Đẩy mạnh đầu tư công, tạo sinh kế cho người dân

04/04/2023 06:22 GMT+7

Quý 1/2023 tăng trưởng GDP thấp hơn so với kịch bản đặt ra, nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về lạm phát, xuất khẩu giảm..., song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định như trên tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, tổ chức hôm qua (3.4).

2 kịch bản tăng trưởng

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản Quốc hội và Chính phủ đặt ra (5,6%). Tăng trưởng GDP cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; rủi ro về lạm phát; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn...

Đẩy mạnh đầu tư công, tạo sinh kế cho người dân - Ảnh 1.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang nỗ lực thi công để hướng tới thông xe trong dịp lễ 30.4 này

QUẾ HÀ

Dù vậy, GDP quý 1 vẫn được đánh giá tích cực, đạt mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT cũng đưa ra dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản 1 tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng 3 quý còn lại theo kịch bản tại Nghị quyết 01 (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).

Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.

Kịch bản 2 để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý 2 là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý 3 và quý 4/2023 tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01).

Tuy nhiên, đây là kịch bản rất thách thức trong bối cảnh hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Vì thế, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025 từ 6,5 - 7%.

Đầu tư công là then chốt, động lực

Liên quan đến tăng trưởng GDP quý 1 thấp, trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 3.4, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: "Kết quả này cũng đúng như những gì chúng ta nhìn nhận, đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH. Khi đó, chúng ta đã nhận định khó khăn thách thức nhiều hơn là cơ hội. Đến nay cho thấy, những khó khăn thách thức gặp phải thậm chí còn lớn hơn so với dự báo".

Theo ông Phương, đầu tư công là vấn đề then chốt, động lực cho tăng trưởng cần được quan tâm, đẩy mạnh. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT kiến nghị thành lập tổ công tác ở các địa phương để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Thông tin thêm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương lập tổ công tác do chủ tịch cấp tỉnh làm tổ trưởng để rà soát, xử lý trực tiếp các vướng mắc đối với mỗi dự án. Qua rà soát thì vướng mắc về pháp lý hiện nay chiếm tỷ lệ cao nhất.

TP.HCM là một trong những cực tăng trưởng có mức độ tăng trưởng GDP thấp trong quý 1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết qua khảo sát, các doanh nghiệp (DN) đang gặp 4 nhóm khó khăn về thị trường thu hẹp (hơn 41% DN); giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Về giải pháp, một trong những ưu tiên của TP.HCM là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN về các vấn đề này, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất, cho biết trong quý 1 đã giải ngân được khoảng 17% và bình quân mỗi tháng giải ngân khoảng 8.000 tỉ đồng. Ông Thắng cũng khẳng định nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý 2 sẽ tạo dư địa tăng trưởng; đồng thời cần tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho DN, đặc biệt là các dự án dở dang.

Về phía ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế. Hoạt động của các bệnh viện cơ bản đã trở lại bình thường. Cụ thể, Bệnh viện Việt Đức đã mở lại 5 gói thầu trước đây phải dừng, Bệnh viện Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỉ đồng… Cuối tuần qua, Bộ Y tế cũng đã tiến hành gia hạn đợt 3 giấy phép lưu hành thuốc. Đến nay đã có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế được gia hạn.

Đẩy mạnh đầu tư công, tạo sinh kế cho người dân - Ảnh 3.

Nghiên cứu cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định bên cạnh những kết quả KT-XH khá tích cực, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý 1/2023 tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu DN cần các biện pháp xử lý tích cực hơn...

Chuẩn hóa SIM sẽ hạn chế SIM "rác"

Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 3.4, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết những thuê bao đã đăng ký thông tin bằng chứng minh thư nhân dân, nếu như có thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định thì hoạt động bình thường. Cụ thể, thuê bao đã đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân nhưng chưa đồng bộ với căn cước công dân mới được hiểu chưa đồng bộ hoặc chưa được cấp căn cước công dân, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có thông tin sẽ được nhà mạng chủ động rà soát dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao trước đây (bản giấy hoặc bản photo giấy tờ tùy thân). Từ đó để khẳng định cơ sở dữ liệu tại nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi đăng ký của khách hàng.

Theo ông Lâm, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm góp phần hạn chế SIM "rác" quấy nhiễu người dân hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng viễn thông thời gian qua.

Nguyên nhân do tác động rất nặng nề từ bên ngoài, thị trường quốc tế. Đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng hậu quả còn kéo dài.

Về nhiệm vụ cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm.

Chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém; rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa trong chi thường xuyên; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu DN giai đoạn 2022 - 2023 và đề xuất giải pháp.

Bộ KH-ĐT hoàn thành việc phân bổ chi tiết các kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi; chủ trì, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, DN; chuẩn bị thật tốt việc trình Quốc hội ban hành một số nghị quyết liên quan tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh đầu tư công, tạo sinh kế cho người dân - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương

TTXVN

Giữ mục tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định rõ chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là những vướng mắc về pháp lý, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

"Vướng mắc liên quan lĩnh vực thuộc bộ, ngành, cấp nào thì bộ, ngành, cấp đó phải tháo gỡ, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp trên xử lý", Thủ tướng nhấn mạnh.


Bất động sản gặp "cú sốc" mạnh nên chưa thể phục hồi ngay

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho biết ngay sau khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi, Chính phủ chủ động đưa ra nhiều chính sách để ổn định vĩ mô trước những biến động về tài chính trên thế giới.

Song, theo chuyên gia này, các chính sách đều có độ trễ nhất định. Hơn nữa, trong vài năm gần đây, nền kinh tế nước ta nói riêng và thế giới nói chung chịu nhiều tác động tiêu cực: vừa bước ra sau 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành lại có khủng hoảng chính trị ở vùng Đông Âu khiến khó khăn chồng chất thêm. Khủng hoảng tài chính xảy ra ở quy mô nhiều quốc gia dẫn đến lãi suất tăng cao, tác động tiêu cực đến mọi ngành nghề, lĩnh vực.

Tại VN, bất động sản là ngành chiếm tỷ lệ vốn tín dụng cao hàng đầu nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thiếu vốn kinh doanh, duy trì hoạt động. Đồng thời, chính sách về trái phiếu DN bị siết chặt mà trong vài năm qua, các DN bất động sản đã phát hành lượng lớn trái phiếu với kỳ hạn ngắn, lãi suất cao khiến áp lực trả lãi, đáo hạn trái phiếu tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái mất thanh khoản…

"Tất cả các áp lực dồn tụ khiến nhiều DN bất động sản nghẹt thở, phải cắt giảm nhân sự, giảm dự án hoặc ngừng thi công, thậm chí phá sản. Thị trường bất động sản vốn là lĩnh vực đầu tàu của nhiều ngành gặp cú sốc cực mạnh về nguồn vốn nên khó có thể phục hồi ngay", ông Đính nói.


Các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho cấp dưới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ khâu trung gian. Vừa qua, đã có một số mô hình ủy quyền như Bộ GTVT ủy quyền cho các sở GTVT triển khai các dự án cao tốc. Đồng thời, đề xuất các cấp có thẩm quyền các chính sách, thực hiện miễn, giảm, gia hạn, giãn thuế, phí, lệ phí và cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP kiểm tra, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.

Các bộ, ngành phối hợp đề xuất, tháo gỡ vướng mắc về luật pháp liên quan việc dùng kinh phí thường xuyên cho đầu tư phát triển; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; đề xuất các quy định chuyển tiếp để xử lý tồn tại tại các dự án đầu tư công như hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An); chính sách visa cho người nước ngoài.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình về sản xuất chip điện tử; Bộ Công thương chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh; Bộ TN-MT chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.