Báo Thanh Niên tổ chức Tọa đàm 'Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt'

04/04/2023 08:27 GMT+7

Ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... Thương hiệu quốc gia cho nông sản cũng nhằm tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.

Có nhiều định nghĩa về thương hiệu quốc gia nhưng với người tiêu dùng, thương hiệu quốc gia đơn giản là khi nói đến thương hiệu đó, người ta nghĩ ngay đến quốc gia sản sinh ra. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông sản, nói đến cá hồi, chúng ta nghĩ tới Na Uy, bò Kobe của Nhật, táo Mỹ, kiwi New Zealand...

Xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều loại nông sản đặc trưng nhưng chưa xây dựng được thương hiệu gắn liền với quốc gia

CHÍ NHÂN

Vậy, nhắc đến Việt Nam, nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, người tiêu dùng sẽ nghĩ đến sản phẩm nào? Rất khó có câu trả lời bởi thực tế, chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu nông sản đủ mạnh để trở thành thương hiệu quốc gia khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Cũng vì thế, cùng là sầu riêng, nhưng sầu riêng Malaysia có thương hiệu nên giá rất cao, trong khi chất lượng sầu riêng Việt Nam không kém thì giá rẻ hơn. Việt Nam xuất khẩu chuối qua Trung Quốc số lượng lớn nhưng đa số người tiêu dùng chỉ biết đến chuối Philippines. Là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu "top" đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài.

Ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... qua các Hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới ở sát ngay bên cạnh cũng chính thức mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam với các yêu cầu cao hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, gia tăng số lượng nông dân tỉ phú. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.

Xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản Việt - Ảnh 2.

"Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" nằm trong chuỗi sự kiện tiếp nối từ Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" do Báo Thanh Niên tổ chức

T.N

Tiếp nối thành công của Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" ngày 18.11.2022 do Báo Thanh Niên phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" vào 8 giờ 30 phút ngày 6.4 tại Tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM).

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp... cùng tháo gỡ các vướng mắc, đề xuất các giải pháp để đưa nông sản Việt Nam về đúng vai trò, vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.