Kỷ niệm Cứu quốc quân: Đội Du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân

17/12/2021 06:15 GMT+7

Sang đầu năm 1941, chúng tôi nhận được chỉ thị: tìm đường và bảo vệ Trung ương đi công tác. Mãi về sau tôi mới biết đây là một chuyến công tác hết sức quan trọng: các đồng chí đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Bác Hồ triệu tập.

Tháng 2.1941, các đồng chí Sơn (Trường Chinh), Vân (Hoàng Văn Thụ), Chính (Hoàng Quốc Việt), Trần Đăng Ninh lên tới Võ Nhai. Qua làng tôi, các đồng chí nghỉ lại một thời gian. Sau, mọi người lên cơ quan của Ban Chỉ huy khu du kích Bắc Sơn ở Khuổi Nọi để chuẩn bị thêm về mọi mặt.

Chính thời gian ở Khuổi Nọi, anh Vân cho biết quyết định của Trung ương: đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân. Ý định này của Trung ương đã có từ cuối năm 1940. Đội quân khởi nghĩa đã được lọc lại qua mấy tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt nay còn lại vừa một trung đội.

Ngày 14.2.1941, Trung đội Cứu quốc quân I làm lễ chính thức thành lập ở khe Khuổi Nọi, bên một dòng suối nhỏ chảy giữa cánh rừng sâu của xã Vũ Lễ, giáp hai châu Võ Nhai và Bắc Sơn. Xế chiều, anh em đã tới đông đủ đứng trên nền nhà cũ của hai anh em Lô và Liêu. Từ Võ Nhai đến có Nông Thái Long, Nhì Phung và tôi, lúc đó lấy tên là Ba; từ Bắc Sơn có các anh Bình, Quốc Vinh, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư, Hoàng, Tần, Ruệ, Vẩn Sang, Hác Chắp, Phó Sáng; ở xuôi lên có các anh Nguyễn Cao Đàm (tức Độ), Bình, Đắc, Bút, An (tức Hoàng Văn Thái), ông già Sính (tức Mạnh, quê ở Thái Bình), Lương Văn Tri (tức Giáo)... Toàn đội gồm 24 chiến sĩ là cán bộ, đảng viên miền xuôi và miền ngược đã lớn lên trong Bắc Sơn khởi nghĩa, đã từng hoạt động trong đấu tranh sống chết với quân thù.

Tranh vẽ Đội Cứu quốc quân

Tư liệu: Khải Mông

Suối rừng reo vui chào đón những người đi làm cách mạng từ bốn phương tụ hội ở đây. Anh Vân thay mặt Trung ương dự buổi lễ này. Anh Vân là người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Anh tạng người gầy, nhưng đi núi quen, trèo đèo lội suối giỏi. Anh vẫn thường qua lại nhà tôi. Tôi coi anh như người anh trong nhà, vừa thân mật vừa rất tôn trọng, quý mến.

Với cử chỉ điềm đạm, ung dung, anh Vân bước ra trước hàng quân. Giọng sang sảng, anh nói đại ý:

- Chúng ta đang phải sống trong cảnh nước mất nhà tan. Tổ quốc chúng ta đang điêu đứng vì giặc Nhật, giặc Pháp. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy tạm thời thất bại, nhưng nó đã chứng tỏ tinh thần quật khởi của dân ta ngày một dâng cao, không gì dập tắt được. Cuộc khởi nghĩa đã tạo cho nhân dân ta một lực lượng vũ trang cách mạng. Chúng ta phải giữ gìn và phát triển vốn quý đó. Vì vậy Trung ương quyết định thành lập Đội Cứu quốc quân. Là Cứu quốc quân, các đồng chí phải nêu cao truyền thống của Quân du kích Bắc Sơn, chịu đựng gian khổ - Phải giữ bí mật cho tốt!

Về nhiệm vụ của Cứu quốc quân, anh Vân nêu rõ:

- Cứu quốc quân phải dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng căn cứ địa du kích. Cứu quốc quân sẽ là nơi để anh em các nơi khác tới học tập. Với vị trí quan trọng của Bắc Sơn, các đồng chí còn có nhiệm vụ bảo vệ các cán bộ Đảng qua lại vùng này...

Sau khi truyền đạt chỉ thị của Trung ương, anh Vân trao cho chúng tôi một lá cờ đỏ sao vàng có tua rất đẹp do phong trào của phụ nữ Hà Nội gửi tặng. Tiếp đó, anh Giáo đọc năm lời thề của Cứu quốc quân. Rồi đến tôi thay mặt anh em, hứa “sẽ làm tròn nhiệm vụ Đảng giao cho... Cứu quốc quân không nề gian khổ, không ngại khó khăn, không sợ hy sinh, quyết tâm xây dựng phong trào lớn mạnh”.

Bảo vệ cán bộ họp hội nghị trung ương VIII

Buổi lễ xong, anh Vân và tôi trở về cơ quan. Dọc đường, anh Vân cho biết Trung ương chỉ định tôi vào Xứ ủy và nói rõ lần này các đồng chí Trung ương sẽ đi dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chúng tôi được giao phụ trách việc bảo vệ đoàn đi họp.

Thật là vinh dự cho những người được chọn đi làm công tác đặc biệt này! Chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì thấy được phụ trách một việc đầu tiên do Trung ương trực tiếp trao cho Cứu quốc quân: bảo vệ Trung ương đi dự một hội nghị có quan hệ đến vận mệnh cả nước. Lo vì biết trước đường đi sẽ rất gian lao nguy hiểm, phải trèo đèo lội suối, phải vượt qua nhiều đồn địch trong khi chúng đang tung hàng ngàn binh lính và mật thám bao vây. Nhất định bảo đảm an toàn cho các đồng chí Trung ương!

“Trung ương chỉ định anh Tri ở lại phụ trách với nhiệm vụ tổ chức giữ con đường từ Bắc Sơn về Đình Cả và huấn luyện đơn vị Cứu quốc quân. Tôi đã nói chuyện với anh Tri”, anh Vân nói.

Anh Tri - mà chúng tôi thường gọi là anh Giáo - đã từng cùng anh Vân ra hoạt động ở nước ngoài. Anh có học ở Học hiệu quân sự ở Trung Quốc. Chúng tôi đã được anh dìu dắt, chỉ bảo nhiều về chính trị, quân sự. Cũng vì thế chúng tôi gọi anh là anh Giáo. Anh là người Tày, mắt một mí, sống mũi cao, vóc người anh nhỏ nhắn, rõ ra dáng “văn nhân”. Tuy nhiên, tác phong của anh lại rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, rất quân sự...

Chuyện trò, suy nghĩ dọc đường, về đến cơ quan lúc nào không hay. Ở nhà, anh em đang đan sọt để chuẩn bị lên đường... (còn tiếp)

(Trích hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, NXB Lao động 2010)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.