Điện tái tạo cần cơ chế giá hài hòa

22/05/2023 04:37 GMT+7

Bị cắt điện trong bối cảnh nắng nóng, nhiều người bức xúc khi thấy tốc độ đàm phán giá mua điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN) với hàng chục dự án điện tái tạo quá chậm.

Theo Bộ Công thương, tính đến cuối tuần qua, Bộ đã phê duyệt tạm tính cho 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, công suất 1.200 MW và số này đang hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để phát lên lưới. So với con số 85 dự án điện tái tạo đang "kêu cứu" thì con số 15 dự án này chẳng thấm tháp gì. Đặc biệt trong bối cảnh "nhà điện" đang kêu gọi người dân, doanh nghiệp, công sở... triệt để tiết kiệm điện. TP.HCM thậm chí đề nghị hạn chế mặc áo vest cũng như đồ trang trọng khi họp hành cũng để tiết kiệm điện thì việc còn tới vài chục dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp "treo" công suất ngoài kia không chỉ lãng phí mà còn gây bức xúc cho nhiều người.

Vậy thì lý do gì mà ngành điện một mặt "căng mình" tìm nguồn cung điện, một mặt lại chậm chạp, thờ ơ trong huy động nguồn điện sạch có sẵn đến vậy?

Nói đi cũng phải nói lại cho sòng phẳng. Như chúng ta đều biết, giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định.

Cụ thể ở đây, các dự án đưa vào vận hành trước 31.12.2020 sẽ được hưởng giá FIT. Thấy hấp dẫn, hàng loạt doanh nghiệp nhảy vào đầu tư điện gió, điện mặt trời để tranh thủ cơ chế giá mua cao. Trong đó nhiều dự án kịp vận hành trước thời hạn quy định được hưởng giá FIT nhưng 85 dự án nói trên thì chậm chân nên Bộ Công thương phải có cơ chế giá khác cho các dự án chuyển tiếp này. Và vì không đồng ý cơ chế giá mà Bộ Công thương đưa ra nên mới có việc treo công suất, kêu cứu và đàm phán giá hiện nay.

Xét đến đoạn này, công bằng mà nói việc đàm phán là chuyện giữa hai bên, thuận mua vừa bán. Chưa kể EVN đang lỗ hơn tỉ USD, tính riêng năm 2022. Nên khả năng tài chính hiện nay không cho phép EVN mua điện tái tạo giá cao để bán giá thấp. Mặt khác, điện tái tạo hiện nay có công suất lớn nhưng điện năng phát thực sự thì tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví dụ, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.

Còn điện gió phụ thuộc vào từng khu vực dự án được xây dựng. Theo thống kê, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất nên rất khó đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng. Cũng xin nhắc lại là dù kêu cứu nhưng chủ đầu tư của 85 dự án nói trên khá hờ hững trong việc gửi hồ sơ đàm phán. EVN đã phải liên tục thúc giục nhưng số lượng doanh nghiệp gửi hồ sơ vẫn ít hơn số lượng không gửi. Có nhiều lý do, nhưng ở đây xin không bàn tới, song điều này cũng ảnh hưởng đến số lượng các dự án được phê duyệt giá tạm tính như nói trên.

Tất nhiên, nếu không thiếu điện trầm trọng và nguy cơ cắt điện trên diện rộng như hiện nay, cũng như EVN vừa là nhà sản xuất, người mua, người bán, truyền dẫn, phân phối… thì sẽ chẳng có gì đáng nói. Thế nên quan trọng lúc này vẫn là một cơ chế giá hợp lý hài hòa lợi ích cả hai bên để vừa không lãng phí nguồn điện tái tạo, vừa giải quyết nguồn cung điện cho sinh hoạt và sản xuất. Mà muốn vậy, mỗi bên cần thiện chí và phải chấp nhận một chút để giải quyết bế tắc này.

Còn nếu chỉ một bên, không thể giải quyết được mà kéo dài ngày nào thì tất cả đều thiệt hại ngày đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.