duy trì và phát huy hơn nữa vai trò của mình trong những năm tới.

 
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (phải) tặng hoa
cho đại diện Đoàn Đặc công 1

Lúc 20 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Trung ương Đoàn dẫn đầu đoàn cán bộ Trung ương Đoàn đến chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (thuộc Bộ Công an).

Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là cơ quan đảm nhiệm trọng trách bảo vệ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các sự kiện quan trọng của Việt Nam. Thiếu tướng Vũ Xuân Sinh, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ khẳng định, đoàn thanh niên tại Bộ tư lệnh đã phát huy rất tốt vai trò tổ chức hoạt động cho đoàn viên thanh niên. Các đoàn viên thanh niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp một phần quan trọng vào thành tích chung của cả cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

 

Anh Nguyễn Đắc Vinh chúc Tết cán bộ, chiến sĩ tại Bộ tư lệnh Cảnh vệ

Tại buổi chúc Tết, anh Nguyễn Đắc Vinh biểu dương tinh thần quên mình hoàn thành nhiệm vụ của các đoàn viên, thanh niên của Bộ tư lệnh Cảnh vệ nói riêng và đoàn viên thanh niên trong lực lượng công an nói chung. Anh chúc các chiến sĩ cảnh vệ mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.

Trung sĩ Nguyễn Trung Kiên, 21 tuổi, quê Hà Tĩnh nói: “Đã 3 cái Tết em không ở nhà, nhưng ở đơn vị cũng rất vui, anh em quây quần ca hát, cùng tham gia trò chơi, văn nghệ. Hôm nay, khi giao thừa sắp đến, lại được các anh chị ở Trung ương Đoàn đến chúc Tết, giao lưu văn nghệ nên chúng em thấy càng ấm áp, hạnh phúc”. (Káp Thành Long - Phương Anh)

Hà Nội: Hối hả đón năm mới

Từ thủ đô Hà Nội, phóng viên Káp Long và Hồng Minh cho biết, từ 18 giờ chiều 30 Tết, đường phố Hà Nội khá đông đúc, người người hối hả sắm sửa cho thật đầy đủ mâm cỗ cúng giao thừa. Khu trung tâm thủ đô, đèn đã bật sáng, những dàn pháo hoa cũng đã nằm đúng vị trí sẵn sàng chờ tới thời điểm chuyển sang năm mới.

Trong khi nhiều quầy hàng ở các phố Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh… nhiều hàng quán đã đóng cửa, thì một vài cửa hàng quần áo vẫn cố gắng “sale off” vì sợ ra Tết tiết trời ấm lên khó bán.

Bạn đọc ở nước ngoài có thể chia sẻ không khí đón giao thừa tại nơi mình sinh sống với bạn đọc khắp nơi trên thế giới, có thể gửi bài về địa chỉ mail online_tv@thanhnien.com.vn.

Không khí thật sự nhộn nhịp ở trên khu hồ Hoàn Kiếm. Các cửa hàng, cửa hiệu vẫn sáng đèn, người bán, người mua tấp nập. Chị Nguyễn Thu Hà - bán vải lụa cho biết: “Khu này khách nước ngoài rất nhiều nên phải 22 giờ đêm chị mới đóng cửa, ở nhà có bà ngoại lo cho mâm cỗ cúng giao thừa rồi”.

Khu hàng Đường, hàng Mã lúc 18 giờ vẫn đông người đi sắm sửa đồ vàng mã, ô mai, bánh mứt…

Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, công tác chuẩn bị bắn pháo hoa đêm giao thừa đã hoàn tất. Ở Bờ Hồ có hai điểm bắn chính, xung quanh hai điểm này, từ hai ngày nay một hàng rào đã được dựng lên để đảm bảo an toàn. Xe cứu hỏa và xe cứu thương cũng được huy động trực sẵn. Cầu Thê Húc được trang hoàng bằng dãy đèn sáng rực rỡ thu hút rất đông du khách tới ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm.

Du khách nước ngoài rất thích thú đi dạo trên cầu Thê Húc rực sáng trước thời điểm giao thừa

Ngoài hai điểm bắn chính tại hồ Hoàn Kiếm, toàn TP Hà Nội còn có 14 điểm bắn khác ở sân vận động Hồ Tây, Mỹ Đình, hồ Đền Lừ (Q.Hoàng Mai), hồ Thành Công (Q.Ba Đình), H.Đông Anh, Long Biên, H.Sóc Sơn, Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Thường Tín.

Thời gian bắn pháo hoa dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 15 phút.

Sân khấu đền Bà Kiệu - nơi sẽ diễn ra chương trình ca múa nhạc chào mừng xuân Kỷ Sửu cũng đã hoàn tất. Tại vườn hoa Lý Thái Tổ gần đó, hai chú rồng kết bằng hoa đã được chỉnh trang cùng với rất nhiều hoa đào. Người dân đã thành kính tới thắp hương dưới chân tượng đài và chụp những bức ảnh lưu niệm trước thời khắc chuyển giao sang năm mới. (Káp Long - Hồng Minh)

Một vài hình ảnh Hà Nội chuẩn bị đêm giao thừa:

 
Dàn đèn tại Tháp Rùa đang được chỉnh trang

Tượng đài Lý Thái Tổ từ 18 giờ đã có nhiều người dân tới để thắp hương và chụp ảnh lưu niệm

Đà Nẵng trước giao thừa: Tất cả đã sẵn sàng

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là hết năm Mậu Tý, TP Đà Nẵng đang hoàn tất những công việc cuối cùng để đón chào năm mới. Trong tiết trời mưa phùn và rét mướt của đợt không khí lạnh mới, hoa và ánh sáng thật sự là 2 điểm nhấn quan trọng của mùa xuân.

Từ nửa tháng nay, Công ty Công viên TP Đà Nẵng đã huy động tổng lực vận chuyển và sắp xếp gần 20.000 đơn vị hoa, 300 chậu hoa kiểng và khoảng 350m2 thảm hoa các loại như: vạn thọ, hướng dương, cúc đại đóa, mào gà, thược dược… dọc theo các tuyến đường trọng điểm.

Và đã theo thông lệ, Hội hoa xuân với hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật làm từ cây kiểng, bonsai, đá cảnh, cá cảnh, chim cảnh sẽ có dịp tranh tài trong các ngày xuân tại Công viên 29.3.

Dịp này, UBND TP Đà Nẵng cũng đã đồng ý chi 200 triệu đồng để trang trí đường hoa Bạch Đằng, điểm nhấn chính của mùa xuân thành phố Đà Nẵng.

 

Đèn lồng sẽ thắp sáng đêm giao thừa

Đường hoa Bạch Đằng dài 2km, 2 khu vực trang trí rực rỡ nhất là ngay trước UBND thành phố và Cổ viện Chàm. Hệ thống đèn LED hoa sứ sẽ giăng quanh phía tường ngoài của Cổ viện Chàm; trong khi đó, biểu tượng con trâu của năm Sửu bằng ánh sáng sẽ được đặt trang trọng trước trụ sở HĐND, UBND TP Đà Nẵng. Đặc biệt, gần 300 tượng đá cỡ lớn của các nghệ nhân Non Nước cũng sẽ được triển lãm ngoài trời dọc theo tuyến đường này.

Ánh sáng là điểm nhấn quan trọng nếu như thời tiết ngày Tết ở Đà Nẵng vẫn mưa dầm. Cũng trên đường hoa Bạch Đằng, ngay trước UBND TP, hệ thống 70 đèn pha công suất cao sẽ mang lại diện mạo mới cho hàng cau uy nghi phía trước.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã đầu tư gần 900 triệu đồng cho Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng để trang hoàng thành phố dịp Tết này. Ngoài hệ thống đèn LED giăng ngang trời suốt 2km đường Lê Duẩn, công ty đã cho lắp hệ thống đèn kim trên các cây xanh ở 15 điểm trên đường Bạch Đằng và Trần Phú - là tuyến đường tập trung nhiều người dân đón thời khắc giao thừa.

Đêm nay, bầu trời sao trên đường Lê Duẩn - cầu sông Hàn sẽ lên đèn rực rỡ

Bên cạnh 15 hạng mục như khung đèn trang trí, dây đèn chớp giăng ngang, áp-phích cổ động được tu sửa, 10 hạng mụ́c khác cũng sẽ được làm mới hoàn toàn và đưa vào sử dụng với các hình ảnh vui nhộn chủ đề con trâu tượng trưng cho năm Sửu.

Ở các vị trí đi vào trung tâm thành phố như đoạn Quốc lộ 1A Cẩm Lệ - Miếu Bông, hay trước cổng sân bay, thành phố tạo điểm nhấn bằng đèn băng đường ngũ sắc, các dây võng và đèn địa cầu, đó là chưa kể khung trang trí hoa mai ở khu vực quảng trường 29.3, tượng đài 2.9.

 

Quanh 4 điểm bắn pháo hoa, xe phát sóng lưu động đã được bố trí để tránh tình trạng nghẽn mạng di động, ngắt sóng do hàng nghìn người cùng tập trung một chỗ

 

Các chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đang kiểm tra lại hệ thống dây diện của dàn pháo hoa một lần cuối trước giờ khai hỏa

Đà Nẵng cũng không quên tô điểm ánh sáng ở “cung đường du lịch” Sơn Trà - Điện Ngọc, ngay trước Furama Resort là hệ thống đèn khung rẻ quạt băng đường, còn các trụ đèn trên đường Phạm Văn Đồng sẽ được lắp ánh sáng cùng với các dây tia ngang.

Và “vũ điệu Tiên Sa” - nữ hoàng của dạ tiệc này chắc chắn là tiết mục bắn pháo hoa chào mừng năm mới ở 4 điểm dọc theo bờ sông Hàn. Khoảng 2.000 quả pháo hoa sẽ được bắn lên trời trong phòng 15 phút kể từ thời khắc đầu tiên của năm Kỷ sửu. Điểm bắn số 1 là tại cảng Đà Nẵng cũ, điểm bắn số 2 là khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, đồng thời sẽ có 2 điểm bắn pháo hoa khác đối diện 2 điểm nói trên ở bờ bên kia sông Hàn. (Nguyễn Tú)

Đà Lạt: Nhộn nhịp mua sắm đêm giao thừa

Chỉ còn vài tiếng nữa là đến thời khắc giao thừa, nhưng chợ Đà Lạt vẫn nhộn nhịp người mua sắm. Đây là điểm khác so với các năm trước.

Dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quốc Toản,Yersin... chợ hoa đào, hoa mai, quất, cây cảnh vẫn hoạt động. Dù đã hạ giá chỉ còn một nửa so với vài ngày trước nhưng người mua vẫn lưỡng lự… chờ giá hạ tiếp.

Một thương lái than, mua mai vàng từ Phú Yên giá cao nhưng lên đây bán không được, chắc chắn lỗ, buộc phải đem về trồng chờ Tết sang năm.

 
Bóng hơi hình con trâu

 
"Vác" cả mùa xuân đi bán!

 

Dưa hấu đại hạ giá 4 ngàn đồng 1 ký

TP.HCM: Mọi người đổ ra đường du xuân

Đường phố TP.HCM vào lúc 15 - 16h chiều 30 Tết vắng lặng. Mọi người vẫn còn lo chuẩn bị nốt những công việc cuối cùng để đón năm mới. Tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng vẫn còn bán muộn, người mua người bán vội vã mua thêm những đồ dùng còn thiếu cho ba ngày Tết.

18h30: các siêu thị trên đường Cống Quỳnh (Q.1) vẫn còn đông người mua sắm. Trên đường phố, dòng người như hối hả hơn. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy chở những chậu hoa kiểng như mai, tắc, cẩm chướng... phóng hối hả trên đường. Có lẽ gần đến giờ giao thừa nên mọi người muốn về nhà sớm để chuẩn bị buổi cơm tất niên cúng ông bà.

 
Trẻ em thành phố xúm xít bên những món đồ chơi dân gian được làm thủ công - Ảnh: Viên An

Từ 19h30, khi mà mọi việc chuẩn bị trong nhà đã tươm tất đâu vào đấy thì cũng là lúc mọi người bắt đầu đổ ra đường cho cuộc du xuân của mình.

Trên các trục đường phố đổ về khu vực trung tâm TP.HCM dòng xe nối đuôi nhau san sát. Ai ai cũng mặc áo mới, rạng rỡ tươi cười.

TP.HCM mùa xuân năm nay như được khoác lên 1 chiếc áo mới với hoa và đèn màu rực rỡ, đặc biệt là sắc đỏ. Khu vực đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi xe cộ được chặn lại để dành đường cho người dân đi bộ du xuân.

Mọi người tập trung đông nhất vẫn là tại khu vực đường hoa Nguyễn Huệ. Từ nhiều năm nay đường hoa đã trở thành một nét văn hóa rất riêng và là niềm tự hào của người dân TP.HCM.

Tại công viên 23.9, rất đông bạn trẻ đã tập trung về đây để xem bắn pháo hoa. Đây là khu vực hằng năm có rất đông người dân tập trung để xem bắn pháo hoa chính vì thế, theo kinh nghiệm của nhiều người thì đi càng sớm càng tốt vì vừa chọn được cho mình một chỗ tốt nhất, vừa còn chỗ giữ xe. Hiện dòng người vẫn tấp nập đổ về khu trung tâm càng lúc càng đông.

Một trong những phong tục ngày Tết của người dân Nam bộ là đi chùa cầu an, cầu may. Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa lớn của TP.HCM, được người dân cả nước biết đến, bắt đầu từ đêm 30 Tết, chùa lúc nào cũng đông khách cho đến rằm tháng Giêng.

Có mặt tại đây lúc hơn 21h, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn thiện nam tín nữ tập trung tại sân chùa để lễ Phật. Không chỉ người lớn, các cháu nhỏ cũng thành kính chắp tay vái Phật.

Bà Trần Thị Thanh, ngụ quận Tân Phú, cho biết: “Năm nào trước giao thừa gia đình tôi cũng đến chùa Vĩnh Nghiêm để cầu may mắn. Tôi quan niệm Phật tại tâm, nhưng dịp cuối năm, vợ chồng con cái lên chùa dâng hương được là tốt nhất. Tôi chẳng cầu tài cầu lộc gì, chỉ cầu sức khỏe và sự thanh thản bình yên thôi".

Đôi bạn trẻ Trần Hoài An và Nguyễn Thị Trúc Ly (sinh viên ĐH Hồng Bàng) tâm sự: “Trước giờ giao thừa bọn mình đi chùa để cầu cho gia đình năm mới luôn bình an, hạnh phúc và cầu cho tình cảm bọn mình sẽ đi đến đích”… (Viên An - Đỗ Thông)

Hải Phòng: Giao thừa sẽ sáng rực đèn trời!

20h ở trung tâm thành phố cảng, trên quảng trường Nhà hát lớn đang chuẩn bị diễn ra một đêm văn nghệ lớn chưa từng có tại đây và được truyền hình trực tiếp trên sóng của đài truyền hình địa phương.

Bộ mặt Hải Phòng đón xuân Kỷ Sửu có nhiều đổi mới, đẹp và sạch hơn.

Chưa đến giao thừa, nhưng trên nhiều tuyến phố, đã sẵn sàng rất nhiều thứ để cho người ta mang “lộc” về nhà. Ngoài khế, trứng gà (lê-ki-ma), me vẫn được bán với giá từ 10 - 20 nghìn/cành, mía từ 15 - 20 nghìn/cây, năm nay Hải Phòng xuất hiện những cây dứa dại có cả quả được mang từ Hòa Bình về với giá bán 30 nghìn/cây kèm quả. Có cả những bó ngô lớn còn nguyên bắp lẫn cờ, được bán 10 nghìn đồng/cây.

Đặc biệt, mặc dù đã từng có chỉ thị cấm thả đèn trời nếu không được phép để đề phòng cháy nổ từ nhiều năm nay, nhưng theo quan sát của chúng tôi, đèn trời đã được bày bán rất nhiều trên các đường phố Hải Phòng. Giá đèn trời từ 15 nghìn/chiếc đã được nâng lên 25 nghìn/chiếc vào chiều tối nay và chắc chắn giao thừa năm nay, bầu trời Hải Phòng sẽ rực sáng bởi đèn trời! (Lưu Quang Phổ)

 
10 nghìn một cây ngô chờ bán cho người đi đón giao thừa về

Cần Thơ: Rực rỡ sắc màu!

Tối 30 Tết, người Cần Thơ đổ ra đường đông hơn mọi năm. Một điều khác biệt dễ nhận ra là năm nay đường phố Cần Thơ trang hoàng lộng lẫy hơn, nhiều sắc màu hơn.

Trước thời điểm Tết Nguyên đán, nơi này đã có nhiều chuỗi lễ hội khác nhau, mà gần đây nhất là Bế mạc năm Du lịch quốc gia Mekong 2008 và Kỷ niệm 5 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng loạt công trình phúc lợi xã hội được đầu tư; đường phố cũng trở nên khang trang hơn, thoáng đãng hơn.

Hầu hết các tuyến đường trung tâm đều được kết hoa, chăng đèn. Nếu như đại lộ Hòa Bình có điểm nhấn là dàn đèn lấp lánh ánh sao trắng xanh, thì đại lộ 30 Tháng 4 lại rực rỡ với những chiếc lồng đèn đỏ chăng đầy. Anh Thơ, một sinh viên đại học Cần Thơ nói rằng, Tết này cô như được dạo chơi dưới 2 bầu trời sao, lấp lánh sắc màu.

 

Không chỉ những lồng đèn, những dãy hoa tươi rực rỡ đặt hai bên đường kéo người dân ra đường trẩy hội. Mà ngay từ 21h, những màn trình diễn lân - sư - rồng đã diễn ra qua các tuyến đường chính như để bắt đầu cho Chương trình lễ hội giao thừa. Những nhịp trống hội thôi thúc của những vũ điệu này đã kéo mọi người tụ hội tại Vòng xoay Công viên nước, nơi chương trình ca nhạc rộn rã được diễn ra tại một sân khấu lớn.

Chỉ một lát nữa thôi, vào thời khắc giao thừa, nơi này sẽ là một điểm bắn pháo hoa chính của thành phố Cần Thơ. Cũng chính vì thế mà các quán café xung quanh nơi này hiện đã chật kín nam thanh, nữ tú. Họ vừa xem lễ hội, vừa đón đợi giây phút pháo hoa tưng bừng trên bầu trời đêm.

23h, chương trình ca nhạc tại sân khấu chính vừa tạm khép lại. Ban tổ chức đang chuẩn bị cho một “Vũ hội đường phố” với các hoạt động khiêu vũ, ca hát mừng năm mới để mọi người có thể tham gia trong lúc chờ đến thời khắc bắn pháo hoa lúc 0h. (Thiện Tâm)


Cần Thơ rực rỡ sắc màu đêm giao thừa - ảnh T.T 

 Đắk Lắk: Hối hả giờ phút cuối năm

Chiều tối 30 Tết, phố hoa ở thành phố Buôn Ma Thuột mới bước vào cao điểm; người, xe chen nhau mua hoa làm tắc nghẽn khu vực quảng trường thành phố. Trên các con đường Lê Thánh Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Ngô Quyền, Trường Chinh, và cả trong sân một số trường học đều tràn ngập hoa tết, rực rỡ sắc màu.

Anh Lâm Hùng, người đem hoa từ Bình Định lên bán ở Đắk Lắk, đang hối hả bán những gốc mai và cây cảnh cuối cùng để lên xe về quê trong đêm giao thừa. Giọng anh gấp gáp: “Cả tuần nay hoa bán rất chậm, tưởng chừng không ai mua. Mãi đến chiều 30 Tết mọi người mới đổ xô đi mua hoa, cây cảnh. Thôi thì đắt rẻ gì cũng bán lẹ để sáng mai mồng một có mặt ở nhà đón Tết”.

Cũng như anh Hùng, nhiều người bán hoa Tết cũng mong tiêu thụ nhanh sản phẩm của mình để còn nhường chỗ ở quảng trường cho đêm nay người dân Buôn Ma Thuột xem bắn pháo hoa.

Ngay từ chiều tối 30 Tết, đã có nhiều người “xí” chỗ ưng ý tại khu vực quảng trường để chờ xem pháo hoa. Ông Bùi Minh Vũ, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, cho biết: có hai điểm bắn pháo hoa đón giao thừa trong tỉnh là Buôn Ma Thuột và huyện Ea Kar, theo hình thức “xã hội hóa”. Nghĩa là kinh phí do vận động các doanh nghiệp tài trợ.

 

Người dân Buôn Ma Thuột đi mua hoa chiều 30 Tết

Không chỉ ở TP Buôn Ma Thuột, không khí đón xuân ở các địa phương trong tỉnh cũng khá rộn ràng. Có 15 đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ đồng bào ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. (T.N.Quyền)

Sóc Trăng: Người dân chờ đón màn pháo hoa giao thừa

Công nhân xa nhà đón giao thừa

“Cơn bão” mất việc tràn vào các KCN ở Bình Dương trong mấy tháng nay không chỉ làm cho cuộc sống công nhân lao đao mà còn chặn đứng giấc mơ đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán của họ. Vì thế năm nay, số lượng công nhân ăn Tết xa nhà đông gấp đôi năm ngoái.

Khu nhà trọ của anh Quyền (khu phố Bình Hòa, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) những năm trước ở lại nhiều nhất cũng chỉ khoảng 5 người, vậy mà năm nay, 10 phòng trọ, mỗi phòng 4 - 5 người, chỉ về quê chừng 10 người. Nhà trọ của ông Hưu, bà Lài, bà Hương cũng vậy. Chính vì thế mà năm nay tại các khu nhà trọ, không khí Tết rộn ràng hơn.

Tại khu nhà trọ của bà Lài, công nhân góp tiền mua nếp cùng nhau gói bánh chưng. Đêm giao thừa, các chàng trai xung phong ngồi canh nồi bánh, còn chị em phụ nữ được ưu tiên đi xem bắn pháo hoa. Còn các khu nhà trọ khác, tuy không cùng nhau ngồi gói bánh chưng nhưng phòng nào cũng mua hương trầm, bánh chưng, muối dưa hành, sắm hoa quả… đúng phong vị Tết. Sau khi quây quần với nhau trong bữa cơm chiều 30 Tết, công nhân ở các khu nhà trọ túa ra đường.

Điểm bắn pháo hoa cầu Ông Bố (H.Thuận An) là trung tâm của KCN Việt Nam - Singapore, KCN Sóng Thần, KCN Đồng An. Vì thế, mới 20h đêm 30 Tết, công nhân làm việc ở các KCN đã có mặt ở đây rất đông. Họ xúng xính trong những bộ quần áo mới, tốp thì đi bộ, tốp khác đi xe đạp, các cặp đôi thì chở nhau trên xe gắn máy đến cầu Ông Bố… chiếm chỗ. Dù phải chờ 4 tiếng đồng hồ nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ.

Tại sân vận động Gò Đậu, người dân thị xã Thủ Dầu Một và công nhân ngoại tỉnh cũng đã có mặt từ rất sớm. Họ sẽ được thưởng thức bữa tiệc tất niên bằng chương trình ca múa nhạc đặc sắc và kết thúc là màn bắn pháo hoa mà người dân trên cả nước đang chờ đợi. (Bảo Thiên)

Từ chập choạng tối 30 Tết, những dòng người đã bắt đầu kéo về Công trường Giải Phóng ở trung tâm TP Sóc Trăng để “xí” chỗ chờ xem bắn pháo hoa. Gần 2 tiếng trước giờ giao thừa, hằng trăm ngàn người đã đứng đợi đông nghẹt.

Năm nay, để giảm áp lực về lượng người đổ về trung tâm thành phố, tỉnh Sóc Trăng mở thêm 2 điểm bắn pháo hoa tầm thấp ở huyện Kế Sách và Mỹ Tú.

Anh Nguyễn Trần Hùng ở huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Tôi đã đi xem bắn pháo hoa từ năm đầu tiên tổ chức, sau khi có chủ trương cấm đốt pháo. Nó đã trở thành thông lệ của gia đình tôi trong giờ phút giao thừa”.

Ngoài ra, đêm giao thừa còn là đêm chung kết của cuộc thi múa lân và thi đấu võ thuật do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức. Cuộc thi thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương. (Chí Nhân)

Nha Trang: Trước giao thừa, cắt chiếc bánh tét dài 34m

Tối 30 Tết, trời Nha Trang se lạnh. Trên các tuyến đường lớn như 2 Tháng 4, 23 Tháng 10, Thái Nguyên, Lê Thánh Tôn... người dân địa phương tấp nập đi mua sắm, du xuân.

Do thời tiết thất thường nên hoa hồng và mai ở Nha Trang năm nay không đẹp. Văn phòng UBND TP Nha Trang cho biết sức mua thị trường tết năm nay giảm so với năm trước. Nhiều khu du lịch, khách sạn lớn ở Nha Trang như Vinpearl Land, Yasaka-Saigon-Nhatrang, Sunrise... đã chuẩn bị chương trình đón giao thừa cho du khách trong và ngoài nước.

Lúc 17h, khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang đã cho cắt chiếc bánh tét dài 34 mét phục vụ du khách và người dân địa phương. Toàn bộ số tiền bán bánh sẽ được ủng hộ Quỹ từ thiện tỉnh Khánh Hòa.

Đón năm mới, tại quảng trường 2 Tháng 4 có chương trình ca múa nhạc, và đúng giao thừa, pháo hoa sẽ được bắn từ xà lan đậu ngoài biển. (Xuân Hòa)

 
Cắt bánh tét dài 34m

 
Người dân háo hức chờ mua bánh tét kỷ lục

 
Du khách nước ngoài thưởng thức bánh tét kỷ lục

Quảng Ninh: Tổ chức giao thừa cho du khách

Từ thành phố Hạ Long, nhà báo Trương Thiếu Huyền, Phó tổng biên tập báo Quảng Ninh cho biết, từ tối đến 22h30 đêm 30 Tết, trên địa bàn thành phố Hạ Long hầu như không có tiếng pháo nổ.

Năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, ngành than ăn Tết không "hoành tráng" như những Tết trước. Tuy nhiên, theo quan sát trực tiếp của nhà báo này, tại các chợ trên địa bàn TP Hạ Long, đến chiều 30 Tết, hàng hóa, hoa cảnh đã hết sạch.

Cũng như mọi năm, giao thừa năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức đón giao thừa cho du khách tại nhiều địa điểm và tổ chức cho du khách ngủ đêm trên vịnh Hạ Long.

Đặc biệt, tại hai nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả và nhiệt điện Quảng Ninh đang xây dựng, chính quyền và các đối tác liên doanh đã tổ chức đón Tết Kỷ sửu cho hàng nghìn công nhân Trung Quốc đang làm việc vì nước bạn cũng đón Tết nguyên đán như ở Việt Nam. (Lưu Quang Phổ ghi)

Quảng Ngãi: Giao thừa ấm áp và tự hào với "trái tim Dung Quất"

Tối 30 Tết, tiết trời ở Quảng Ngãi trở nên ấm áp. Trên các tuyến phố, dòng người tấp nập đi mua sắm. Chào đón năm mới, một chương trình văn nghệ đặc sắc khai diễn lúc 22h30 tại Quảng trường trung tâm TP Quảng Ngãi (nằm trên đường Phạm Văn Đồng).

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Nien Online, đông đảo người dân hân hoan đến thưởng lãm các tiết mục văn nghệ trong tâm trạng náo nức. Các tuyến đường gần kề Quảng trường trung tâm, dòng người và phương tiện nối dài như không dứt. Lực lượng CSGT phải hạn chế ôtô nhằm tránh gây ùn tắc giao thông.

Cùng thời điểm, tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng diễn ra nhiều hoạt động mừng Đảng mừng xuân Kỷ sửu 2009. Một điểm nhấn hết sức quan trọng là Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia đang đi vào giai đoạn nước rút, và sẽ vận hành vào cuối tháng 2.2009. Người Quảng Ngãi bước vào năm mới với một niềm tự hào khi “trái tim Dung Quất” đang chuẩn bị rung lên những nhịp đập đầu tiên. (Đình Phú)

 
Múa lân sư rồng mừng năm mới tại Quảng Ngãi

 
Người dân Quảng Ngãi nô nức đi đón giao thừa

Quảng Nam: Lung linh lễ hội đèn lồng phố cổ Hội An

Lễ hội đèn lồng lần đầu tiên tổ chức tại đô thị cổ Hội An đêm 30 Tết đã thu hút gần mười ngàn người dân và du khách nước ngoài tham gia, cùng đón giao thừa tại phố cổ.

70 cơ sở với khoảng 300 nghệ nhân chuyên nghiệp cũng như lao động thủ công đã tham gia cuộc thi này. Bên cạnh đó, 13 đơn vị xã phường, cùng 80 đơn vị trường học và các sở ban ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hội An đã gửi gần 150 chiếc đèn lồng cỡ lớn tranh tài.

Ở chủ đề “Văn hóa Hội An”, các chiếc đèn lồng tái hiện chùa Cầu, nhà cổ với các hoa văn, đường viền đậm chất kiến trúc xưa phố Hội, đèn lồng hình các nhân vật lịch sử, điển tích điển cố...

Đúng 20h30 tại Quảng trường sông Hoài, trên nền nhạc “nghinh thần”, hai ông đồ trong trang phục truyền thống đã xuất bút viết các đại tự “Xuân, Đăng, Hội” và “Hội, Đèn, Xuân” treo dọc cầu An Hội. Ông Thọ hành lễ thắp đèn chính thức khai mạc Lễ hội đèn lồng tại phố cổ.

Liền sau đó, 4 chiếc xuồng trang trí hành lễ rước đèn dọc theo sông Hoài. Và cuối cùng, 79 chiếc thiên đăng đồng loạt thả lên bầu trời tượng trưng cho 79 mùa xuân của Đảng, đồng thời gửi lời chúc an khang thịnh vượng đến mọi nhà.

Du khách có thể tham quan và bỏ phiếu cùng ban giám khảo để vào dịp Tết Nguyên tiêu công bố chiếc đèn lồng đẹp nhất lễ hội lần này. Trong không khí giờ giao thừa sắp điểm, lễ hội là một điểm nhấn đặc biệt bên sông Hoài của mùa xuân phố Hội. (Nguyễn Tú)


Pháo sáng tại sân khấu nổi cầu An Hội

 
Biểu tượng con trâu năm Kỷ Sửu lung linh bóng nước

 
Một mẫu đèn lồng dự thi trên mặt nước

 
Hoa đăng huyền ảo trên sông

 
Thần Kim Quy

Thanh Hóa: "Điềm lành" mưa xuân đêm giao thừa

Thời điểm sát giao thừa, TP Thanh Hóa đang có mưa nặng hạt. Nhưng không khí chuẩn bị đón giao thừa của người dân vẫn hết sức nhộn nhịp, khẩn trương. Trên các đường phố, nhiều người dân tấp nập ngược xuôi để mua sắm những thứ hàng quà cần thiết còn thiếu trong dịp Tết.

Tại các đền chùa, các bà, các chị thành kính thắp hương cầu trời phật phù hộ cho gia đình, họ hàng có một năm mới an lành, sung túc. Những công nhân của Công ty Vệ sinh môi trường đang khẩn trương, hối hả dọn sạch lòng đường, hè phố trước giao thừa.

 

Nhiều người dân ở TP Thanh Hóa đổ ra đường mua “cành vàng, lá ngọc” để cắm trên bàn thờ tổ tiên, cầu một năm mới tươi vui, thịnh vượng

Tại các tụ điểm vui chơi, giải trí, mặc dù mưa nặng hạt, nhưng các nghệ sĩ vẫn tích cực chuẩn bị cho chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt chào xuân mới. Bắt đầu từ lúc 22h cho đến thời khắc giao thừa, tại Quảng trường Lam Sơn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Mừng Đảng, Mừng Xuân" với đông đảo các diễn viên, nhạc công Nhà hát Ca-Múa-Kịch Lam Sơn và các đơn vị nghệ thuật trong ngành. Chương trình này được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa để mọi người dân trong tỉnh cùng chung vui.

Ngoài ra, còn có các điểm biểu diễn văn nghệ tại tiền sảnh Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Triển lãm hội chợ và quảng cáo, Trung tâm thương mại... phục vụ nhân dân. Ngay sau chương trình nghệ thuật, TP Thanh Hóa tổ chức bắn pháo hoa đón mừng năm mới tại Quảng trường Lam Sơn.

Nhiều cụ cao niên cho rằng, giao thừa có mưa xuân là điềm lành báo hiệu một năm mới an lành, bình an và thịnh vượng. Người Thanh Hóa đang chuẩn bị đón một giao thừa trong niềm tin vào một tương lai tươi sáng. (Ngọc Minh)

Bình Định: Đón giao thừa với nhiều kỳ vọng

Gần đến thời khắc giao thừa, nhiều người dân thành phố Quy Nhơn vẫn còn đi mua hoa xuân trên đường Nguyến Tất Thành. Năm nay, do lượng hoa khá ít, nên giá bán cao hơn những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ với PV Thanh Niên Online nhân dịp năm mới: “Bình Định đón giao thừa năm Kỷ Sửu 2009 với nhiều kỳ vọng về khả năng tăng tưởng, về thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội…”.

Tại Quảng trường trung tâm thành phố Quy Nhơn đang diễn ra chương trình dạ hội đón giao thừa Kỷ Sửu 2009 hoành tráng và pháo hoa mừng năm mới sẽ khoe sắc trên bầu trời Quy Nhơn đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. (Văn Lưu - Đình Phú)

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tưng bừng đêm giao thừa

Năm nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm gồm: TP Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, H.Đất Đỏ và H.Côn Đảo. Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đêm giao thừa năm 2009 sẽ bắn pháo hoa kéo dài trong 15 phút, bắt đầu từ 0h00.

Pháo hoa được bắn ở tầm thấp, có độ cao từ 70-80m, với 3 giai đoạn: Chào năm mới (9 phút), Trăm hoa đua nở (5 phút) và Thăng hoa (1 phút).

 

Chụp hình lưu niệm truớc đêm giao thừa - Ảnh: Nguyễn Long 

23h30, hàng chục ngàn người dân khắp nơi đã tập trung ở khắp các tuyến đường xung quanh vòng xoay đài liệt sĩ TP Vũng Tàu.

Anh Lê Đình Thìn, ngụ đường Đồ Chiểu, TP Vũng Tàu cho biết: “Năm nay chúng tôi tranh thủ ra đây sớm để tìm chỗ đứng thích hợp tận hưởng màn trình diễn bắn pháo hoa chào đón năm mới. Năm nào pháo hoa bắn cũng đẹp, vợ tôi rất thích xem”. (Nguyễn Long)

TP.HCM: Kẹt xe vì chờ xem pháo hoa

Chỉ còn ít phút nữa là đến giao thừa, theo ghi nhận của Thanh Niên Online thì tại TP.HCM đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các hướng đổ vào khu vực trung tâm, do người dân đổ về đây đón năm mới và chờ xem bắn pháo hoa.

Lúc 23h30, tại khu vực cầu Ông Lãnh nối giữa quận 1 và quận 4, hàng nghìn người dân tụ tập trên cầu để đợi xem pháo hoa gây tắc nghẽn giao thông. (Minh Định)

 

Hướng vào quận 1 kẹt xe nghiêm trọng... vì chờ xem bắn pháo hoa đêm giao thừa - Ảnh: Minh Định

 

Cầu Ông Lãnh đông nghẹt người dân  - Ảnh: Minh Định

Đà Nẵng: Đêm thành phố đầy hoa

Đúng 0h00, tiếng nổ của quả pháo hoa đầu tiên từ điểm bắn số 1 (cảng Đà Nẵng cũ) vang lên kèm theo tiếng hò reo và vỗ tay vang dội của đám đông, năm Kỷ Sửu đã bắt đầu.

500 quả pháo hoa ở mỗi điểm, tổng cộng 2.000 quả pháo hoa thắp sáng bầu trời và mặt nước sông Hàn.

Hàng nghìn người, có nhóm bạn cười nói xôn xao, có nhóm người trầm ngâm im lặng. Sau một năm nhiều khó khăn, mỗi người là một thế giới riêng, nhưng tất cả đều hướng về một năm mới đầy niềm tin hạnh phúc.

15 phút thăng hoa vội qua, người dân TP Đà Nẵng tỏa ra các ngả đường, từ già đến trẻ đều chung điểm đến là các ngôi chùa trong thành phố để dâng hương cầu nguyện đầu năm và xin lộc may mắn. (Nguyễn Tú)

Cầu sông Hàn lung linh pháo sáng

 

500 quả pháo hoa từ điểm bắn số 3 thắp sáng bầu trời quận Sơn Trà

 

Diện đồ chơi Tết để xem pháo hoa đêm giao thừa

 

Mọi người từ khắp các ngả đường đều đổ về sông Hàn để xem pháo hoa

 

Đêm thành phố đầy hoa

Thái Nguyên: Lung linh sắc màu đem giao thừa

Tại Thái Nguyên, trong đêm giao thừa, mọi ngã đường đều đổ về Quảng trường 20.8, một trong 3 điểm bắn pháo hoa của tỉnh.

Tại đây, không khí đã hết sức náo nhiệt ngay từ lúc 22h. Quảng trường 20.8 là địa điểm dễ quan sát nên khi loạt pháo hoa đón chào năm mới được bắn lên, đám đông tại đây đồng loạt reo vang.

Sau màn trình diễn pháo hoa kéo dài 15 phút, mọi người cùng nhau trẩy lộc, đi lễ chùa để cầu may trong thời khắc đầu tiên của năm mới. (Phan Lê Tùng)

Cố đô Huế - giao thừa lung linh trong rét ngọt

Cố đô Huế cổ kính càng gần đến thời khắc giao thừa thời tiết càng rét ngọt. Trời không mưa đã tạo điều kiện cho hàng vạn người đổ về khu vực chợ hoa và quảng trường Ngọ Môn, nơi bố trí không gian nghệ thuật giao thừa, điểm bắn pháo hoa trên Kỳ Đài và Nghinh Lương Đình.

Nếu như các bạn trẻ chọn đường phố nô nức, đông vui thì du khách, người đứng tuổi... lại chọn không gian thơ mộng ở các quán bar, nhà hàng dọc bờ nam sông Hương có điểm nhìn lý tưởng như: Vườn Thiên Đàng, Trung tâm du lịch Festival... để cùng người yêu, gia đình ngắm pháo hoa và thành phố lung linh của thời khắc giao thừa thiêng liêng.

Chương trình nghệ thuật đón giao thừa của Huế diễn ra vào lúc 22h10. Chương trình nghệ thuật kết thúc cũng là lúc màn pháo hoa tầm cao được khai hỏa ở cả hai địa điểm Kỳ Đài và Nghinh Lương Đình, thắp sáng bầu trời của kinh thành Huế và sông Hương thơ mộng.

Năm nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, những hộ nghèo, gia đình chính sách tại Thừa Thiên - Huế đã có một cái Tết khá ấm cúng và đầy đủ. Theo đó, tại TP Huế, các hộ nghèo đã được nhận tiền hỗ trợ Tết của Nhà nước với định mức mỗi khẩu 200.000 đồng (mỗi gia đình tối đa không quá 1 triệu đồng)... (Bùi Ngọc Long - Cao Nguyên)

Hà Nội: Tưng bừng đón giao thừa

Giao thừa tại bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây rực rỡ pháo hoa. Pháo hoa làm sáng rực bầu trời và mặt nước. Người dân đứng ven hồ trầm trồ trong từng đợt bắn pháo. Cái lạnh đặc trưng của thời tiết đầu xuân với những bụi mưa phùn không ngăn được dòng người đổ ra đường.

 
 Chào năm mới, chào xuân Kỷ Sửu 2009 - Ảnh: Ngọc Thắng

Khu vực xung quanh bờ Hồ, vườn hoa Lý Thái Tổ đặc kín người, tuy nhiên, mọi người rất trật tự để chiêm ngưỡng pháo hoa. Hàng trăm máy ảnh, điện thoại di động được người dân giơ lên để chụp ảnh và quay cảnh tỏa sáng của pháo hoa.

 
Người dân phấn khởi với màn pháo hoa hoành tráng - Ảnh: Ngọc Thắng

Trên vỉa hè các phố chính, hàng bán mía, bong bóng vẫn đông khách. Mỗi cây mía giá từ 15.000 - 20.000 đồng nhưng rất nhiều người mua với hy vọng mang lộc về nhà. Các ngôi chùa cũng mở cửa tới sáng để người dân vào thắp nén hương đầu năm cầu chúc những điều an lành.

 
 "Sừng trâu" phát quang đắt hàng chào đón năm con trâu -
Ảnh: Ngọc Thắng

Bạn Nguyễn Thị Ngân nhà ở Long Biên, sinh viên ĐH Ngoại thương vừa nói vừa xuýt xoa trong cái lạnh: “Năm nào mình cũng ra bờ Hồ xem bắn pháo hoa. Năm nay thấy ấm áp hơn vì có người yêu đi bên cạnh. Mình mong ước sang năm tới sẽ học tốt hơn, ra trường sẽ có được việc làm như ý”.

 
Sau giao thừa, đền, chùa chật cứng người tới thắp hương cầu một năm mới an lành - Ảnh: Ngọc Thắng

Bác Nguyễn Trịnh Đông ở Hà Nội, bác Đinh Quý Hùng ở quận 7, TP.HCM và bác Nguyễn Văn Long ở Yên Bái hẹn nhau ở bờ Hồ trong đêm giao thừa. Sau đó cả ba sẽ về nhà bác Đông "xông" nhà, hàn huyên chuyện trong năm qua. “Chúng tôi là bạn thân của nhau từ thuở chăn trâu cắt cỏ, giờ mỗi người một nơi. Chúng tôi hẹn gặp nhau trong đêm giao thừa để cùng đón Tết, kể cho nhau nghe những chuyện đã qua để rồi chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới”, bác Hùng chia sẻ. (Lê Quân - Trần Đan)

* Tại đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), anh Nguyễn Quốc Tự, y sĩ tại đồn biên phòng trên đảo cho biết: Anh em ở đảo dù đón Tết xa nhà nhưng rất vui, có hái hoa dân chủ, hát karaoke, có mâm ngũ quả, đầy đủ bánh tét, mứt, kẹo. (Káp Long ghi)

 
Tết trên đảo hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) vẫn "xôm tụ" với karaoke

 TP.HCM đón giao thừa

TP.HCM lúc 23h45 đêm 30 Tết chật kín người tại các con đường quanh khu vực công viên 23.9 để chờ đợi xem pháo hoa. Trong khi chờ đợi thời khắc giao thừa, người dân thành phố còn được xem chương trình ca nhạc đặc biệt mang tên "Thành phố vào xuân - Mừng xuân Kỷ Sửu" biểu diễn ngoài trời.

Chương trình có sự góp mặt của nhiều ca sĩ như Lam Trường, Hồ Quỳnh Hương, nhóm 5 dòng kẻ, Quang Linh... Đặc biệt là sự xuất hiện của Hoa hậu Thế giới 2008 đón giao thừa cùng người dân thành phố và lì xì cho trẻ em nghèo.

Đúng 0h00, những tiếng nổ đầu tiên vang lên, những tia sáng rực rỡ vút cao lên bầu trời báo hiệu một năm mới bắt đầu.

Một số hình ảnh phóng viên Thanh Niên Online ghi nhận trong đêm giao thừa. (Nguyên Mi - Khả Hòa - Nghĩa Phạm - Minh Định)

 
Dòng người chờ đợi tại công viên 23.9 để xem pháo hoa

 

 

 
Hàng ngàn cặp mắt chăm chú hướng theo từng tia pháo hoa vút bay trên bầu trời

 
Nguyện cầu cho năm mới trong giờ phút giao thừa

 
Hoa hậu Thế giới 2008 Ksenia Sukhinova cùng đón giao thừa và lì xì cho các trẻ em nghèo

 

 
Du khách nước ngoài cùng chung vui năm mới với người dân TP.HCM

 
Cúng giao thừa

 Ngay từ tối, những vị khách nước ngoài này đã rất háo hức với không khí tết cổ truyền Việt Nam - Ảnh: Khả Hòa
 

 Thời khắc giao thừa đã đến với màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục - Ảnh: Khả Hòa
 

 
 Rực rỡ pháo hoa tại Cầu Khánh Hội, Q.4, TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

 
 

Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM - Ảnh: Minh Định

 

 Cơ hội ghi lại những hình ảnh pháo hoa được tận dụng bằng mọi phương tiện - Ảnh: Khả Hòa

 

Tuy Hòa (Phú Yên): Đón Xuân trong không khí se se lạnh pha chút mưa xuân

Từ 25 tháng Chạp, không khí xuân đã tràn ngập thành phố nhỏ ven biển miền Trung này. Các loại hoa từ Bình Kiến, Bình Ngọc, Hòa An... theo người vào Hội hoa xuân làm cho phố xá rực lên màu áo mới. Năm nay vào xuân tiết trời se se lạnh, pha chút mưa nhẹ làm cho chất xuân thêm thi vị. Người đi dạo vườn hoa xuân thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng. 

21h tối 30 Tết, chương trình biểu diễn nghệ thuật của các diễn viên quần chúng và đoàn nghệ thuật dân gian Sao Biển thu hút đông đảo bà con tụ về tại Quảng trường 1-4 để vui xuân.

 

Các tiết mục hò bá trạo, một điệu hò truyền thống ở vùng biển Phú Yên, các điệu bài chòi, trích đoạn Tuồng “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”… được bà con cổ vũ nồng nhiệt. 90 giàn pháo hoa, mỗi giàn 25 quả với 14 loại pháo hoa tầm thấp (100m) được bắn lên tại đỉnh núi Nhạn (TP Tuy Hòa) trong vòng 15 phút khi giao thừa đến. (Dương Thanh Xuân)

 

Hội chợ Tết của người Việt ở Úc

Trong không khí rộn rã mừng Xuân Kỷ Sửu 2009, cộng đồng người Việt ở thành phố Melbourne (Úc) tổ chức các lễ hội, hội chợ để hòa nhịp với Tết cổ truyền ở quê hương.

Dưới đây là một số hình ảnh tại hội chợ Richmond, ở thành phố Melbourne.

 

Bán hủ tiếu gây quỹ từ thiện

 

Mọi người đang chơi trò ném bóng dân gian

 

Một góc hội chợ

 

Các em bé trong trang phục áo dài truyền thống

 

Chuẩn bị trước chương trình biểu diễn văn nghệ

Thúy Huỳnh
(Ảnh: Hà Minh)

 Rộn ràng Tết Việt ở quận Cam (California, Mỹ)

Những ngày này, khu Asian Garden Mall - còn gọi là Thương xá Phúc Lộc Thọ - ở đại lộ Bolsa Avenue, hạt Orange (cộng đồng người Việt tại Califonia quen gọi là “quận Cam”) tấp nập người Việt đi sắm Tết. Cũng dễ hiểu vì ở quận Cam - hạt đông dân thứ hai tại California với hơn 2,8 triệu dân - thì cộng đồng Việt kiều đã chiếm khoảng 15%.

Khác với những trung tâm mua sắm lớn ở Mỹ hay châu u, khách hàng đến với Thương xá Phúc Lộc Thọ - đa phần là người già - không chỉ để mua sắm, mà còn một lẽ là chỉ khi tụ họp nơi đây họ mới thỏa thích nói tiếng Việt với nhau. Những ngày 29, 30 Tết năm nay rơi vào những ngày nghỉ cuối tuần nên xem như là một dịp dạo phố ngày Xuân.

 
Dù bánh tét, bánh chưng, giò lụa bên này gói bằng nilon in hình lá chuối, buộc cũng bằng dây nilon đỏ nhưng trông rất hấp dẫn. Giá mỗi cái từ 10 - 12 USD. Các loại mứt sen, mứt bí vẫn rất dễ tìm mua tại đây

 
Các loại chuối và cam vàng ươm thường được bà con Việt Kiều mua về chưng bàn thờ Tết

 
Nhiều người nhớ quay quắt một chậu quất miền Bắc, hay một chậu tắc kiểng Cái Mơn, miền Nam. Vậy là đành mua tạm một chậu bưởi kiểng để dõi tìm một chút hồn quê xa

 
Những người con gốc Bắc năm nay đi chợ Tết đã ồ lên thích thú khi thấy có cửa hàng bày quả Phật thủ vàng ươm. Người gốc Nam thì lại chọn cho mình quả khóm phụng đỏ tươi (còn gọi là thơm, dứa). Cả hai loại trái này đều được bày biện trên bàn thờ vào dịp Tết

 
Nhiều loại trái cây nhiệt đới khác cũng được bày bán ở đây và giá thường khá đắt so với ngày thường

 
Bên này thật khó tìm cho ra một cành mai vàng Việt Nam. Nhiều người mua tạm mai vàng Cali. Dù sao cũng như đem một chút nắng vàng hanh hao nhiệt đới về nhà đón xuân

 
Và tất nhiên hoa cúc vàng rực rỡ luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các bà, các cô đi chợ. Họ đang hoài nhớ chợ hoa xuân Nguyễn Huệ năm nào

 
Hoa lan rất được ưa chuộng vì lâu tàn, có thể để đến ngày rằm tháng Giêng. Năm nay giá một chậu địa lan khá cao, từ 100 - 350 USD, vậy mà vẫn bán chạy

Thiện Tâm - Đông Thức
(thực hiện)

Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.