Làm thế nào để nông dân cũng vay được vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính?

Mai Phương
Mai Phương
06/04/2023 11:23 GMT+7

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nông nghiệp nhưng cần huy động được nhiều nguồn lực đầu tư hơn trong lĩnh vực này.

Tiếp cận tín dụng luôn là nút thắt với ngành nông nghiệp. Không chỉ người nông dân, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này cũng luôn than phiền, tín dụng cho nông nghiệp hạn chế. Đó là lí do, Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt", do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (6.4) có sự tham dự của đại diện các nhà băng, quỹ đầu tư.... Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Ventures - nhận định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2022, ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP cả nước.

Làm thế nào để nông dân cũng vay được vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Ventures - phát biểu tại tọa đàm sáng 6.4

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều bất cập. Ví dụ, chi phí vận chuyển, vận tải chiếm 25% GDP; có 64% số doanh nghiệp và nông dân muốn vay vốn nhưng khó khăn, trong đó có 38% không thể tiếp cận được vốn và đến 62% có tiếp cận nhưng rất hạn chế. Hay tình trạng hư hao trong sản xuất, vận chuyển, bỏ phí chiếm khoảng 1% trên GDP của Việt Nam là một con số rất lớn. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm cũng là vấn đề nan giải khi 86% vẫn phải qua chợ truyền thống; chỉ khoảng 1% thực phẩm được đóng gói, có thương hiệu...

Nhưng đứng ở góc độ quỹ đầu tư, ông Hoàng Đức Trung nhấn mạnh: Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để giúp ngành nông nghiệp phát triển. Bản thân VinaCapital rất quan tâm và đã tham gia rót vốn vào nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, có 5 lĩnh vực mà quỹ đầu tư này đang quan tâm để tạo thành hệ sinh thái, kết nối từ sản xuất đến người nông dân.

Cụ thể, làm sao để người nông dân có chỉ số tài chính để tiếp cận được với ngân hàng, tổ chức tài chính? Cần ứng dụng công nghệ để xây dựng nên chỉ số tài chính để giúp người nông dân vay được vốn. Bên cạnh đó, thực phẩm thay thế đang được giới thiệu nhiều trên thế giới. Việt Nam có nhiều nguồn thực vật phong phú nên có lợi thế để sản xuất những sản phẩm thay thế. Thứ ba là nền tảng về nông nghiệp. Chẳng hạn, sàn Vỏ Sò trong thời gian Covid-19 giúp đưa nhiều nông sản như vải thiều ở Bắc Giang bán vào phía nam, nhãn bán sang Nhật... Nền tảng này sẽ giúp bớt các khâu trong lưu thông để giảm hư hỏng, bảo quản và không làm tăng giá. Ví dụ, nông dân bán trái dừa 10.000 đồng nhưng đến tay người dùng 100.000 đồng thì cũng không thể cạnh tranh được ngay trong nước.

Tiếp theo là chất lượng sản phẩm. Ông Trung dẫn chứng, chúng ta nói về xây dựng thương hiệu tôm nhưng con tôm hay bị bệnh. Có công nghệ nào, giải pháp nào giúp nông dân phát hiện bệnh sớm ở con tôm hay không? Nhiều nước trong khu vực đã có nhưng Việt Nam chưa có. Cuối cùng là thương mại điện tử, có cách nào gia tăng hình ảnh, xây dựng thương hiệu để nông dân bán được hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ông Hoàng Đức Trung nêu vấn đề: Làm sao huy động được nhiều nguồn lực hơn để giúp nông nghiệp phát triển. Chúng ta cần xây dựng được hệ sinh thái. Trong đó về phía Chính phủ, có chính sách gì để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp? Cần cụ thể và rõ ràng hơn nữa để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn.

Song song đó, có bài toán đau lòng là chi phí nghiên cứu và phát triển ở các công ty trong nước không lớn. Có cách nào để đẩy mạnh hơn vấn đề này để có nhiều ý tưởng, start-up và từ đó được ứng dụng triển khai vào nông nghiệp, chuỗi dịch vụ sản phẩm của các công ty để thúc đẩy từ sản xuất đến phát triển thương hiệu. Hay các trường đại học cũng làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.