Xem nhanh: Chiến dịch ngày 510, Nga không kích dữ dội Odessa; đại tướng Mỹ nói gì về phản công Ukraine?

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 510, Nga không kích dữ dội Odessa; đại tướng Mỹ nói gì về phản công Ukraine?

19/07/2023 23:33 GMT+7

Khuya hôm qua rạng sáng hôm nay ngày 19.7, Nga tiếp tục tập kích đường không vào các địa điểm quân sự và hạ tầng thiết yếu ở Ukraine. Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho biết mục tiêu chính của Nga là tỉnh Odessa ở miền nam.

Theo không quân Ukraine, phòng không nước này đã đánh chặn được 37 trong số 63 tên lửa và UAV Nga, nhưng một số tên lửa đã gây thiệt hại ở Odessa.

Ukraine nói rằng quân đội Nga sử dụng tổng cộng 63 vũ khí các loại, gồm tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-22 và P-800 Onyx, một tên lửa dẫn đường Kh-59 và 32 UAV tự sát.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Tỉnh Odessa và thành phố cảng cùng tên là một phần trong huyết mạch thương mại quan trọng nhất của Ukraine. Các cảng ở đây cùng hệ thống cảng dọc Biển Đen là cửa ngõ quan trọng để xuất khẩu 70% nông sản của nước này trước chiến sự.

Và trận tập kích sáng nay là lần thứ 2 trong 2 ngày liên tiếp Odessa bị tấn công. Những vụ tấn công này diễn ra sau khi cầu Crimea bị hư hại trong loạt vụ nổ ngày 17.7, khiến ít nhất hai người thiệt mạng và một người bị thương nặng. Nga cáo buộc Ukraine thực hiện vụ "tấn công khủng bố" ở cầu Crimea và tuyên bố đáp trả thích đáng.

Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về truyền thông chiến lược John Kirby nhận định, vụ cầu Crimea bị tấn công vào sáng sớm ngày 17.7 dường như không ảnh hưởng tới các tuyến hậu cần của Nga tại Ukraine.

Theo ông Kirby, các quan chức Mỹ "chưa nhận thấy tác động nào của vụ tấn công vào cây cầu Crimea tới năng lực phòng thủ của Nga".

Ông nói lực lượng Nga vẫn tiếp tục duy trì hoạt động chiến đấu để "cố gắng đẩy lùi hoạt động phản công của Kyiv".

Theo ông Kirby, Moscow vẫn có "rất, rất nhiều cách để cung cấp hậu cần quân sự và tiếp tế cho binh sĩ ở Ukraine".

Tuy nhiên, thiệt hại với Nga còn đến từ nhiều sự cố khác. CNN hôm nay đưa tin các vụ nổ tại một bãi chứa đạn dược của Nga ở Crimea đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán và khiến các quan chức ở đây phải chuyển hướng giao thông ra khỏi đường cao tốc địa phương.

Các video trên mạng xã hội cho thấy các vụ nổ liên tiếp tại địa điểm gần Stary Krym ở quận Kirorvsky của Crimea.

Nhà lãnh đạo Crimea thân Nga, ông Sergei Aksyonov, cho biết một đám cháy đã xảy ra tại một khu huấn luyện quân sự.

Chưa rõ nguyên nhân ban đầu của vụ cháy.

Ông Kylylo Budanov, lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine, tuyên bố nước này đã "tiến hành chiến dịch thành công tại vùng Crimea" và cho rằng giới chức Nga đang che giấu mức độ nghiêm trọng của vụ cháy.

Theo kênh Telegram Grey Zone, một tên lửa Storm Shadow của Ukraine đã gây ra vụ cháy, nhưng không có xác nhận chính thức nào về thông tin này.

Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa bình luận.

Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập hồi năm 2014 và thường xuyên bị tập kích từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2.2022. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev hồi đầu tháng cho biết Ukraine hơn 70 lần dùng máy bay không người lái tập kích bán đảo Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 18.7 cũng thông báo lực lượng phòng không đã đánh chặn 28 phương tiện không người lái Ukraine đang tiếp cận Crimea.

Đại diện thường trực của Nga tại trụ sở LHQ Gennady Gatilov cho biết Moscow sẵn sàng nối lại thỏa thuận ngũ cốc nếu các yêu cầu của nước này được các đối tác quốc tế đáp ứng, theo CNN.

Trong bình luận được đăng trên kênh Telegram của Bộ Ngoại giao hôm 18.7, ông Gatilov nói thỏa thuận đã đi chệch khỏi mục đích nhân đạo ban đầu của nó.

Theo ông Gatilov, thỏa thuận đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào có ý nghĩa, và đó là do lập trường "gây rối" của các nước phương Tây.

Ông cáo buộc phương Tây vẫn "tiếp tục gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga, hạn chế xuất khẩu nông sản Nga bằng cách ngăn chặn hoàn toàn các giao dịch ngân hàng, bảo hiểm, hậu cần, tài sản nước ngoài và nguồn cung phụ tùng".

Hai quan chức Mỹ cho biết nước này sắp công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 1,3 tỉ USD trong những ngày tới.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức tiết lộ gói viện trợ mới dự kiến có vũ khí phòng không, hệ thống chống máy bay không người lái (UAV), UAV tự sát và đạn dược.

Số vũ khí này sẽ được mua bằng ngân sách trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Chương trình này cho phép chính quyền Mỹ mua hàng từ các tập đoàn quốc phòng thay vì rút từ kho của quân đội.

Trong số vũ khí sắp được Mỹ chuyển cho Ukraine có tổ hợp phòng không VAMPIRE và hai loại UAV tự sát là Phoenix Ghost và Switchblade.

Các quan chức Mỹ cho biết quyết định cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine phụ thuộc với thời gian chế tạo và số lượng có sẵn trong kho. Thành phần và trị giá của gói viện trợ có thể thay đổi trước khi được công bố.

Đã hơn 1 tháng kể từ khi Ukraine khởi động chiến dịch phản công được trông đợi từ lâu. Tuy nhiên, những bước tiến của cuộc phản công có vẻ không đáp ứng được kỳ vọng của cả Kyiv và các đồng minh phương Tây. Mới đây, đại tướng tổng tham mưu trưởng Mỹ Mark Milley, đã đưa ra bình luận về cuộc phản công này.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 19.7 cho biết đã phá hủy một quả thủy lôi của Ukraine bị trôi dạt ở phía tây nam biển Đen.

Bộ này cho biết thủy lôi đã được hạm đội biển Đen của Nga phát hiện, trôi dạt khoảng 180 km về phía đông bắc của eo biển Bosporus.

Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết một chiếc trực thăng Ka-27 đã được triển khai và quả thủy lôi đã bị loại bỏ bằng hỏa lực súng máy.

Ukraine đã đặt mìn ở bờ biển của mình để ngăn chặn sự tiếp cận gần hơn của hạm đội biển Đen của Nga, vốn đã nhiều lần được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu bên trong Ukraine.

Kho vũ khí của Ukraine đã được tăng cường đáng kể sau cuộc xung đột nhờ có sự trợ giúp của phương Tây. Ukraine cũng đã vươn lên trong bảng xếp hạng Sức mạnh Hỏa lực Toàn cầu, trong khi nhiều thành viên của NATO tụt hạng.

Đài BBC hôm qua 18.7 đã đăng tải ảnh vệ tinh thương mại của công ty Mỹ Planet Labs chụp trước đó một ngày, cho thấy các đoàn xe của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner di chuyển trên tuyến cao tốc M5 ở Belarus, hướng đến căn cứ Tsel nằm cách thủ đô Minsk hơn 100 km.

Tổng thống Alexander Lukashenko hôm 17.7 tuyên bố lực lượng Wagner "đang có mặt ở khu trại của họ" trên lãnh thổ Belarus. Ông Lukashenko nói sẽ đề nghị “công ty quân sự tư nhân Wagner hỗ trợ bảo vệ Belarus ngay khi cần thiết".

Các kênh Telegram có liên hệ với Wagner tuần trước thông báo đã hạ quốc kỳ Nga và cờ của tập đoàn ở trung tâm huấn luyện chính ở tỉnh Krasnodar Nga, và thông báo cơ sở này sẽ ngừng hoạt động từ ngày 30.7.

Việc chuyển lực lượng Wagner từ Nga sang Belarus là một nội dung trong thỏa thuận do Tổng thống Lukashenko làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn mà nhóm gây ra hồi tháng 6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.