Vì sao nhiều nông sản Việt Nam đứng nhất thế giới mà nông dân vẫn nghèo?

Chí Nhân
Chí Nhân
06/04/2023 09:05 GMT+7

Đây là vấn đề được nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đặt ra để cùng trao đổi với các diễn giả tại cuộc Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt", do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (6.4).

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, các chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vì sao nhiều nông sản Việt Nam đứng nhất thế giới mà nông dân vẫn nghèo? - Ảnh 1.

Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (6.4)

ĐỘC LẬP

Trồng lúa lãi 100% nhiều hay ít?

Thông tin người nông dân có lợi nhuận 100% nhờ giá thành sản xuất lúa bình quân là 3.219 đồng/kg, còn giá lúa 6.650 đồng/kg theo báo cáo xuất khẩu gạo năm 2022 của Bộ Công thương đang gây phản ứng trái chiều, nhất là với bà con trồng lúa. Nhiều người cho rằng đó là số liệu không đúng thực tế. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, đúng - sai chúng ta sẽ trao đổi thêm vì ở đây có sự tham dự của GS Võ Tòng Xuân, người gắn bó có thể nói là lâu năm nhất với cây lúa, với người nông dân trồng lúa tại Việt Nam. Tọa đàm cũng có sự tham dự của ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Tập đoàn Tân Long, doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa thương hiệu gạo Việt vào Nhật Bản, thị trường được đánh giá khó tính nhất thế giới. Người trong cuộc chắc chắn sẽ hiểu rõ nhất và tính toán chính xác nhất.

"Ở góc độ chúng tôi - những người làm Báo Thanh Niên, cảm xúc trước sự việc này là tiếc nuối. Tiếc nuối bởi giá gạo Việt cao nhất thế giới, gạo Việt đã đạt giải ngon nhất thế giới nhưng người nông dân trồng lúa của chúng ta lại chưa thể giàu, chưa có được mức lợi nhuận tương xứng với vị thế của ngành cũng như với công sức mà họ bỏ ra", Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn tiếp tục nêu thực trạng nông sản Việt Nam với sản phẩm đang là hàng "hot" hiện nay trái sầu riêng. Cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Nghĩa là để mua một trái sầu riêng 2 - 3 ký, chúng ta phải chi tới hơn 2 triệu đồng. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém thì giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/ký, bằng khoảng 1/6 - 1/8 so với sầu riêng nước bạn. Quý vị nghĩ sao về nghịch lý này?

"Đó chính là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh. Thế nên với chúng tôi, làm thương hiệu không phải để bán được nhiều sản phẩm hơn mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân Việt Nam", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn lý giải.

Giải bài toán xuất khẩu "mượn danh"

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, nhận định: Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới; nhiều hiệp định song phương, đa phương Việt Nam ký kết với các thị trường lớn có hiệu lực, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản, thế mạnh của Việt Nam rất lớn thì vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó.

Vì sao nhiều nông sản Việt Nam đứng nhất thế giới mà nông dân vẫn nghèo? - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu khai mạc tọa đàm

ĐỘC LẬP

Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi tin rằng tất cả chúng ta ngồi đây đều đã nghe thấy những từ như "mượn danh", xuất thô khi nói về nông sản Việt ra thế giới. Thế nhưng sau gần 3 thập kỷ, từ nước phải xin viện trợ lương thực tới khi đã trở thành nước xuất khẩu lương thực có vị thế trên thế giới thì những nút thắt "mượn danh", xuất thô của hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn tồn tại.

Tổng biên tập Báo Thanh Niên trăn trở: Chúng ta vẫn luôn tự hào rằng Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đứng thứ 2 và chiếm gần 15% sản lượng toàn cầu. Thế nhưng cách đây chưa đầy 1 tháng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong một hội nghị liên quan đến ngành này vẫn phải đặt câu hỏi "Cà phê Việt ở đâu trên bản đồ thế giới?". Dù xét về sản lượng, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu cà phê nhưng nếu nói về độ nhận diện hầu như không có. Lý do là vì, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô ở dạng nguyên liệu. Doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu về chế biến, đóng thương hiệu của họ bán ra thị trường và người tiêu dùng chỉ biết đến người bán ly cà phê mà không ai biết hay cần biết đến xuất xứ, nguồn gốc của ly cà phê đó được trồng từ đâu. Tất nhiên, xuất thô nên phần thu được của chúng ta rất ít. Để hình dung được cái sự "ít" như thế nào và để thấy rõ sự thiệt thòi của việc xuất thô, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đưa ra một dẫn chứng.

Theo cập nhật đến sáng nay của Báo Thanh Niên, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 5.2023 được ghi nhận là 2.229 USD/tấn, nghĩa là bán 1 ký cà phê nhân mang lại khoảng 2,3 USD, tương đương với giá 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu. Trong khi 1 ký cà phê nhân có thể pha được khoảng 50 ly. Hay nói đơn giản thì dù sản xuất ra cà phê nhưng phần thu về chỉ bằng 1/50 so với những người bán cà phê. Đó mới chỉ tính riêng cà phê, còn rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, tiêu, điều, rau quả, trái cây, sản phẩm gỗ... với kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm, vậy chúng ta đã thiệt hại bao nhiêu giá trị, ngoài việc chưa thể xây dựng được thương hiệu để người tiêu dùng thế giới biết đến hàng hoá, sản phẩm Việt Nam?

Xây dựng thương hiệu để tăng nguồn thu cho đất nước

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn, tâm huyết: Nếu tiếp cận từ góc độ đó, chúng ta sẽ có câu trả lời cho nghịch lý, vì sao Việt Nam là nước có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới mà những người nông dân trực tiếp làm ra các nông sản đó vẫn nghèo. Đó cũng là lý do Báo Thanh Niên trong chuỗi sự kiện với mục tiêu tìm giải pháp để người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng thoát nghèo, tiếp tục buổi tọa đàm hôm nay với chủ đề "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt". Bởi nếu xây dựng được thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam hiện nay, chắc chắn phần thu về của người nông dân nuôi trồng, của doanh nghiệp và của đất nước, sẽ nhiều hơn.

Vì sao nhiều nông sản Việt Nam đứng nhất thế giới mà nông dân vẫn nghèo? - Ảnh 3.

Nhiều loại đặc sản của Việt Nam cần có thương hiệu đặc biệt khi xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm

CÔNG HÂN

Buổi tọa đàm hôm nay xuất phát từ đề nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong hội thảo do Báo Thanh Niên phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức hồi cuối tháng 11.2022. Cũng như lần trước, chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, đề xuất, các khó khăn vướng mắc từ cơ chế, chính sách, quá trình thực hiện việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt gởi Thủ tướng Chính phủ, gởi các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan sau khi kết thúc tọa đàm.

"Vì thế, tôi rất mong các quý vị đại biểu có mặt ở đây hôm nay, từ góc độ của mình thẳng thắn nêu ra những vướng mắc, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt; từ đó, đưa ra các ý kiến, đề xuất, các giải pháp thiết thực để chúng ta cùng nhau thảo luận, tìm hướng ra và góp một tiếng nói để thúc đẩy nhanh việc xây dựng được thương hiệu, vị thế cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới", Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn tha thiết kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.