Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế ?

03/04/2023 06:22 GMT+7

Dù được dự báo trước sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 cả nước chỉ đạt 3,32%. Đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM chỉ tăng trưởng chưa đến 1% là kết quả khiến các chuyên gia kinh tế cũng "không thể ngờ tới".

Nhiều yếu tố bất ngờ

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định tốc độ tăng trưởng GDP cả nước quý đầu năm nay đạt 3,32% là thấp và nếu so với mức thấp của quý 1/2022 thì càng thấp hơn. Điều này do dư âm từ những khó khăn trước đây. Cụ thể như chuỗi cung ứng toàn cầu bị khó khăn ngay từ những năm có đại dịch Covid-19 cho đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Gần nhất là từ năm 2022, thị trường tài chính toàn cầu đã gặp khủng hoảng và từ đó tác động đến VN.

Điều đó thể hiện qua việc thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh và gần cả năm qua, VN-Index vẫn loanh quanh ở sát 1.000 điểm, chưa thể tăng trở lại. Thị trường trái phiếu đóng băng, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng bị hạn chế; thị trường bất động sản (BĐS) bất động đã tác động đến hàng trăm ngành nghề kinh doanh khác. Song song đó, hoạt động xuất khẩu của VN đã có độ mở lớn nên thị trường thế giới lao dốc thì ảnh hưởng ngay đến các doanh nghiệp (DN) trong nước, lượng đơn hàng giảm mạnh từ giữa năm 2022 kéo dài đến nay.

TP.HCM tìm cách 'đứng dậy' sau tăng trưởng thấp

Quy mô kinh tế của chúng ta hiện không lớn nên nếu không quyết liệt thì mọi việc sẽ đứng hết. Chỉ cần xốc thật mạnh đầu tư công và đẩy dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì mọi điểm nghẽn sẽ lại "chạy" ngay.


TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đánh giá kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý 1 có 3 điểm rất đáng lưu ý. Thứ nhất, liên quan tới khu vực sản xuất công nghiệp. Ngay cả khi nền kinh tế trải qua những cú sốc lớn về khủng hoảng hay dịch bệnh thì cũng gần như chưa bao giờ thấy ngành công nghiệp tăng trưởng âm sâu đến như thế. Mức sụt giảm nghiêm trọng diễn ra ở hầu hết các trung tâm công nghiệp của cả nước.

Điển hình nhất như trung tâm công nghiệp lớn ở phía bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; phía nam không chỉ TP.HCM mà cả Bình Dương, Đồng Nai cũng chứng kiến mức tăng trưởng âm rất sâu ở khu vực công nghiệp. Bên cạnh đó, về lĩnh vực xuất khẩu, ngay cả trong thời gian dịch bệnh thì xuất khẩu cũng vẫn tăng trưởng dương, nhưng quý 1/2023 xuất khẩu tăng trưởng âm rất sâu trong khi thị trường quốc tế hiện nay khởi sắc nhiều hơn so với giai đoạn dịch bệnh.

Vấn đề thứ ba rất đáng quan tâm là mức tăng trưởng GDP 3,32% chỉ cao hơn so với quý 1/2020 - khi mà cả thế giới đang đối mặt với cú sốc dịch bệnh Covid-19. Trong khi bước sang năm 2023, kinh tế không có cú sốc nào. "Đó là 3 điểm nổi bật của nền kinh tế trong quý 1 vừa qua mà Chính phủ phải phân tích, lý giải. Lý do gì mà những khu vực trên lại tăng trưởng âm sâu đến thế?", TS Ánh đặt vấn đề.

Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế ? - Ảnh 2.

Sản xuất tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh. Tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 ghi nhận sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp

NGỌC THẮNG

Hệ lụy từ những chính sách chậm trễ

Cuối năm 2022, khi trả lời Thanh Niên về dự báo bức tranh kinh tế VN năm 2023, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) khá lạc quan vì cho rằng những gì khó khăn nhất, những cú sốc mạnh nhất đều đã trải qua rồi, 2023 sẽ là năm để kinh tế vực dậy, hồi phục. Vì thế, kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 khiến ông rất thất vọng. 

Theo ông Điền, tình hình khó ngoài sức tưởng tượng như hiện nay, rõ ràng nguyên nhân chính đến từ các yếu tố chủ quan, đặc biệt là TP.HCM. Những gì đã được các chuyên gia cảnh báo, góp ý từ năm 2022, TP.HCM đã không làm được. Trong lúc kinh tế khó khăn, phải đặt mục tiêu bội chi ngân sách, quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công để tạo ra những cú hích thúc đẩy rất nhanh tăng trưởng kinh tế. Năm rồi, TP.HCM cũng rất đúng đắn khi đặt mục tiêu bội chi ngân sách hơn 4%, nhưng kết quả lại là bội thu. Rất nhiều dự án, công trình trọng điểm lẽ ra phải được giải quyết dứt điểm từ quý 4/2022 để sang năm mới DN có cái để triển khai, đầu tư nhưng đến giờ vẫn không giải quyết được.

"Chính sách tiền tệ quá thận trọng, chính sách tài khóa cũng thắt chặt không cởi được nên kết quả kinh tế như vậy là phản ánh thực chất vấn đề. Các điểm nghẽn lớn nhất cho thấy TP chưa quyết liệt trong từng công việc cụ thể. Bộ máy lãnh đạo các sở, ngành vẫn còn chần chừ. Nghị quyết TP ban hành đặt ra nhóm 5 - 6 khâu đột phá nhưng thực tế thì nguồn lực quá dàn trải nên không vấn đề nào đẩy được. Những điểm nghẽn đã được nói đi nói lại rất nhiều lần nhưng 5 - 6 năm nay, TP không có công trình nào "ra tấm ra món" được khánh thành để tạo động lực phát triển. DN muốn làm cũng không có gì làm, vì tất cả những dự án TP đang triển khai để tạo nền tảng hạ tầng đều "đứng" hết, DN không làm gì được. Cần nghiêm túc xem lại những vấn đề nội tại từ chính TP", TS Huỳnh Thanh Điền thẳng thắn nhìn nhận.

Doanh nghiệp kỳ vọng tình hình kinh doanh quý 2 sẽ tốt hơn

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 24,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 4/2022; 37,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý 2/2023, có 44,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 1/2023; 35,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số DN dự báo khó khăn hơn.

Với riêng TP.HCM, TS Vũ Đình Ánh cho rằng TP vẫn chưa nhìn nhận đúng và đủ nguyên nhân. Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì có 2 khu vực có thể làm khó tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2023 là dịch vụ và xuất khẩu. Thế nhưng, rõ ràng quý 1/2023 lại cho thấy khu vực cực khó là công nghiệp. TP.HCM vừa là trung tâm dịch vụ, vừa là trung tâm công nghiệp của cả nước, đồng thời đóng vai trò rất lớn trong xuất khẩu. 

Cả 3 trụ cột của tăng trưởng kinh tế đều bị ảnh hưởng nên mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thấp của TP gần như là chắc chắn. Vấn đề là, mặc dù xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường quốc tế nhưng tiêu thụ thị trường trong nước của TP cũng sụt giảm mạnh, tính chung quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng TP.HCM lại có 3 tháng liên tiếp giảm và cộng dồn 3 tháng đầu năm 2023 mới tăng trưởng được hơn 9%. 

Trong khi kinh tế TP.HCM gần giống mô hình kinh tế của Mỹ, mạnh nhờ sức tiêu dùng. TP vẫn đang tập trung vào câu chuyện khó khăn nguồn vốn, đầu tư BĐS và đầu tư công, coi đó là nguyên nhân cơ bản khiến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chưa bao giờ thấp như vậy, song công nghiệp và xuất khẩu là 2 yếu tố rất quan trọng cần phân tích nguyên nhân thì chưa thấy nói tới. Mà một khi chưa đúng về nguyên nhân thì chưa thể tìm ra giải pháp để khắc phục.

"Vấn đề lớn nhất của TP.HCM hiện nay là phải xác định lại cái nào là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sụt giảm. Sau khi phát hiện được nhóm nguyên nhân cơ bản thì phải tiếp tục mổ xẻ đâu là lý do dẫn tới những vấn đề đó. Lý giải nguyên nhân chưa đầy đủ, chưa toàn diện, vấn đề đằng sau những nguyên nhân đó chưa được phân tích đầy đủ và đúng thì sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp không đúng hướng, không có tác dụng, thậm chí gây những hệ quả xấu", TS Vũ Đình Ánh cảnh báo.

Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế ? - Ảnh 4.

Quý 1/2023 ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong sản xuất công nghiệp

Đào Ngọc Thạch

Đẩy mạnh đầu tư công và bơm vốn ra thị trường

Theo ông Huỳnh Thanh Điền, để nhanh chóng lấy lại những gì đã mất, vực dậy nền kinh tế thì TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung phải chia các giải pháp thành 2 nhóm, ngắn hạn và dài hạn. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, kiến tạo môi trường phát triển là nhóm giải pháp dài hạn, phải có chiến lược làm từ từ. Trước mắt, để kinh tế khôi phục trở lại thì tập trung làm ngay, làm mạnh thúc đẩy đầu tư công và nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Cụ thể, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, phải kích thích thị trường nội địa bằng cách tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng DN. Trong danh sách hơn 100 dự án BĐS "đắp chiếu", chỉ cần cấp phép cho 50 - 60 dự án; cùng với đó, tăng tốc các công trình đang thi công dở dang, nhanh chóng giải ngân để khởi công những dự án trọng điểm như đường vành đai, công trình trọng điểm thì thị trường sẽ lập tức sôi động. 

Song song, mở room tín dụng, đưa lãi suất về mức thấp để bơm tiền vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó kích thích, tạo việc làm để có tiêu dùng. Có tiêu dùng thì nền kinh tế sẽ lập tức phục hồi. Các hoạt động đầu cơ hiện nay gần như không có. BĐS chưa khôi phục, chứng khoán đóng băng, không sợ gì lạm phát để phải duy trì chính sách tiền tệ thận trọng như thời gian qua.

"Quy mô kinh tế của chúng ta hiện không lớn nên nếu không quyết liệt thì mọi việc sẽ đứng hết. Chỉ cần xốc thật mạnh đầu tư công và đẩy dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì mọi điểm nghẽn sẽ lại "chạy" ngay", TS Huỳnh Thanh Điền nêu ý kiến.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm sâu

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ này chỉ cao hơn một chút so với mức tăng 3,21% của GDP quý 1/2020 trong suốt giai đoạn 2011 - 2023. Một số lĩnh vực bị sụt giảm mạnh như xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng GDP của toàn nền kinh tế…

Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong năm nay, động lực tăng trưởng chính của kinh tế VN đã được nhắc đến là đầu tư công. Chính phủ cần phải quyết liệt thúc đẩy giải ngân hoạt động đầu tư công để từ đó lan tỏa đến các ngành nghề liên quan. Hơn nữa, về lâu dài, VN vẫn cần phát triển hạ tầng cơ sở để thúc đẩy kinh tế đi lên. Đối với hoạt động xuất khẩu, các thị trường chính của nhiều hàng hóa VN như Mỹ, châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Vì vậy, các DN cần cố gắng đa dạng hóa thị trường để bù đắp phần nào cho nhu cầu thiếu hụt tại các thị trường lớn. 

Riêng với lĩnh vực tài chính tiền tệ, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng các chính sách đồng bộ để khơi thông nguồn vốn cho DN càng nhanh càng tốt. Việc giảm một loạt lãi suất điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng có tác động để kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường. Tuy nhiên chỉ riêng việc đó sẽ không tác động nhiều đến việc giải ngân vốn cho DN nói riêng hay nền kinh tế nói chung. Bởi các ngân hàng nhỏ sẽ vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là nếu lãi suất tiền gửi giảm nhanh.

Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế ? - Ảnh 6.

"Riêng đối với đầu tàu kinh tế cả nước là TP.HCM thì cần khơi thông thị trường BĐS càng nhanh càng tốt. BĐS đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của TP nên khi đứng yên thì rõ ràng không có ngành nào thay thế kịp. Để thúc đẩy kinh tế TP tăng trở lại thì phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ. Chẳng hạn gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân đã công bố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện với lãi suất thấp hơn. Từ đó mới có thể góp phần vực dậy thị trường BĐS, thị trường xây dựng để giúp kinh tế TP đi lên", TS Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.


Đừng quá trông chờ vào cơ chế đặc thù

Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế ? - Ảnh 8.

NVCC

Muốn xác định đúng, đủ những nguyên nhân cốt lõi khiến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sụt giảm, phải xác định được đâu là những yếu tố khó khăn chung và đâu là khó khăn riêng. Trong bức tranh tăng trưởng vừa rồi, phải đem so sánh với các tỉnh, thành khác. Đơn cử, trong báo cáo GRDP quý 1, dẫn đầu là Hậu Giang tăng trưởng 12,7%; Hải Phòng tăng trưởng gần 10%; Đà Nẵng tăng trưởng được 7,1% hay Hà Nội ì ạch cũng tăng trưởng được 5,8%; Cần Thơ tuy tăng trưởng thấp nhưng ít nhất vẫn tăng cao hơn TP.HCM. Phải lý giải được tại sao cùng môi trường chung như vậy, đầu tư công cũng là chung cả nước nhưng vì sao có địa phương vẫn tăng trưởng tới 2 con số mà TP.HCM lại thấp như vậy.

Một vấn đề quan trọng là thời gian qua lãnh đạo TP.HCM chỉ tập trung vào các cơ chế đặc thù, chính sách đặc biệt cho TP mà quên mất rằng hướng đi đó là hướng đi ở tầm nhìn trung, dài hạn. Muốn xử lý những vấn đề trước mắt thì không thể dùng những cơ chế đó để xử lý được. Rõ ràng trong bộ máy chính quyền của TP hiện đang bộc lộ một số vấn đề. Bộ máy hành chính - nếu như trước đây là yếu tố giúp TP luôn dẫn đều về tăng trưởng kinh tế thì bây giờ chính bộ máy cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến cho TP rơi vào nhóm "đội sổ" về tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh

Quyết liệt giải ngân đầu tư công

Động lực nào vực dậy tăng trưởng kinh tế ? - Ảnh 9.

NVCC

Để kinh tế tăng trưởng trở lại, TP.HCM phải quyết liệt hơn trong việc giải ngân đầu tư công. Thời gian qua dù đã được nhắc đến nhưng đầu tư công còn triển khai khá chậm. Lĩnh vực này tăng trưởng mới tác động kéo theo nhiều lĩnh vực khác, người lao động có thu nhập thì từ đó mới tăng chi tiêu, giúp kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, trong vấn đề quản lý đô thị khi trong bối cảnh kinh tế sụt giảm thì phải "nới" các chính sách kiểm soát.

Chuyên gia tư vấn Đỗ Hòa



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.