Vì sao Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu rút kinh nghiệm?

Mai Phương
Mai Phương
28/11/2023 07:31 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm của năm vừa qua và có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả để góp phần khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Siết đột ngột, mở quá thận trọng

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho vay đối với nền kinh tế 10 tháng năm 2023 đạt hơn 12,8 triệu tỉ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Như vậy so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 ở mức 14 - 15% thì con số này chỉ xấp xỉ 50%. Trong khi đó, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến hết năm 2023, việc tín dụng tăng chậm cũng là một nguyên nhân và phản ảnh mức tăng trưởng kinh tế của VN khá thấp.

TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận xét, trong quý 4/2022 NHNN siết chặt quá mức về tín dụng, thậm chí các nhà băng dừng hẳn việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) kéo theo hàng loạt doanh nghiệp (DN) điêu đứng, thị trường "đứng hình". Việc thắt chặt đột ngột và quá liều đó đã lan tỏa khiến các NH thương mại bắt đầu hạn chế cho vay ở nhiều lĩnh vực, đồng thời mạnh tay tăng lãi suất (LS). Những khó khăn đó đã tiếp tục kéo dài đến năm 2023. Nhiều DN khi có nhu cầu vay thì gặp khó khăn do bị hạ hạn mức tín dụng. Thậm chí ngay từ giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chú ý tín dụng BĐS nhằm hỗ trợ thị trường, nhưng các NH vẫn dè dặt, không cởi mở cho lĩnh vực này. Đặc biệt, đối với việc kéo giảm LS, mặc dù LS huy động tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh nhưng LS các khoản vay cũ của DN vẫn còn neo ở mức rất cao. Điều này khiến DN đã khó càng thêm khó, khi phải gồng gánh chi phí vốn rất lớn.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu rút kinh nghiệm ? - Ảnh 1.

Cần điều hành tăng trưởng tín dụng kịp thời để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế

HUY HƯNG

Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, NHNN cần khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng TCTD, NH thương mại đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1.12.

Dẫn chứng mới tư vấn cho một DN chuyển nợ từ NH này sang NH khác khi khoản vay cũ phải trả LS 14,5%/năm, nhưng sau nhiều lần thương thảo NH vẫn báo LS còn 11%/năm, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết, khi chuyển khoản vay sang nhà băng khác, LS được hưởng ưu đãi 2 năm đầu tiên chỉ 6,5%/năm.

"Nhiều NH thương mại vẫn cố tình duy trì LS cho các khoản vay cũ rất cao. Tôi thấy có nhiều DN vẫn phải trả LS ở mức 12 - 14%/năm. Quy định cho phép chuyển nợ từ NH này sang NH khác là một cách để NH cạnh tranh hạ LS cho vay. Nhưng nếu không được NH hợp tác xác nhận nợ thì DN cũng không thực hiện được. Bên cạnh đó, nhiều NH thương mại khi tính LS thả nổi cho khoản vay cũ của khách hàng lại lấy theo LS cơ sở cộng với biên độ từ 3,5 - 4%. Nhưng ở đây họ lấy LS cơ sở là bao gồm LS huy động đầu vào cộng thêm chi phí hoạt động nên vẫn rất cao. NHNN có quản lý vấn đề này không? Cần phải giải bài toán này thì mới hy vọng mặt bằng chung LS cho vay trên thị trường giảm nhanh như mục tiêu đề ra và công bằng như LS tiền gửi", TS Huỳnh Thanh Điền đặt vấn đề.

Ban hành nhiều nhưng thực hiện chậm

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng năm 2022 do thanh khoản hệ thống NH gặp khó khăn và tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong 2 quý đầu năm nên NHNN kiểm soát "room" tín dụng các quý cuối năm khá chặt. Thậm chí đến đầu tháng 12.2022 mới nới room tín dụng cho các NH và điều này là khá muộn. Năm 2023 tình hình khác hơn, room tín dụng đã được cấp đủ và sớm hơn nhưng cơ bản là nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung đã chậm lại. Vì vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN và người dân, đối với chính sách tiền tệ cần tiếp tục giảm mặt bằng LS cho vay. Các tổ chức tín dụng xem xét, rà soát linh hoạt hơn về điều kiện tín dụng (kể cả tài sản thế chấp) và xem đây như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục giảm LS, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai, BĐS.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, các chính sách liên quan tín dụng, nguồn vốn đã được ban hành khá nhiều. Chẳng hạn như chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với LS ưu đãi thấp hơn LS cho vay thông thường… Vấn đề quan trọng là việc thực hiện còn chậm. Bên cạnh đó, lĩnh vực BĐS còn liên quan đến các khó khăn vướng mắc về pháp lý nên cũng kéo theo tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này chậm theo. Do vậy các bộ, ngành liên quan, NHNN đều phải thực hiện quyết liệt hơn các chính sách đã đề ra thì dòng vốn mới có thể khơi thông, hỗ trợ DN hoạt động để góp phần đưa kinh tế tăng trưởng.

TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất cụ thể: NHNN phải rà soát, ưu tiên tăng room tín dụng cho những NH đang có liên kết với các công ty kinh doanh BĐS để ưu tiên cho vay thực hiện các dự án đang thi công cũng như giải ngân cho người mua. Từ đó sẽ tạo thêm công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, tạo sự lan tỏa rộng khắp cho nhiều ngành nghề trong nền kinh tế. Song song đó, đây là thời điểm cuối năm mà DN, người dân thông thường đều có nhu cầu về vốn rất cao. Đây cũng là cơ hội để NH tăng cơ hội cho vay, đưa tiền ra nền kinh tế. NH cũng phải ưu tiên cho các khách hàng vay vốn trung, dài hạn để đầu tư các dự án, kế hoạch phát triển. Bởi nhiều DN đã phản ánh từ cuối năm 2022 khi LS tăng cao, tín dụng bị siết chặt thì việc vay vốn trung, dài hạn gặp khó khăn hơn và LS cũng lên rất cao so với vay vốn ngắn hạn. Đây cũng là một nút thắt cần được NHNN quan tâm để thúc giục các nhà băng tăng cường giải tỏa, đưa vốn ra thị trường kịp thời.

"Nền kinh tế VN vốn có đặc điểm phụ thuộc lớn vào tín dụng từ hệ thống NH do thị trường vốn chưa phát triển mạnh. Hiện nay lạm phát của thế giới cũng đã giảm mạnh so với trước đây. Riêng lạm phát của VN được đánh giá không còn nguy cơ cao và trong tầm kiểm soát. Vì vậy cần mở rộng chính sách tiền tệ. Nhất là ở thời điểm cuối năm, khi DN cần vốn để gia tăng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đang dần có những tín hiệu hồi phục hơn", TS Điền nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.