Những nữ chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân 8.1945

Nguyễn Thị Thanh - bóng hình nữ du kích hồ Ba Bể

17/10/2023 07:26 GMT+7

Là con nhà khá giả ở Cao Bằng, lại đẹp có tiếng ở trong vùng, thế mà nay Nguyễn Thị Thanh cũng thành một chiến sĩ ưu tú của Giải phóng quân. Cô nai nịt gọn gàng trong bộ quân phục màu chàm y như "người nữ du kích hồ Ba Bể" được nhà báo Trần Huy Liệu viết trên Báo Cứu quốc phát hành bí mật.

Khi Giải phóng quân tiến về Hà Nội, đến gần cầu Long Biên thì lính Nhật ở đây chặn lại không cho vào. Lý do là họ chưa nhận được lệnh của chỉ huy. Trước tình thế đó, chỉ huy quân giải phóng cho các đơn vị tạm dừng chân. Tiểu đội nữ, trong đó có Nguyễn Thị Thanh, tranh thủ tản ra các phố Gia Lâm tuyên truyền, vận động quần chúng. Lúc này, tiểu đội nữ vẫn mặc nguyên áo dài chàm, đội mũ bê rê chàm khiến nhân dân càng chú ý hơn. Chị em nói rõ mục đích tôn chỉ của quân đội cách mạng là vì nhân dân phục vụ.

Nguyễn Thị Thanh - bóng hình nữ du kích hồ Ba Bể - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh

Tư liệu gia đình cung cấp

Nguyễn Thị Thanh - bóng hình nữ du kích hồ Ba Bể - Ảnh 2.

Đội nữ chiến sĩ Giải phóng quân

Tư liệu gia đình cung cấp

Đội quân cách mạng này được thành lập vào lúc 5 giờ chiều ngày 22.12.1944 tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc tỉnh Cao Bằng. Sau này nhớ lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết, anh linh của hai đấng anh hùng chở che cho đội quân cách mạng đàn anh này.

Trước đại diện liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đại biểu các đoàn thể quần chúng của hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, đồng chí Văn (sau này là Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp) đọc quyết định thành lập đội của đoàn thể và nêu rõ nhiệm vụ của đội. Phút tuyên thệ tuy giản dị mà thiêng liêng trong tâm hồn từng chiến sĩ, ai cũng cảm thấy xao xuyến trước từng lời thề.

Đến giờ ăn, mặc dù đồng bào địa phương và các đoàn thể ủng hộ rất nhiều quà bánh, gạo, thịt, nhưng toàn đội đã tự nguyện ăn một bữa cơm nhạt không rau, không muối để tỏ rõ thêm tinh thần sẵn sàng chịu đựng khó khăn gian khổ. Tối đến, toàn đội tổ chức một cuộc liên hoan lửa trại vui vẻ và xúc động.

Ngồi xung quanh ngọn lửa hồng ấm áp giữa rừng già âm u giá lạnh, từng người một đứng dậy kể rõ cuộc đời của mình cho tất cả cùng nghe. Ba nữ chiến sĩ Lê Minh Cầm, Nguyễn Thị Thanh và Đàm Thị Loan đã ôn lại cuộc đời của mình. Khi ngọn lửa cách mạng về đến quê hương, Nguyễn Thị Thanh đã mau chóng tham gia, làm Ủy viên chấp hành Thanh niên Cứu quốc (tháng 2.1942). Ngọn lửa cách mạng nhanh chóng lan truyền khắp núi rừng Cao Bằng. Thanh niên toàn tỉnh không còn mấy người không tham gia cách mạng.

Trở thành đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Nguyễn Thị Thanh ghi nhớ quyết tâm của toàn đội: "Trận đầu phải thắng". Dưới sự chỉ huy của đồng chí Văn và Ban Chỉ huy đội (Đội trưởng Hoàng Sâm, Chính trị viên Xích Thắng), dù chỉ mới thành lập được hai ngày, đội đã hành quân chiến đấu lập thành tích diệt 2 đồn Phai Khắt (24.12.1944) và Nà Ngần (25.12.1944). Hai trận này, 2 nữ đội viên Nguyễn Thị Thanh và Lê Minh Cầm đều tham dự.

Tiếng vang của chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần làm nhân dân phấn khởi, quân địch hoang mang, lo sợ. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp tổ chức những cuộc càn quét, khủng bố trong toàn tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Văn hướng dẫn trực tiếp đội tiến hành công tác chống khủng bố, củng cố cơ sở. Một tiểu đội gồm 8 đội viên (trong đó có 3 đội viên nữ: Nguyễn Thị Thanh, Lê Minh Cầm, Đàm Thị Loan) xuống các bản để giữ vững tinh thần quần chúng. Trước tiên, tiểu đội thực hiện trấn áp bọn xấu rồi tuyên truyền giải thích cho đồng bào, củng cố lại tổ chức.

Cách mạng tháng Tám 1945 như ngọn triều dâng. Đội viên Nguyễn Thị Thanh rời chiến khu về thủ đô Hà Nội. Sau những ngày đóng quân tại trại Bảo an binh (40 Hàng Bài), bà nhận nhiệm vụ tham gia huấn luyện quân sự cho nữ tự vệ Hà Nội.

Thế rồi thấm thoắt 45 năm trôi qua. Năm 1989, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thủ đô lên thăm lại Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng). Đại tướng ghé vào nghĩa trang Ngân Sơn viếng mộ đồng chí Phùng Chí Kiên, đồng chí Đồng Văn Bằng - đảng viên chi bộ Chí Kiên của tỉnh Bắc Kạn. Hai người đều bị thực dân Pháp sát hại trước khi cách mạng thành công. Vị Tổng tư lệnh sang viếng mộ bà Nguyễn Thị Thanh mới mất vài năm trước.

"Tôi đốt những nén nhang, mà khi mua chị bán hàng ở chợ Nà Phặc nhất định không chịu nhận tiền. Cắm những nén nhang trên mộ các anh, lòng bùi ngùi", Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại. (còn tiếp) 

Từ đầu năm 1946, bà Nguyễn Thị Thanh trở về Bắc Kạn nhận công tác. Bà đã lần lượt làm Bí thư Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn (10.1946 - 4.1948); Chủ nhiệm Bảo tàng Việt Bắc - nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên (1965 - 1968), Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn (1968 - 1973). Từ tháng 8.1973, bà được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn điều động về huyện Ngân Sơn công tác, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn.

Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho bà Nguyễn Thị Thanh: Huân chương Kháng chiến hạng nhì (1958), Huy hiệu Vì sự nghiệp Giải phóng Phụ nữ (1962), Lão thành cách mạng và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.