Virus từ dơi tiếp tục tìm cách lây nhiễm cho con người

Virus từ dơi tiếp tục tìm cách lây nhiễm cho con người

27/05/2023 14:21 GMT+7

Ở Ấn Độ, khi ngày càng có nhiều người sống gần những con dơi có thể mang virus chết người, một mầm bệnh đã tìm ra con đường mới để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn, thường gây ra hậu quả khó lường hơn.

Bang Kerala của Ấn Độ đang truyền đi một thông điệp dành cho người dân: đừng ăn những trái cây đã bị dơi ăn hoặc cắn.

Cảnh báo này nhằm ngăn chặn sự bùng phát của virus Nipah chết người, loại virus đang tìm ra những con đường mới và đáng lo ngại hơn để truyền trực tiếp từ dơi sang người, khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng xâm lấn sâu vào các khu vực heo hút.

Năm 2018, virus Nipah đã giết chết các thành viên trong gia đình anh Muthalib, bao gồm cha và hai anh trai của anh.

Anh Sabith được đưa đến bệnh viện đầu tiên trong tình trạng sốt, nôn mửa, mê sảng, run và ho dữ dội.

Phải mất gần hai tuần sau, các bác sĩ mới tìm ra điều gì đã khiến bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên trong lúc đó, 22 người khác đã bị nhiễm virus Nipah. Chỉ có 2 người trong số họ sống sót.

Virus dơi tiếp tục tìm ra cách mới để lây nhiễm cho con người - Ảnh 1.

Các trợ lý phòng thí nghiệm bảo quản các mẫu dơi trong bình chứa nitơ lỏng tại phòng thí nghiệm hiện trường để nghiên cứu virus Nipah ở khu vực Shuvarampur của Faridpur (Bangladesh), ngày 14.9.2021

REUTERS

Nhưng làm thế nào mà Sabith lại bị nhiễm Nipah để trở thành người đầu tiên bị ốm?

Một cuộc rà soát quanh khu phố của gia đình anh đã dẫn các chuyên gia đến một đàn cáo bay, loài dơi ăn quả phổ biến. Một số con dơi được xét nghiệm đã dương tính với virus Nipah.

Trái cây chỉ là một giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra về cách anh Sabith bị nhiễm bệnh.

Nipah có thể lây nhiễm cho người khi họ tiếp xúc với chất lỏng có chứa virus: nước bọt, nước tiểu, máu và các giọt nước mũi hoặc đường hô hấp.

Hiện chưa có vắc xin để ngăn ngừa nhiễm bệnh, và chưa có cách chữa trị nào.

Nipah được coi là một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất lưu hành trong tự nhiên và nằm trong danh sách các mầm bệnh có khả năng gây dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đợt bùng phát năm 2018 đã làm rõ con đường lây truyền nhanh chóng và chết người của mầm bệnh này.

Virus dơi tiếp tục tìm ra cách mới để lây nhiễm cho con người - Ảnh 2.

Các trợ lý phòng thí nghiệm bắt một con dơi khi thu thập mẫu vật cho nghiên cứu virus Nipah của họ ở khu vực Shuvarampur của Faridpur (Bangladesh), ngày 14.9.2021

REUTERS

Theo các phân tích về những điều kiện khiến những đợt bùng phát như thế này có thể xảy ra, vào thời điểm anh Sabith ngã bệnh, vùng đất này tại Ấn Độ đã trở thành một trong những nơi dễ lây lan bệnh từ dơi nhất cho con người trên trái đất.

Những nơi như thế này được gọi là “vùng nhảy”. Phân tích của hãng tin Reuters đã xác định được hơn 9 triệu km2 ở 113 quốc gia nơi con người thay đổi môi trường sống của loài dơi, qua đó đã tạo ra những điều kiện gần giống với những điều kiện xung quanh khu vực lây nhiễm virus trong quá khứ.

Kerala có một số “vùng nhảy” nguy hiểm nhất thế giới. Đây là nơi sinh sống của hơn 40 loài dơi và 35 triệu người.

Các khu rừng tại đây, môi trường sống chính của loài dơi, đã dần bị chặt phá để nhường chỗ cho việc trồng trọt và phát triển, tạo điều kiện lý tưởng cho loại virus như Nipah xuất hiện và lây nhiễm sang người, thường gây ra hậu quả chết người.

Và so với các đợt bùng phát đã biết trước đó ở những nơi khác ở châu Á, các đợt bùng phát ở đây đặc biệt nguy hiểm, gây tử vong cho 90% số người nhiễm bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.