Xem nhanh: Ngày 489 chiến dịch, Ukraine chịu sức ép tăng tốc phản công; ông Putin nói Nga tránh được nội chiến

Xem nhanh: Ngày 489 chiến dịch, Ukraine chịu sức ép tăng tốc phản công; ông Putin nói Nga tránh được nội chiến

28/06/2023 23:43 GMT+7

Hai tên lửa của Nga đã tấn công Kramatorsk hôm 27.6. Thị trưởng thành phố xác nhận số người chết đã tăng lên 9 người. Các dịch vụ khẩn cấp cho biết 7 người đã được giải cứu từ dưới đống đổ nát và số người bị thương đã tăng lên 56 người.

Giới chức Ukraine cho biết vụ tấn công xảy ra tối 27.6, khi một tên lửa S-300 đánh trúng nhà hàng Ria Pizza, là địa điểm các binh sĩ thường lui tới ở Kramatorsk, một trong những thành phố lớn nhất do Kyiv kiểm soát ở miền đông.

Giới chức địa phương cũng cho hay tên lửa thứ hai đánh trúng một ngôi làng ở ngoại ô Kramatorsk, khiến 5 người bị thương.

Nga chưa phản hồi cáo buộc của Ukraine. Tuy nhiên Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc tấn công thường dân.

Cuộc nổi loạn không thành tại Nga của nhóm quân sự tư nhân Wagner đã trôi qua được 4 ngày, nhưng dư âm vẫn còn rất mạnh mẽ. Tối 27.6, Tổng thống Vladimir Putin đã tổ chức một buổi lễ trọng thể nhằm ghi công những quân nhân và nhân viên an ninh đã tham gia ngăn chặn điều mà ông gọi là một “cuộc nội chiến" xảy ra, mà chắc chắn những kẻ thù của nước Nga sẽ lợi dụng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 27.6 cho biết NATO đã tăng cường sẵn sàng chiến đấu và hiện diện quân sự dọc theo mặt trận phía đông của liên minh, nơi các quốc gia thành viên có chung biên giới với Nga và Belarus.

Trong một cuộc họp báo ở The Hague, ông nói: "Tất nhiên chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và chúng tôi đã tăng cường sự chuẩn bị cũng như sự hiện diện quân sự của mình ở phía đông của liên minh".

Theo ông Stoltenberg, NATO đã "gửi thông điệp rõ ràng tới Moscow và Minsk rằng NATO luôn bảo vệ đồng minh và từng tấc đất của liên minh".

Ông nhận định các sự kiện xảy ra ở Nga gần đây là "vấn đề nội bộ của Moscow". Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhắc lại rằng "không được đánh giá thấp Nga, vì vậy điều quan trọng hơn nữa là cần tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine".

Phát biểu cùng với ông Stoltenberg, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết khả năng triển khai các tay súng Wagner tới Belarus có thể làm tăng nguy cơ bất ổn trong khu vực.

Về tung tích của người lãnh đạo nhóm Wagner Yevgheni Prigozhin kể từ sau khi vụ nổi loạn kết thúc, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 27.6 đã cung cấp những thông tin cụ thể, đồng thời tiết lộ thêm một số chi tiết về những gì đã diễn ra trong cuộc nổi loạn, cũng như vai trò trung gian của Belarus.

Trả lời báo chí ngày 27.6, lãnh đạo Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov cho hay đoàn xe của Wagner đã tiến về Moscow khá nhanh trong vụ nổi loạn là do các lực lượng phòng ngự chính đã được tập trung gần khu vực thủ đô.

Ông giải thích rằng cần "tập trung tất cả các lực lượng vào các hướng tiếp cận Moscow, vì nếu phân tán lực lượng thì Wagner sẽ di chuyển như một con dao cắt qua miếng bơ".

Ngoài ra, người chỉ huy Vệ binh Quốc gia Nga cho biết ông tin rằng các quốc gia phương Tây có thể đã biết trước về kế hoạch nổi loạn của Wagner và thậm chí có thể liên quan tới vụ việc.

Trong khi đó, theo tờ The New York Times hôm 27.6, các quan chức Mỹ đang cố gắng tìm hiểu xem liệu tướng Sergey Surovikin, phó tư lệnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, có dính líu gì đến kế hoạch nổi loạn của thủ lĩnh nhóm Wagner vào tuần trước hay không.

Khi cuộc nổi loạn bắt đầu, ông Surovikin là một trong những vị tướng đầu tiên phát hành một đoạn video, trong đó có hình ảnh ông đang cầm một khẩu tiểu liên, yêu cầu lực lượng Wagner ngừng hành động. Ông cũng là chỉ huy của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, lực lượng đã mất một số máy bay trong sự cố khiến 13 phi công thiệt mạng.

Ông Surovikin, được truyền thông Nga đặt biệt danh là "Tướng quân Armageddon", đã được giao phụ trách tổng thể các hoạt động của Ukraine vào tháng 10. Nhưng vào tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov giám sát chiến dịch và ông Surovikin làm cấp phó.

Cũng trong một thông tin liên quan, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tiến hành điều tra công ty của thủ lĩnh Wagner sau vụ nổi loạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã đạt được "những thành tựu nhất định" chưa được công khai và phần lớn lực lượng dự bị của họ vẫn chưa được triển khai.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Oleksiy Reznikov cho biết việc tái kiểm soát các ngôi làng nhỏ từ tay Nga trong những tuần gần đây không phải là mục tiêu chính trong kế hoạch trong cuộc phản công của Kyiv.

Ông hứa hẹn rằng khi cuộc phản công xảy ra, "tất cả mọi người sẽ được nhìn thấy".

Ông Reznikov cho biết lực lượng quân dự bị chính của Ukraine, bao gồm hầu hết các lữ đoàn mới được đào tạo ở phương Tây và được trang bị xe tăng và xe bọc thép hiện đại của NATO, vẫn chưa được triển khai.

Trong khi đó, một bài báo trên tờ Politico cho biết phương Tây không hài lòng về tốc độ phản công của Ukraine, và cho rằng lực lượng Kyiv quá thận trọng.

Hôm 27.6, Mỹ đã công bố gói viện trợ dành cho Ukraine trị giá 500 triệu USD. Gói này bao gồm các phương tiện trên bộ như 30 thiết giáp Bradley, 25 xe bọc thép chở quân Stryker và đạn dược cho pháo phản lực HIMARS, hệ thống phòng không Patriot, các vũ khí hạng nhẹ và lựu đạn.

Lầu Năm Góc nói gói viện trợ sẽ góp phần hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch phản công, tăng cường năng lực phòng không cho Kyiv.

Còn Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda hôm nay đã đến thăm Ukraine, và đã thông báo trên Facebook rằng Lithuania đã mua hai bệ phóng tổ hợp phòng không tiên tiến NASAMS của công ty Na Uy Konsberg cho Ukraine, trị giá hơn 10 triệu USD.

Lithuania là một trong những quốc gia thành viên NATO và EU ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất.

Tổ hợp NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên tiêm kích NATO.

NASAMS được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp, có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với các trận tập kích đường không của Nga.

Ở một diễn biến khác, Nga đã tiến hành cuộc tập trận máy bay chiến đấu chiến thuật trên biển Baltic.

Chính sách của Hungary đối với cuộc xung đột Ukraine lâu nay vẫn là cái gai trong mắt của Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 27.6 tiếp tục cho rằng Ukraine không thể thắng nhờ viện trợ quân sự từ phương Tây, bởi Kyiv sẽ cạn nguồn binh lực trước Moskva.

Trả lời phỏng vấn báo Bild của Đức, ông Orban nói “bản chất của sự hợp tác giữa Ukraine và phương Tây là một sự thất bại".

Theo ông Orban, quan điểm cho rằng các vũ khí, nguồn lực tài chính và tình báo mà Mỹ cùng đồng minh phương Tây cung cấp sẽ giúp Ukraine chiến thắng là "hiểu sai về tình hình".

Ông Orban cũng hối thúc các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể, nếu không Ukraine "sẽ tổn thất nặng nề về vật chất và sinh mạng, chịu đựng sự tàn phá không thể tưởng tượng nổi".

Tuy nhiên, ông cho rằng giao tranh không dừng lại nếu Mỹ không quyết định chấm dứt xung đột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.