Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chưa đạt tới 7%

Lê Quân
Lê Quân
27/10/2023 19:05 GMT+7

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng chưa tới 7% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2023 là khoảng 14%.

Tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 6,81%

Chiều 27.10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 990/CĐ-TTg và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. 

Ngân hàng Nhà nước: tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chưa đạt tới 7% - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu nhiều khó khăn mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt

CTV

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế năm 2023 là vô cùng khó khăn cả trong và ngoài nước. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Tính đến ngày 24.10, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022. Trong đó, từ tháng 5 đến nay đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỉ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng không cao, nhiều ý kiến của các bộ, ngành, đại diện các ngân hàng thương mại… cho rằng chủ yếu do nhu cầu tín dụng thấp vì doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm).

Cạnh đó, một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa được vay vốn do chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải đảm bảo an toàn hệ thống; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây có sự giảm sút về tốc độ, quy mô do ít phát sinh dự án lớn; việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn.

Giải pháp nào để ngành ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng?

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước: tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chưa đạt tới 7% - Ảnh 2.

Một trong các giải pháp tăng trưởng tín dụng thời gian tới là đẩy nhanh cho vay gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

NGỌC THẮNG

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước.

Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể là đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành lâm nghiệp, thủy sản; gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Về phía các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị tập trung tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.

Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục rà soát, rút gọn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.