Thương hiệu nông sản Việt, không phải chỉ dán nhãn rồi xuất khẩu là xong!

06/04/2023 10:15 GMT+7

Câu chuyện được ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood chia sẻ tại Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (6.4)

Phát biểu tại tọa đàm, "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh khẳng định thương hiệu nông sản Việt, muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế.

Thương hiệu nông sản Việt, không phải chỉ dán nhãn rồi xuất khẩu là xong! - Ảnh 1.

Ông Trần Bảo Minh phát biểu tại tọa đàm

ĐỘC LẬP

Việt Nam, với khí hậu, đất, nước như vậy, vị trí như vậy thì loại cây nào, loại con nào sẽ có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn? Nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Úc thì thua chắc nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội. "Nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt vì làm nông nghiệp phải có đất, mà đất có giới hạn. Trong giới hạn đất và nước như vậy, phải tạo ra những sản phẩm có giá trị cao nhất"- ông Minh nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.

Ông Minh dẫn chứng Ireland là một nước nhỏ, dân số ít. Thời tiết, khí hậu tạo điều kiện cho họ nuôi bò tự nhiên năng suất rất tốt. Chỉ cần 2 người có thể nuôi cả trăm con bò. Tuy nhiên, có được lít sữa từ số bò đó, nếu chỉ bán đi đơn thuần thì không có lợi nhuận. Một lít sữa bán giá 10.000 đồng không thể gánh nổi chi phí công nhân, bao bì, marketing, vận chuyển nên không thể cạnh tranh được. Vì thế, họ phải phát triển công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thực phẩm chuyên nghiệp.

"Tôi đã từng đến thăm nhà máy sữa của một công ty là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp Ireland. Lít sữa mà người dân thu được, họ đưa vào nhà máy chế biến hiện đại, tách ra mấy chục thành phần nguyên liệu rồi đưa vào nhiều loại sản phẩm thành phẩm với giá trị rất cao. Khi đó, các thành phần nguyên liệu đã hút hết nước nên chi phí vận chuyển rẻ và xuất khẩu thoải mái. Từ lít sữa 10.000 đồng, đầu ra thành mấy trăm ngàn. Đó là lý do người tham gia chuỗi giá trị rất hạnh phúc, không bao giờ bỏ và muốn làm sữa tốt nhất để cạnh tranh khắp thế giới. Cùng với đó, Ireland truyền đi câu chuyện làm nông nghiệp nhưng không lấy đi giá trị tốt đẹp của nguồn nước, không khí mà bồi đắp môi trường để thế hệ sau có được môi trường còn tốt hơn môi trường ông cha để lại. Một tầm nhìn nông nghiệp quốc gia được truyền tải đẹp như vậy, bảo sao người tiêu dùng không yêu, không sẵn sàng bỏ tiền để mua sản phẩm đó?" - ông Trần Bảo Minh dẫn chứng.

Thương hiệu nông sản Việt, không phải chỉ dán nhãn rồi xuất khẩu là xong! - Ảnh 2.

Toàn cảnh Tọa đàm do Báo Thanh Niên tổ chức

ĐỘC LẬP

Ví dụ khác được ông Minh chia sẻ là sâm Hàn Quốc. Một củ sâm Hàn Quốc có giá rất rẻ, chỉ vài USD nhưng không bán củ sâm đó. Hàn Quốc tạo ra cả hệ sinh thái quảng bá. Họ có các trường đại học, viện nghiên cứu liên tục ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm sâm ứng dụng vào cho trẻ em, cho phụ nữ làm đẹp, cho người già... Sâm được đưa vào làm thành phẩm cho gần như tất cả các loại thực phẩm. Nhà nước bảo trợ cho những showroom sâm uy tín mà bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng nhất định phải tới đó để nghe câu chuyện về sâm Hàn Quốc và mua những sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu thành phẩm của củ sâm. Cùng với đó, họ liên tục đưa ra khuyến nghị về lợi ích của sâm Hàn Quốc tới tất cả các nước, quảng bá qua cả phim ảnh... Với cả hệ sinh thái như thế, liệu sâm Ngọc Linh của Việt Nam có cạnh tranh được không?

"Nói vậy để thấy, quan trọng nhất là sản phẩm phải làm ra lợi nhuận lớn để tất cả thành phần tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi. Nếu sản phẩm đầu ra không có giá trị gấp 5 - 7 lần thì không bao giờ thành thương hiệu. Tất cả mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, đều có lợi nhuận, đều muốn bỏ tiền vào đầu tư thì lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu" - ông Trần Bảo Minh nhấn mạnh.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.