Những nữ chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân 8.1945:

Lê Minh Cầm - nữ chiến sĩ giải phóng quân cầm cờ tiến vào thủ đô 8.1945

16/10/2023 07:26 GMT+7

Khi tham gia hỗ trợ ông Vũ Minh Trực biên soạn cuốn sách Thượng tướng Vũ Lập từ Phai Khắt - Nà Ngần đến Vị Xuyên máu lửa (NXB Thông tin và Truyền thông, 2023), tôi được ông Trực chia sẻ về một tấm ảnh lịch sử. Đó là 6 nữ chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân có mặt tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trong ngày 2.9.1945.

Về nguồn gốc của tấm ảnh, ông Vũ Minh Trực cho biết đó là do ông Doanh Hằng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái (nay là 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên), tặng gia đình, vì trong ảnh có mẹ của ông Trực. Các bà trong ảnh là bà Lê Minh Cầm, bà Nguyễn Thị Thanh, bà Tô Thúy Hải, bà Vi Thị Nhung, bà Nông Bích Liên và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Bế Thị Mượt).

Bà Lê Minh Cầm sinh năm 1921 tại xóm Nà Đán, xã Dân Chủ, H.Hòa An, Cao Bằng. Như hầu hết các gia đình ở thôn bản trước kia, phải lựa những tên xấu để tránh sự dòm ngó hay quở trách của ma quỷ, khi chào đời, cha mẹ đặt tên bà là Lê Thị Chói. Hoạt động cách mạng, các đồng chí đã chọn tên mới là Lê Minh Cầm. Tên ấy theo bà đến trọn đời. Cô sơn nữ Lê Minh Cầm đến với cách mạng từ rất sớm, được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1941. Bà là một trong ba nữ đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Lê Minh Cầm - nữ chiến sĩ giải phóng quân cầm cờ tiến vào thủ đô 8.1945 - Ảnh 1.

Lê Minh Cầm - nữ chiến sĩ giải phóng quân cầm cờ tiến vào thủ đô 8.1945 - Ảnh 2.

Bà Lê Minh Cầm (1921-2012)

Tư liệu gia đình

Từ năm 1947, bà Lê Minh Cầm về làm bí thư đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Hội trưởng Hội Phụ nữ Liên khu Việt Bắc, Đại biểu Quốc hội khóa II cho đến lúc về hưu. Với những đóng góp của mình, bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng nhất...

Những ngày Cách mạng tháng TámCách mạng tháng Tám 1945, cô sơn nữ ấy đã có vinh dự cầm lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đội nữ Việt Nam giải phóng quân tiến vào thủ đô Hà Nội. Năm 1971, bà Lê Minh Cầm kể lại vinh dự này: Trong lúc Giải phóng quân và quần chúng cách mạng đang bao vây TX.Thái Nguyên, quyết tiêu diệt phát xít Nhật và chính quyền tay sai ở đây thì chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp nhận được tin báo: Hà Nội đã giành được chính quyền ngày 19.8. Đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng, Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ họp bàn tại Thái Nguyên đã quyết định: Về ngay Hà Nội chuẩn bị đón Chính phủ lâm thời. Đại bộ phận gấp rút tiến về Hà Nội, chỉ để một đơn vị Giải phóng quân ở lại bao vây TX.Thái Nguyên.

"Anh Văn (tên gọi thân mật của chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp) cho liên lạc gọi tôi và một trung đội của chi đội Quang Trung về nhận nhiệm vụ mới", bà Lê Minh Cầm nhớ lại. Đơn vị hành quân qua Đồng Hỷ, H.Phú Bình rồi chia làm hai cánh: một cánh đi về phía Bắc Giang, một cánh thẳng về Hà Nội. Lúc này, Hà Nội giành chính quyền đã hơn một tuần lễ. Cấp trên chỉ thị phải gấp rút đưa các chi đội Giải phóng quân về Hà Nội để nhân dân thêm tin tưởng vào sức mạnh của chính quyền mới...

Được tin chi đội Giải phóng quânđội Giải phóng quân đầu tiên đã về đến Gia Lâm, các ông Nguyễn Khang và Vương Thừa Vũ sang đón. Khi chi đội Giải phóng quân về qua, bà con Gia Lâm tấp nập ra hai bên đường đón và tiếp tế. Trong ký ức của bà Cầm: "Cái gì ngon nhất, đẹp nhất đều dành cho bộ đội từ chiến khu mới về".

Nhưng họ đã gặp phải sự ngăn trở của quân phát xít Nhật vẫn đang nắm quyền kiểm soát thủ đô, ngăn cản các đơn vị Giải phóng quân vào Hà Nội. Dù kinh nghiệm chiến đấu trong thành phố chưa có nhiều, mới dự trận đánh địch ở TX.Thái Nguyên nhưng trong suy nghĩ của những nữ chiến sĩ Giải phóng quân khi đó là: Nếu bọn giặc Nhật ngoan cố cản ta thì phải đổ máu mới vào được.

Bằng đấu tranh ngoại giao mềm dẻo, tài tình khéo léo của những người chỉ huy Giải phóng quân và lãnh đạo Hà Nội khi đó, quân Nhật mở đường không gây khó dễ cho đoàn quân từ chiến khu tiến vào. Các ông Hoàng Sâm, Quang Trung và Nguyễn Khang cùng ngồi trên một chiếc ô tô con chỉ huy. Toàn đơn vị Giải phóng quân xếp hàng đôi, súng trên tay, đạn lên nòng, tư thế sẵn sàng chiến đấu, hành quân qua cầu Long Biên.

Trong trang phục quần chàm túm lại dưới đầu gối bằng dây cao su gọn gàng, mạnh mẽ, Lê Minh Cầm vác lá cờ đỏ sao vàng đi đầu hàng quân, đi trước ô tô của Ban chỉ huy trong tiếng reo hò của quần chúng thủ đô:

- Hoan hô quân chiến khu về!

- Hoan hô Giải phóng quân!

- Ủng hộ Việt Minh!

Một thời gian sau đó, bà Lê Minh Cầm được giới thiệu tham gia công tác dưới sự chỉ đạo của chị Sáu - bí danh của bà Hoàng Ngân, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Trung ương. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.