Xem nhanh: Ngày 511 chiến dịch, Nga nói một phần biển Đen 'không an toàn'; Mỹ muốn Ukraine tạo đột phá

Xem nhanh: Ngày 511 chiến dịch, Nga nói một phần biển Đen 'không an toàn'; Mỹ muốn Ukraine tạo đột phá

20/07/2023 23:42 GMT+7

Theo thông tin từ lực lượng không quân Ukraine, Nga đã phóng 38 tên lửa và máy bay không người lái tự sát (UAV) vào miền nam Ukraine từ khuya hôm qua đến sáng hôm nay.

Ukraine cho biết Nga đã tấn công các cảng, bến tàu, tòa nhà dân cư và chuỗi bán lẻ ở các thành phố Odessa và Mykolaiv.

Lực lượng phòng không Ukraine nói đã phá hủy 13 UAV tự sát, 2 tên lửa hành trình Kalibr và 3 tên lửa hành trình Iskander-K.

Các nguồn tin Ukraine đã xác nhận 2 người đã thiệt mạng và ít nhất 27 người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga nhằm vào Odessa và Mykolaiv trong đêm thứ 3 liên tiếp.

Phía Nga chưa có bình luận về thông tin này.

Trong khi đó, một quan chức Nga do Nga bổ nhiệm cho biết Ukraine dùng UAV tập kích vào khu dân cư phía tây bắc bán đảo Crimea, khiến một thiếu niên thiệt mạng.

Thông tin được đưa ra một ngày sau khi hỏa hoạn bùng phát tại thao trường của Nga ở quận Kirovsky trên bán đảo Crimea, khiến 2.000 người tại 4 làng xung quanh phải đi sơ tán. Nguyên nhân vụ cháy và thiệt hại chưa được công bố.

Nga đã rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở biển Đen. Không lâu sau đó, Moscow đã đưa ra cảnh báo hàng hải ở biển Đen và trên thực tế đã tái áp đặt phong tỏa vùng biển miền nam Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin tối 19.7 cáo buộc phương Tây phá hoại thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, nhưng cho biết Nga sẽ quay lại thỏa thuận nếu những điều kiện Moscow đưa ra được đáp ứng.

Ông Putin cáo buộc phương Tây “đã sử dụng thỏa thuận ngũ cốc để tống tiền chính trị và biến nó thành công cụ để làm giàu cho các tập đoàn xuyên quốc gia, những kẻ đầu cơ thị trường ngũ cốc toàn cầu".

Ông nhắc lại lập trường của Nga rằng, Moscow sẽ quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ngay sau khi phương Tây đáp ứng 5 yêu cầu chính gồm: chấp nhận Ngân hàng Nông nghiệp Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; nối lại xuất khẩu máy móc nông nghiệp và phụ tùng sang Nga; loại bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tiếp cận cảng đối với tàu và hàng hóa của Nga; khôi phục đường ống dẫn amoniac đang bị hư hỏng từ Nga đến Odessa ở Ukraine; mở khóa tài khoản và hoạt động tài chính của các công ty phân bón Nga.

Theo bản cập nhật tình hình chiến sự của Bộ Quốc phòng Anh, sau khi Moscow rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, Hạm đội biển Đen của Nga giờ đây có thể sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc phá vỡ bất kỳ hoạt động thương mại nào đang diễn ra.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng “các hoạt động phong tỏa của Hạm đội biển Đen sẽ gặp rủi ro từ các phương tiện không người lái và tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển của Ukraine".

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva mới đây đã nhắc lại lời đề nghị làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kyiv.

Trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 1,3 tỉ USD vừa được Mỹ công bố hôm 19.7 có tổ hợp phòng không NASAMS. Đây là loại tên lửa mà Lầu Năm Góc hồi cuối năm ngoái đã tuyên bố là có hiệu suất "đánh chặn thành công 100%" tên lửa Nga. Cam kết mới nhất nâng tổng số tổ hợp NASAMS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine lên 12.

Gói viện trợ mới là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đáp ứng "các yêu cầu cấp bách của Ukraine bằng cách cam kết xây dựng năng lực quan trọng trong ngắn hạn, đồng thời xây dựng năng lực lâu dài cho quân đội Ukraine".

Ngoài tên lửa phòng không NASAMS, gói viện trợ quân sự mới còn có thiết bị chống UAV, đạn pháo 152 mm, thiết bị rà phá bom mìn cùng UAV tự sát Phoenix Ghost và Switchblade.

Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết nước này dự kiến công bố một gói viện trợ quân sự khác trị giá khoảng 400 triệu USD, trong đó có đạn pháo phản lực HIMARS, đạn tên lửa cho tổ hợp phòng không Patriot và NASAMS. Gói này cũng có vũ khí chống tăng như tên lửa Javelin và TOW.

Là nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine, Mỹ cũng đang lo lắng khi cuộc phản công của Kyiv chưa thể tạo ra đột phá như kỳ vọng trước đó.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley mới đây nhận định rằng nguy cơ đối với lực lượng Ukraine hiện tại đến từ các bãi mìn của Nga hơn là từ trên không, vì vậy Kyiv chưa thật sự cần được cung cấp chiến đấu cơ F-16.

Đây cũng là quan điểm chung của phía Mỹ trong thời điểm này. Hồi tuần trước, trung tướng Douglas Sims, phụ trách tác chiến tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng cho rằng tiêm kích F-16 chưa phù hợp với Ukraine do Nga vẫn sở hữu năng lực phòng không và không quân áp đảo.

Ukraine lâu nay đang chờ đợi được cung cấp máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, giới chức Mỹ không tỏ ra sốt sắng với đề nghị này.

Bộ Quốc phòng Belarus hôm nay thông báo thông báo quân đội nước này diễn tập cùng lực lượng Wagner. Cụ thể, trong tuần này, “các đơn vị đặc nhiệm sẽ cùng đại diện Wagner triển khai nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu tại thao trường Brest" gần Ba Lan.

Quân đội Belarus không cung cấp thêm thông tin về thời gian diễn ra cuộc tập trận.

Ba Lan, một nước thành viên NATO, hiện chưa phản hồi về thông tin trên.

Hồi đầu tháng này, Ba Lan thông báo triển khai hơn 1.000 binh sĩ và 500 cảnh sát tới tăng cường an ninh tại biên giới với Belarus để đối phó lượng người di cư vượt biên ngày càng tăng cũng như bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào sau khi nhóm Wagner chuyển đến Belarus.

Cũng trong một thông tin liên quan, Wagner đã công bố video cho thấy thủ lĩnh nhóm đánh thuê này đã xuất hiện để chào đón các thành viên đến Belarus. Đây là lần công khai xuất hiện đầu tiên của ông Prigozhin sau cuộc nổi loạn thất bại của Wagner vào hồi tháng trước. Trong video, ông Prigozhin đã nhắc đến một phương hướng mới cho Wagner.

Chuyển sang một thông tin khác, Điện Kremlin ngày 19.7 phủ nhận thông tin cho rằng Nga đã thông báo với Nam Phi việc bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đồng nghĩa với một lời "tuyên chiến".

Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa xin phép Tòa Hình sự Quốc tế không bắt giữ ông Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vì làm như vậy đồng nghĩa với việc tuyên chiến với Nga.

Ngay sau bình luận của Điện Kremlin, Nam Phi thông báo ông Putin sẽ không đến nước này tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các quốc gia mới nổi BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 8 "theo thỏa thuận chung", theo hãng thông tấn RIA Novosti. Thay vào đó, nhà lãnh đạo sẽ dự hội nghị theo hình thức trực tuyến.5 nước châu Âu gồm Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania kêu gọi EU cho phép họ gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, sẽ hết hiệu lực vào ngày 15.9.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cùng ngày kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cho phép gia hạn các hạn chế với ngũ cốc Ukraine. Ông nói thẳng rằng nếu Ủy ban châu Âu không đồng ý gia hạn, 5 nước vẫn sẽ tự thực hiện.

Thủ tướng Ba Lan khẳng định yêu cầu của Warsaw không nhằm mục đích chống lại người Ukraine, mà chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân Ba Lan.

EU hồi tháng 6.2022 bỏ tất cả thuế và hạn ngạch với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 quốc gia thành viên, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nước này. Tuy nhiên, nông dân Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania cáo buộc nguồn ngũ cốc giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine là nguyên nhân gây khó khăn cho sản phẩm nội địa.

Đến tháng 5.2023, EU cho phép 5 nước nói trên cấm bán lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương Ukraine trong nước, song cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác. Lệnh cấm này được EU gia hạn đến này 15.9.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi lệnh cấm ngũ cốc nước này của 5 nước EU là "tàn nhẫn" và "đáng thất vọng" trong hoàn cảnh chiến sự.

Và động thái mới của 5 nước lại càng gây bất lợi hơn cho Kyiv sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.