Vốn, vốn và vốn

23/05/2023 04:11 GMT+7

Không tiếp cận được vốn, chi phí vốn quá đắt đỏ, thủ tục kéo dài làm đội vốn dự án... Có thể nói, vốn chính là nút thắt lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay mà nếu không giải được thì sẽ không thể ngăn chặn tình trạng "bán mình" cho khối ngoại đang ngày một lan rộng.

Hơn 2 thập niên gầy dựng một loạt thương hiệu trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, bất động sản... nhưng phải bán dần những đứa con tâm huyết của mình, chủ tịch một tập đoàn lớn của VN lạc quan tếu rằng ông "còn có cái mà bán". Rất nhiều công ty đã phải rời bỏ thị trường vì chẳng còn gì để bán trong khi "đói vốn" kéo dài. Cách duy nhất họ có thể lựa chọn là dừng cuộc chơi. Thế nên với vị doanh nhân nói trên, bán rẻ bán đắt tầm này không quan trọng, quan trọng là tồn tại, là giữ việc làm cho vài chục ngàn cán bộ công nhân viên và sau họ là cả trăm ngàn gia đình. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp (DN) ở mọi lĩnh vực ngành nghề từ sản xuất, dịch vụ, bất động sản, chăn nuôi, nông nghiệp; từ ưu tiên cho tới những ngành nhà nước khuyến khích đầu tư... đều than không tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng (NH). Thiếu vốn, cơ hội đến cũng đành nhắm mắt bỏ qua. Thiếu vốn, hợp đồng tới cũng không dám ký. Thiếu vốn, phải sa thải nhân viên, đóng cửa nhà máy...

Vốn với nền kinh tế được ví như máu trong cơ thể người. Ngắt vốn thì sản xuất ngưng trệ, đóng băng. Thế nên giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất chính là khơi thông nguồn vốn, nếu muốn hỗ trợ DN thực chất nhất, hiệu quả nhất lúc này. Cũng chỉ khơi thông nguồn vốn mới nói đến chuyện kéo giảm lãi vay. Bởi nếu vẫn cung thấp cầu cao, tiền khan hiếm trong khi nhu cầu vốn quá lớn, thì lãi vay chắc chắn vẫn neo trên trời. Hai yếu tố này tác động tương hỗ lẫn nhau và nhà điều hành là NH Nhà nước hiểu rõ hơn ai hết. Vì vậy thay vì hô hào giảm lãi suất, thị trường cần giải pháp thực chất và hiệu quả. Đó chính là cấp room cho các nhà băng đã đụng trần hạn mức để từ đó, vốn chảy vào nền kinh tế.

Tất nhiên ai cũng biết vốn trong nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào hệ thống NH. Thế nhưng chúng ta cũng biết huy động vốn qua kênh trái phiếu DN hay chứng khoán lúc này là bất khả thi. Thậm chí, trái phiếu DN còn đang hút ngược dòng tiền đã cạn kiệt trên thị trường thông qua mua lại trái phiếu trước hạn, trong đó có các NH. Riêng tháng 4 vừa rồi, nhóm NH chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại, tăng 5,64 lần so với tháng 3 và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2022. Việc các nhà băng phải chi ra hàng ngàn tỉ đồng để mua lại lượng lớn trái phiếu đã phát hành lý giải một phần dư nợ tín dụng có tăng mà DN không tiếp cận được vốn. Nói thế để thấy đây không phải lúc ngành NH vin vào lạm phát để siết chặt tín dụng; không đá quả bóng vốn sang sân trái phiếu DN hay chứng khoán mà ai cũng hiểu là bất khả thi. Vốn để giữ hàng ngàn dự án của DN Việt không phải sang tên đổi chủ; vốn để kích hoạt sản xuất; vốn để các DN chăn nuôi đang không phải treo chuồng gánh lãi... trước mắt phải nhờ vào NH, không có cách nào khác. DN hồi sinh, người lao động có công ăn việc làm, niềm tin trên thị trường trở lại thì các kênh huy động vốn dài hạn tức khắc được kích hoạt trở lại... chia sẻ gánh nặng vốn với hệ thống tín dụng.

Kinh tế quý 1 giảm sốc; mỗi tháng có hơn 19.000 DN phá sản, ngưng hoạt động; lãi vay thuộc hàng cao nhất thế giới; các kênh huy động vốn tắc nghẽn; đơn hàng xuất khẩu giảm sút... Kinh tế VN đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và giai đoạn hiện nay cũng đang cực kỳ khó khăn. Tình thế cấp bách không chỉ cần bản lĩnh dám nghĩ dám làm của người cầm cân nảy mực mà nó còn thể hiện trách nhiệm với đất nước, với nền kinh tế và hàng triệu người lao động có nguy cơ thất nghiệp ngoài kia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.