Rà soát, gỡ khó cho tín dụng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/08/2023 06:33 GMT+7

Dù rất nhiều giải pháp được đưa ra song theo ngân hàng, tăng trưởng tín dụng tháng 7 thậm chí còn âm so với tháng 6, mức tăng chỉ còn 4,56%.

Ngân hàng nói tín dụng kinh doanh BĐS tăng

Tín dụng nền kinh tế 7 tháng năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Điều đáng nói là hiện đã gần hết 8 tháng nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa bằng một nửa kế hoạch đề ra từ đầu năm là 14 - 15%. Đặc biệt, tín dụng còn tăng trưởng âm trong tháng 7. Theo công bố từ nhà điều hành, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Sự phục hồi tín dụng của tháng 6 được ghi nhận mạnh lên thì qua tháng 7 lại đi lùi.

Rà soát, gỡ khó cho tín dụng - Ảnh 1.

NHNN được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn

NGỌC THẮNG

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng có nhiều yếu tố khiến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp khó. Trong đó có nguyên nhân đến từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản (BĐS) ở mức thấp kéo theo mức tăng trưởng chung tín dụng giảm. Tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung. Dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 17,41% vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 ở mức 10,73%. 

Thế nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, trong khi cuối năm 2022 tăng 31,01%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. 

Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Đồng thời cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân. Các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước. Nợ xấu cuối tháng 6.2023 tăng lên 2,47%, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,53%.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng chậm lại còn đến từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Nhà điều hành cũng thừa nhận một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính của DN thiếu minh bạch... Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...). NH rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

DN "không biết tăng vào đâu"

Thực tế, trong tháng 7 và 8, các NH đồng loạt giảm lãi suất huy động để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống. Thế nhưng các giám đốc phụ trách cho vay khách hàng cá nhân và DN của một số NH đều cho hay tình cảnh hiện nay kiếm khách hàng vay "mờ mắt". Lãi suất cho vay giảm so với đầu năm từ 2%/năm nhưng vẫn khó tăng trưởng tín dụng.

Điều này cũng đúng nếu khảo sát từ phía DN, đặc biệt là DN BĐS. Trước thông tin tín dụng kinh doanh BĐS tăng nhưng vay tiêu dùng của người dân lại giảm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), khẳng định DN BĐS kêu rất nhiều về việc không tiếp cận được vốn vay NH mà không hiểu sao tín dụng lại tăng. Trong thời gian qua, ngoài mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao có xu hướng giảm, thì việc tiếp cận nguồn vốn vay NH của các DN BĐS không phải dễ. NH nói là không siết cho vay BĐS nhưng trong điều kiện vay vốn sẽ bổ sung thêm một số thủ tục, giấy tờ yêu cầu bị cho là không cần thiết, chẳng hạn như thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở… Đồng thời việc giảm giá trị thẩm định giá, nhất là đối với những tài sản là BĐS cũng khiến DN dù có tiếp cận được vốn NH cũng không đủ nhu cầu. Đây cũng là lý do khiến dư nợ tín dụng BĐS giảm. 

Ông Châu dẫn chứng trong môi trường kinh doanh bình thường, một BĐS có giá 100 tỉ đồng, NH thẩm định giảm còn khoảng 60 - 70 tỉ đồng và cho vay ra chỉ vào khoảng 36 tỉ đồng. Trong khi thị trường BĐS những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, NH thẩm định giá tài sản còn giảm thêm nữa. 

"BĐS là thị trường có tính hấp thụ vốn lớn, đặc biệt vốn từ NH. Chính vì vậy trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, NH cần "nới" điều kiện cho vay xuống bằng cách giảm các thủ tục giấy tờ không cần thiết trong bộ hồ sơ vay. Ở đây, DN không yêu cầu NH hạ chuẩn cho vay", ông Châu nhấn mạnh.

Giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế

Đối với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng; cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay; đẩy nhanh cơ cấu lại các NH yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Các NH xem xét linh hoạt hơn (không hạ chuẩn) điều kiện tín dụng như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận. Ngoài ra, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai, BĐS…

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, cũng cho rằng lãi suất cho vay dù có giảm đi nữa thì tăng trưởng tín dụng cũng không thể tăng nhanh khi khách hàng không có đơn hàng. Các nguyên nhân chính khiến tín dụng NH tăng thấp là do nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và cả VN trở nên thận trọng hơn; khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn (do năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm, nhất là BĐS bị giảm); năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn của cả DN và hộ gia đình ở mức thấp (do thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, e ngại tình trạng trì trệ ở một bộ phận công chức, viên chức). Ngoài ra, một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn NH hay trái phiếu DN đang suy giảm như BĐS, công nghiệp, dịch vụ khác và tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu tín dụng của những lĩnh vực này cũng giảm theo.

Theo TS Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng và nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của người dân và DN. Dự báo, cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 12 - 13%.

Tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn

Ngày 23.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Văn bản 756 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư 06/2023 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc NHNN theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ.

NHNN tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập được các địa phương, báo chí, dư luận, người dân, DN và các NH thương mại quan tâm, phản ánh, đề xuất.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.