Trăng trên cao nguyên - Truyện ngắn dự thi của Bích Văn (Bà Rịa - Vũng Tàu)

06/08/2023 08:30 GMT+7

Thùy đứng tần ngần nhìn ra khoảng không trước mặt. Cái ban công nằm ở tầng 15 này là nơi Thùy thích nhất. Bởi từ đây, cô có thể nhìn thấy ánh trăng không bị che khuất bởi những mái nhà lô xô của phố. Thùy yêu trăng, yêu một cách kỳ lạ. Nhưng đêm nay trăng chẳng chiều lòng người. Nó nằm khuất sau những đám mây chẳng cho Thùy nhìn thấy. Thùy châm điếu thuốc thứ hai. Cô cảm thấy lạnh nên muốn tìm một chút hơi ấm hay muốn nhìn ánh lửa lập lòe nơi đầu điếu thuốc, chính cô cũng không hiểu nữa.

"Ngày mai mày đi?". Tiếng Ngân, đứa bạn sống chung với Thùy trong căn hộ này đã mấy năm vang lên từ phía sau.

Không quay mặt lại nhìn, Thùy đáp gỏn lọn: "Ừ".

"Mày đã suy nghĩ kỹ?", Ngân hỏi lại.

"Tao nghĩ kỹ rồi. Tao đã chán ngấy cuộc sống xô bồ ở nơi này. Tao muốn trở về lại nơi mình đã sinh ra và lớn lên".

"Nhưng công việc của mày đang rất tốt".

"Mày nhớ câu chuyện "hành khách thứ 160" mà báo chí đã đăng tin một thời gian trước không?".

Không kịp để Ngân trả lời, Thùy nói tiếp: "Tao chính là một trong số những hành khách từ Hà Nội về Huế trên chuyến bay hôm đó. Và mày có biết chuyện gì đã xảy ra?".

Trăng trên cao nguyên - Truyện ngắn dự thi của Bích Văn (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh 2.

Minh họa: Tuấn Anh

"Chuyện gì? Sao trước giờ tao không nghe mày kể?".

"Kể rồi liệu mày có tin vào những gì tao nói?".

Thùy lại nhìn lên không trung. Quầng sáng hắt ra từ ánh trăng bị mây bao phủ khiến cho bầu trời trở nên huyền ảo. Đêm lặng gió.

***

Chuyến bay bị hoãn. Điều này không có gì bất ngờ với những người thường xuyên di chuyển như Thùy. Có hàng tỉ tỉ lý do để những chuyến bay không cất cánh đúng giờ. Do thời tiết xấu, do lỗi kỹ thuật, hay tế nhị hơn là các hãng hàng không muốn dồn chuyến để tiết kiệm chi phí. Nhớ có lần, Thùy còn bị kẹt lại, vật vạ ở sân bay đến hơn một ngày. Nhưng lần này lại khác. Chuyến bay bị hoãn khi tất cả hành khách đã yên vị trên ghế ngồi. Điều đó rất hiếm khi xảy ra. Thùy đưa mắt nhìn đồng hồ. 19 giờ 45 phút. Nếu như đúng lịch trình, Thùy sẽ tới Huế lúc 21 giờ, kịp cho một cuộc gặp gỡ ngắn để ngày mai cô lại bay sớm vào Sài Gòn. Nhưng bây giờ… Thùy thở dài bất lực.

"Ngày hôm nay, 159 hành khách bay tới Huế phải chờ đợi 23 phút để được cất cánh. Mong rằng bạn đã không phiền lòng và mệt mỏi. Bởi có một cuộc đời ở Huế, đêm nay, hy vọng sẽ được viết tiếp, nhờ một trái tim đã gấp gáp chạy đua với thời gian để lên tàu cùng chúng ta, cùng ê kíp ghép tạng, bền bỉ từng nhịp đập đợi hạ cánh và đến được tới cửa phòng cấp cứu.

Ngày hôm nay, 23 phút quý giá của bạn có thể sẽ làm nên kỳ tích".

Tiếng loa thông báo phát ra khiến tất cả hành khách lặng đi. Thì ra đây chính là lý do. Những tiếng càu nhàu, bực bội không còn nữa, thay vào đó là một không khí trầm mặc và mọi ánh mắt đều hướng về cánh cửa tàu bay chờ đợi "hành khách thứ 160" xuất hiện.

Chờ mãi, cuối cùng "vị hành khách 160", hay nói chính xác hơn là chiếc hộp bảo quản bên trong có một quả tim vừa hiến tặng cũng được đưa lên tàu bay. Thùy nhìn theo, thấy tim mình đập nhanh, có chút gì đó hồi hộp, lo lắng. Bên trong chiếc hộp là trái tim ai? Một người đàn ông hay là phụ nữ? Chắc là còn trẻ và họ sẽ được sống tiếp bằng một cuộc đời khác sau hôm nay? Những câu hỏi trong đầu Thùy cứ chạy theo từng nhịp bước chân của các y bác sĩ cho đến khi tất cả khuất sau tấm màn ngăn cách, cô mới quay mặt lại nhìn ra cửa sổ máy bay. Thùy chờ trăng lên.

Máy bay cất cánh…

"Cô đang ngắm trăng?". Một âm thanh rất nhỏ lướt qua tai khiến Thùy hơi nhột nhạt. Cô quay mặt lại nhìn. Bên cạnh cô là một người đàn ông còn khá trẻ đang nhìn cô mỉm cười. Không biết anh ta ngồi đây từ lúc nào nhỉ? Rõ ràng khi máy bay cất cánh thì chỗ ngồi này còn trống.

Dường như hiểu được thắc mắc trong lòng cô, người đàn ông lên tiếng: "À! Tôi vừa xin đổi chỗ ngồi khi máy bay cất cánh. Có vẻ cô không thích nói chuyện với người lạ như tôi?".

"Không đâu. Dù sao có anh bên cạnh cũng làm cho chuyến đi của tôi bớt buồn tẻ".

"Hình như cô rất thích ngắm trăng. Tôi cũng thế. Nhưng Hà Nội quá ngột ngạt để người ta có thể ngắm ánh trăng đẹp nhất nên sắp tới tôi sẽ chuyển vào Huế. Chắc chắn trăng nơi xứ Huế sẽ nhiều mộng mơ".

"Anh nói chuyện hệt như một nhà thơ ấy".

"Nhà thơ? Tôi cũng từng muốn, nhưng rất tiếc cuộc sống bon chen quá khiến mình không thể sống và làm theo những gì con tim mách bảo. Chỉ khi con người ta sắp lìa khỏi cuộc sống này thì mới bắt đầu nghĩ đến nó, lại muốn được sống để cống hiến cho đời".

Người đàn ông cười nhẹ, khuôn mặt đăm chiêu có phần khó hiểu khiến Thùy tò mò: "Hình như anh có tâm sự?".

"Cũng không hẳn. Chỉ là một chút nuối tiếc".

"Nuối tiếc?".

"Vâng. Đó cũng là điểm khác nhau giữa tôi và cô. Tôi chỉ có thể dùng trái tim trao gửi yêu thương thêm một lần duy nhất. Không như cô, sẽ còn có cơ hội để trao yêu thương thêm nhiều lần nữa trong đời".

Câu nói của người đàn ông khiến Thùy chột dạ. Thùy nghĩ đến bản thân, một đứa trẻ ra đời trong "đồi nhân ái". Sẽ như thế nào nếu những đứa trẻ ở "đồi nhân ái" không nhận sự chia sẻ, bảo bọc và yêu thương từ những trái tim?

Ngôi làng của Thùy, ngôi làng mà mọi người gọi bằng cái tên thân thương là "đồi nhân ái" có những con người khiếm khuyết, quằn quại trong cơn đau đớn bởi thứ vi rút mang tên Hansen, có những đứa trẻ sinh ra còn mang mặc cảm với thế giới bên ngoài. Nhưng cũng trong ngôi làng đó, mọi người đều xem nhau là ruột thịt, đùm bọc lẫn nhau đúng như lời trăn trối của đức cha Cassaigne, trước khi ngài trút hơi thở cuối cùng: "Hãy thương lấy nhau. Rồi những mùa xuân ấm áp lại về, những bệnh nặng lẫn nhẹ sẽ tiếp tục được cứu chữa". Và mạch nguồn yêu thương từ trái tim của ngài đã được trao lại cho sơ Mậu, sơ Thùy… và rất nhiều người nữa.

Ngôi làng của Thùy vẫn cứ như xưa nay, nương theo núi đồi, giữa mùa khô này hay mùa mưa vừa qua, và như bao mùa mưa, khô cũ mòn ở cao nguyên Di Linh trước nữa. Ở ngôi làng đó, sáng mở cửa ra, những con người đưa mắt hướng về phía bình minh như gieo thêm một niềm tin mới. Tối đóng cửa lại, còn nghe tiếng cười rộn rã của lũ trẻ bên tai. Và đặc biệt những đêm trăng sáng, Thùy có thể nhìn thấy ánh trăng cao nguyên soi từng ngóc ngách, sáng tỏ tâm hồn. Lúc đó, Thùy chỉ ước mình có thêm đôi cánh để có thể nhảy múa cùng trăng trên vách núi, trên những ngọn cây.

Thùy từng nghĩ, mình cũng sẽ giống như K'Điểu, K'Brìng, Ka Linh... sau khi học xong sẽ trở về làm việc ở "đồi nhân ái". Nhưng rồi… Bốn năm đại học, số lần Thùy trở về làng ngày một thưa thớt. Thêm năm năm nữa, đến cái tên làng, Thùy cũng ái ngại, không còn muốn nhắc.

"Cô đang nghĩ gì à?".

Câu hỏi của người đang ông khiến cho Thùy luống cuống: "À không… Mà nãy giờ tôi chưa biết tên anh là gì?".

"Chúng ta như bèo nước gặp nhau, cùng đi trên một quãng thì cũng cần gì biết tên nhau. Chỉ là chúng ta có duyên nên mới ngồi lại và trò chuyện vài câu. Trăm năm mới được cùng thuyền/ Nghìn năm mới được cái duyên chuyện trò. À, mà cũng tới giờ tôi phải đi rồi. Chào cô nhé!".

Thùy còn chưa kịp trả lời thì người đàn ông đã đứng dậy, bước nhanh về phía trước, qua tấm màn che rồi mất hút.

Thùy giật mình bởi tiếng loa thông báo sắp tới giờ hạ cánh của tiếp viên. Cô mở mắt thấy mình đang tựa đầu thành ghế, mặt đang hướng ra cửa sổ. Bên ngoài, trăng mười chín đã lên, lơ lửng trên những đám mây. Chiếc ghế ngồi bên cạnh Thùy vẫn trống, như chưa từng có ai ngồi trước đó.

Cuộc trò chuyện lúc nãy là mơ hay là thật? Thùy đưa mắt nhìn. Tấm màn che phía trước đang khẽ rung rinh…

***

Chiếc xe khách ba mươi chỗ đưa Thùy rời khỏi thành phố, bỏ lại sau lưng cô là những con phố chằng chịt, ồn ào, kẹt xe, khói bụi; những đêm đầy màu sắc bên hơi men, tiếng nhạc và khói thuốc. Thùy hít một hơi thật dài như muốn thu tất cả những gì còn sót lại vào trong lồng ngực, để một lát nữa thôi, trước mặt cô sẽ là những cung đường quanh co uốn lượn như dải lụa mềm len lỏi giữa cánh rừng bạt ngàn xanh tít tắp.

Có âm báo tin nhắn tới. Thùy mở túi xách lấy điện thoại ra xem. Tin nhắn từ Ka Điểu: "Hôm nay chị về phải không? Mơi dặn em làm gà. Cả K'Huynh, K'Phang cũng đang chờ quà của chị ở nhà".

"Ừ. Sẽ có quà cho tất cả mọi người".

Trả lời tin nhắn xong, Thùy mỉm cười, bỏ điện thoại trở lại trong túi xách. Cô tựa đầu vào thành ghế nhắm mắt lại. Trong đầu cô lúc này hình dung về một lớp học với những đứa trẻ đang chăm chú nghe giảng. Có phấn trắng, bảng đen và Thùy trong vai cô giáo đang dạy những đứa trẻ ở "đồi nhân ái" phát âm: "apple", "mango", "lemon"... một cách ngọng nghịu. Lúc rảnh, Thùy sẽ sang khu điều trị để phụ giúp sơ Thùy, K'Bìng, Ka Linh... chăm sóc bệnh nhân. À còn nữa, còn những đêm trăng, Thùy cùng với lũ trẻ ở "đồi nhân ái" ngắm trăng trên cao nguyên. Trăng soi bậc cửa. Trăng tràn qua vách. Trăng sáng tỏ tim người nối tiếp mạch yêu thương…

Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;

5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Trăng trên cao nguyên - Truyện ngắn dự thi Bích Văn (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh 1.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.