Xem nhanh: Ngày 532 chiến dịch, Nga-NATO tăng đối đầu; Ukraine thiếu huấn luyện nên phản công chậm

Xem nhanh: Ngày 532 chiến dịch, Nga-NATO tăng đối đầu; Ukraine thiếu huấn luyện nên phản công chậm

10/08/2023 23:40 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nga đầu ngày hôm nay 10.8 cho biết trong đêm qua đã ngăn chặn 2 thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine bay về hướng thủ đô Moscow, cũng như 11 UAV ở gần Crimea.

Trong một thông báo trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga nói 2 UAV của Ukraine đã bị bắn hạ gần thành phố Sevastopol trên bờ biển Crimea, và 9 chiếc khác bị chế áp bằng phương tiện chiến tranh điện tử và bị rơi ở biển Đen.

Không có báo cáo về thiệt hại và thương vong ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Các cuộc tập kích bằng UAV vào sâu trong lãnh thổ Nga đã gia tăng trong thời gian gần đây, trong bối cảnh Kyiv tiến hành cuộc phản công lớn ở miền đông và miền nam. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30.7 cảnh báo "chiến tranh" đang đến với người Nga.

Trong khi đó, Điện Kremlin hôm 1.8 nói rằng chiến dịch phản công thất bại khiến Ukraine "tuyệt vọng" và tiến hành điều mà Moscow gọi là "tấn công khủng bố" nhằm vào Nga.

Chắc chắn người dân Nga đã cảm nhận cuộc xung đột đến gần hơn sau những vụ tấn công như vậy. Mới hôm 8.8, một vụ nổ lớn đã xảy ra gần thủ đô Moscow. Theo chính quyền địa phương, 1 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong vụ nổ hôm 9.8 tại địa điểm của một nhà máy quang học và điện tử quang học ở thị trấn Sergiev Posad, 50 km về phía đông bắc Moscow.

Theo một bài báo trên tờ Wall Street Journal mới đây, đạn chùm được Mỹ cung cấp đã giúp Ukraine dần lấy lại đà phản công, sau nhiều tuần bế tắc trước phòng tuyến kiên cố của Nga.

Đạn chùm phát tán hàng trăm đến hàng nghìn quả đạn con trên diện rộng để tiêu diệt sinh lực và phương tiện đối phương. Nhờ vậy, quân đội Ukraine giờ đây có thể tấn công lực lượng Nga co cụm trong công sự, chiến hào, cũng như đội hình xe tăng, thiết giáp đối phương, qua đó mở đường cho bộ binh tiến lên.

Dù chưa thể thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường, song lính Ukraine cho biết nhờ đạn chùm, họ giành lại nhiều vị trí của Nga và tiếp cận gần hơn với phòng tuyến đối phương.

Đạn chùm cũng để lại nhiều hậu quả. Không phải tất cả đạn con đều phát nổ ngay sau khi được rải ra, mà có thể gây thương vong cho dân thường nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc. Hơn 100 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng loại vũ khí này, và quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine của Mỹ đã vấp chỉ trích nặng nề của nhiều nhóm hoạt động nhân đạo.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chiếm được các vị trí và các điểm quan sát của Ukraine xung quanh làng Vilshana, phía đông bắc Kupyansk thuộc vùng Kharkiv, theo CNN.

Moscow cho biết các nhóm tấn công đã đánh bại một trung đội bộ binh (từ 20-50 binh sĩ) trong khu vực, nơi các lực lượng Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát trong vài tuần qua.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc phản công của Ukraine đã bị đẩy lùi.

Cũng theo Moscow, một cuộc tấn công của Ukraine xa hơn về phía nam, ở Novoselivske, đã bị cản trở và các vị trí súng cối cũng như các thiết bị khác của Kyiv đã bị phá hủy.

Các báo cáo chiến trường từ cả Nga lẫn Ukraine đều rất khó xác thực độ chính xác.

Chuyển sang một thông tin khác, một số nguồn tin cho rằng Đức có thể mua lại 50 xe tăng cũ để cung cấp cho Ukraine.

Công ty phát điện nhà nước Ukraine Energoatom hôm 10.8 cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia một lần nữa mất kết nối với đường dây điện chính cuối cùng còn lại bên ngoài chỉ sau một đêm và được chuyển sang đường dây dự trữ.

Theo hãng tin Reuters, Energoatom cho biết nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đang trên bờ vực mất điện do đường dây dự trữ có công suất chưa bằng một nửa so với đường dây điện chính.

Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với 6 lò phản ứng kể từ những ngày đầu xung đột. Cả hai bên đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau về gây nguy hiểm cho sự an toàn của nhà máy.

Văn phòng công tố liên bang Đức hôm 9.8 thông báo một sĩ quan từng làm việc trong cơ quan phát triển vũ khí Đức đã bị bắt vì nghi chuyển thông tin cho Nga.

Theo thông báo này, nghi phạm hồi tháng 5 đã “tiếp cận tổng lãnh sự quán Nga ở Bonn và đại sứ quán Nga tại Berlin để đề nghị hợp tác”. Sau đó ông ta đã chuyển thông tin có được trong quá trình làm việc cho các cơ quan tình báo Nga.

Sĩ quan này từng làm việc tại Cục Thiết bị, Công nghệ Thông tin và Hỗ trợ Lực lượng của quân đội Đức. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm phát triển, thử nghiệm và cung cấp các loại vũ khí cho quân đội Đức, từ vũ khí cá nhân cho tới thiết bị công nghệ thông tin phức tạp của xe tăng và tiêm kích.

Trong một thông tin khác, sau khi giới chức Ukraine cho biết sắp bắt đầu tham vấn các nước đồng minh về cam kết đảm bảo an ninh trong thời gian Ukraine chưa phải thành viên NATO, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các cam kết đảm bảo an ninh của phương Tây chỉ là "lời lẽ sáo rỗng".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9.8 nói với đài Sputnik rằng các đảm bảo an ninh do phương Tây đưa ra là không thực chất và vô căn cứ. Bà Zakharova nhắc đến việc người phát ngôn chính sách đối ngoại EU Peter Stano gần đây thừa nhận liên minh này không thể đảm bảo an ninh cho Ukraine vì họ không phải là tổ chức quân sự.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng nghiêm trọng sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Liên minh quân sự NATO lại càng mở rộng với việc Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển lần lượt trở thành thành viên mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga mới đây gọi việc NATO mở rộng là "yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng", và vũ khí NATO được triển khai ở Phần Lan sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong khu vực tây bắc Nga. Trong tình hình này, cả Nga và phương Tây đều đang có những động thái nhằm củng cố an ninh các khu vực biên giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.