Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM khởi sắc

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/09/2023 14:32 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM cho biết, hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong tháng 8 khởi sắc, tăng 1% so với tháng trước đó, nâng tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm lên mức 3,26%.

Theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, quy mô tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm đạt 3,331 triệu tỉ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm 2022, 2021 và 2019 nhưng tương đương mức tăng trưởng cùng kỳ của năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM khởi sắc - Ảnh 1.

Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cho vay khởi sắc

NGỌC THẮNG

Về cơ cấu tín dụng, tín dụng VND chiếm 94,7% và tín dụng ngoại tệ chiếm 5,3% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Tín dụng ngắn hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng trung, dài hạn. Theo đó, tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022, trong khi tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%.

Tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Trong đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh - động lực tăng trưởng kinh tế - tiếp tục được tổ chức thực hiện gắn liền với chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất không quá 4%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn; và chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Theo đó, đến nay, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất ưu đãi đạt khoảng 188.000 tỉ đồng, cho 17.827 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã với lãi suất vay không quá mức quy định (hiện nay là 4%/năm).

Các ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đạt trên 34.000 tỉ đồng cho trên 25.000 khách hàng vay vốn; giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất đạt 20.954 tỉ đồng cho 350 khách hàng thuộc các lĩnh vực hàng không; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản…

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, những điểm tích cực đã bắt đầu xuất hiện, chính sách phát huy tác dụng và tín dụng tăng trở lại trong tháng 8. Một số ngành lĩnh vực phục hồi và tăng trưởng, cùng với yếu tố thời vụ của dịp cuối năm và tết cổ truyền… sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm.

Dù có sự khác nhau về mức độ, điều kiện và bối cảnh, song tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2023 cũng thấp như cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên kết thúc năm 2020 tín dụng tăng tới 10,35%. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng các tháng còn lại của năm thường rất cao. Để tăng trưởng tín dụng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ và cho vay mới với lãi suất thấp để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho doanh nghiệp để thực hiện kế hoạch kinh doanh cuối năm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.