'Giữa những bộn bề...' - Truyện ngắn dự thi của Lê Mỹ Thạnh

23/07/2023 00:22 GMT+7

Mây vụt thoắt ra hè sau, chạy nhanh khỏi cái xóm Rừng Đất khi bóng chiều đã dần phai nắng. Lòng trống không, hoang mang nhiều hơn là buồn.

Chiếc xe hiệp lực chạy bằng than nhét cô vào một góc hẹp đã có mấy cái rọ đựng vài con heo rừng đen đủi và những túm măng đầy lông tơ. Cửa sổ xe không kính, hút vào những đám bụi bên đường khô không khốc. Tóc những người khách chắc đã đi từ đầu bến Sơn Thành bám đầy thứ bụi màu đỏ quạch.

Mây nhìn ra bên ngoài, cánh đồng đang xanh một màu, dòng mương mang nước tưới cứ lững lờ trôi... Giờ này con út chưa biết mẹ nó đã để lại nó và thằng anh hai tuổi rưỡi cho bà ngoại, giờ này trên mái tranh hè sau khói bếp đã lan một màu lam thôn dã.

Giữa những bộn bề... - Truyện ngắn dự thi của Lê Mỹ Thạnh (Phú Yên)  - Ảnh 2.

Minh họa: Tuấn Anh

***

- Xuống nhanh, tới quốc lộ 1A rồi!

Mây giật mình ôm túm đồ nhảy xuống khỏi cái bậc xe bằng gỗ theo những hành khách cũng đang rất vội, nhớ lời người quen trong Nam dặn dò, cô đứng ngay cột mốc Sài Gòn 520 km - nơi có thể đón bất cứ chiếc xe nào từ hướng Bắc vào.

Chiếc xe năm mươi chỗ mang biển hiệu Quảng Ngãi trờ tới, người lơ xe tức tốc nhảy xuống, xấn lại chỗ cô đứng, một tay xách chiếc túi đựng quần áo của cô, một tay kẹp tay cô lôi lên cửa xe:

- Vào Nam đúng không? Qua khỏi đèo Cả đoạn nào cũng được, anh cho xuống, giá rẻ, không còn chuyến nào nữa đâu!

Nghe nói không còn chuyến, Mây vội nhảy ào lên xe mà không một lựa chọn nào khác.

Mây tỉnh ngủ, giấc ngủ chập chờn suốt một hành trình dài. Nhìn thấy có nhiều ngã rẽ, khi ngã tư Thủ Đức xa lạ, thênh thang hiện ra theo lời anh lơ đang đập thùng xe bôm bốp, lật vội quyển sổ nhỏ có ghi dòng chữ: "Số nhà... gần hãng bia Mimosa", cô la to: "Cho tốp, cho tốp anh ơi!".

***

Người dì rơi nước mắt khi nhìn bộ dạng của Mây.

- Ăn đi con rồi tắm táp!

Mây húp xì xụp, cạn đến cái rột tô mì gói, rồi can đảm nói với dì:

- Con tính đi bán vé số!

Dì quá bất ngờ với quyết định của Mây. Bà rưng rưng nhìn vào cái thực tại xanh xao, ngơ ngáo của cô mà nghèn nghẹn:

- Để mai dì nói con Ngọc nó hỏi việc cho mà làm, bán vé số cực lắm, mầy lại tiểu thơ, chân cẳng đâu mà đi!

- Con đã vào đây rồi, cứ thử, con muốn bọn nhỏ có chút thơm tho, chắc sẽ làm được!

Giọng nói của Mây nghe có vẻ lao xao nhưng ánh mắt kiên quyết của cô đã làm người dì lắc đầu im lặng cộng với tiếng thở dài đánh thượt buồn bã.

Sài Gòn với những cơn mưa ào ào bất chợt tuôn xuống mặt nhựa đường đang nóng rát, bốc lên thứ mùi hăng hắc làm Mây muốn nôn mửa. Cái nắng rực lửa chụp xuống mái tóc được kẹp gọn ủ thứ mồ hôi vương mùi khói bụi. Quẳng xuống đôi vai gầy guộc, Mây nhưng nhức một nỗi buồn khó tả!

Những quán cà phê đều rất đông người. Họ vui vẻ nói cười bàn tính công chuyện làm ăn ngay trên vỉa hè, sự đơn giản của Sài Gòn có trên đôi tay xăm trổ và ánh mắt bao dung, dần rồi cô nhận biết rõ một điều đó là sự "dễ chịu" - hai từ làm cô yên tâm mà nương nhờ.

- Ê nhỏ, vào đây.

Một quý bà tầm năm mươi đang uống cà phê cùng hai, ba người đàn ông thân hình vạm vỡ.

- Bán ngày được bao nhiêu tiền? Đưa hết vé số đây!

Mây chưa kịp phản ứng gì thì người phụ nữ giựt xấp vé số quăng vào tay một tên đàn em rồi rút mấy tờ trong xấp tiền dày cộm, đưa cho Mây.

- Cầm đi, mai lại chỗ chị, nhà số… đường Âu Cơ, nếu muốn làm công việc nhẹ, lương cao không phải đi nắng đi nôi…

Tầng nhà bốn gian nằm trong con hẻm lớn. Mây tần ngần bấm chuông, người bảo vệ già bước ra:

- Cô tìm ai?

- Dạ cô Cẩm Huệ tóc búi cao.

- Đúng rồi, Mây đúng không, vào đi.

Căn bếp rộng, nhìn quanh đã thấy một giỏ rau xanh, chắc là ai vừa mới mang vào.

- Cô Mây lát nữa đem giỏ rau này ra lặt rửa sạch xếp vào ngăn mát.

Mây răm rắp nghe lời.

Tầm một tiếng sau cánh cổng mở ra, một chiếc taxi chở bốn người trên xe xuống gồm hai người đàn ông trông rất sang cả, một phụ nữ trung niên cùng một con bé tầm mười hai tuổi đi thẳng lên lầu.

Chú bảo vệ chỉ việc cho Mây, ông nói quán làm việc bắt đầu từ hai giờ chiều, nên hai chú cháu sẽ cùng ăn cơm trưa rồi Mây hãy ngả lưng một lát.

Sau nửa tháng phụ bếp, Mây đã quen với bọn con gái hằng ngày đến đây làm việc. Mây biết nơi này họ kinh doanh gì rồi, cô sợ ánh mắt của những người đàn ông khi nhìn mình mỗi lần bà chủ nhờ Mây đem khăn lạnh lên tầng hai. Mây sợ cái nắm tay và lời nói ngọt ngào của bà chủ khi khen Mây: "Đẹp lắm, đây mới thật là hương đồng cỏ nội…".

Lúc buồn, Mây hay ngồi nhớ về những cành sen trắng nở tinh khôi trong đầm mỗi khi đi hái rau diệu, mùi hương của sen thoang thoảng, thơm ngát giữa những bùn tanh. Lúc này, cô bỗng nhớ mùi hương ấy.

***

Bảng hiệu ghi câu "Cần người bán hàng" ở chợ Phạm Văn Hai làm cô tần ngần. Ngôi nhà đôi hai tầng chất đầy bia bọt và hàng hóa thực phẩm. Hôm sau cô đến, người chủ có mái tóc bạc, dáng dấp toát lên vẻ nhân hậu, hình như anh nhìn được ánh mắt của Mây đong đầy hy vọng, đang mong chờ một cái gật đầu, còn những người trong nhà thì nhìn cô ái ngại:

- Con nhỏ này ốm yếu quá, chắc chưa tới bốn mươi ký lô.

- Kệ, nhận em nó đi! - người chủ chốt một câu gãy gọn với đôi mắt cảm thông.

***

Mây lật từng trang nhật ký khi đêm về, nơi mà cô có thể trút vơi tâm tư nhiều tháng ngày lắng đọng.

Sài Gòn ngày... tháng… năm…

"Năm mười bảy tuổi em đi lấy chồng..."

Từ dưới nhà chồng về thăm mẹ phải băng qua một cánh đồng xa. Buổi chiều gió từ sông thổi vào man mác. Cái tật để tóc xõa làm gió lùa bay bay. Có anh chăn vịt ngồi núp trong lùm múi dẻ bắc tay lên gọi: "Em gái ơi ăn trứng không anh cho?". Thật thà em cười vu vơ, xua tay trong tiếng gọi trêu đùa.

Màu chiều đẫm sắc.

Em vừa đi vừa chạy cho vượt mặt hoàng hôn.

Ngày ra ăn riêng mẹ cho một gánh nào là gạo mắm, hai cái nồi nho nhỏ, hai cái rổ đan bằng tre xinh xinh - mừng vui em thấy như cả một gia tài, vội vã băng gánh qua cánh đồng giữa mùa lúa vàng, ươm nồng thơm hương hoải...

Một hôm trời vang tiếng rền, mưa tuôn nặng hạt. Em bồng con trên tay băng qua cánh đồng, hạt mưa hôm ấy mặn chát, mới biết đời có mấy khi vui!?...

Em một mình nơi xứ người, loay hoay tự hỏi những câu không mấy khi trả lời được… thật khó khăn giữa những bộn bề sau cơn bão lớn.

Sài Gòn ngày... tháng… năm…

Lâu lắm em về, nhìn các con như những cành non đang vươn lên trong nắng ấm dù có những ngày giờ chúng còn non dại giữa gió giông.

Haizz! Mong một ngày cây sẽ trổ hoa...".

Mây gấp lại trang đời rồi cất kỹ vào ngăn tủ gỗ, cái tủ mà chị Hai chủ nhà cho cô đựng gì thì tùy. Một ngăn cô xếp những cuốn truyện tranh mua được trong tiệm sách cũ, ngăn bên kia là những con búp bê xinh mà cô chủ nhỏ đã bỏ đi, một cây kiếm Nhật bằng nhựa gãy một chút nơi tay cầm, con rô bốt hết pin... Quý hóa lắm những lần cô ra bãi xe gửi tiền, quà về cho con với gói ghém chân tình cùng cái câu tự nhủ "cũ người mới ta" thật là ấm áp!

Sài Gòn đúng như tên gọi "miền đất hứa". Dòng người, xe cộ tấp nập và điều mà cô luôn mong là sự gần gũi. Vốn tính người Trung chân chất, Mây dần được cả nhà đại lý Lê Xuân thương mến. Thời gian sau quen đường quen lối Mây không còn đi lạc cả giờ mới về, cô được giao việc chở két nước ngọt đến quán Hoang trên đường Hoàng Việt.

Đêm đô thành lung linh. Quán Hoang đầy tiếng nhạc, những tình khúc Trịnh dâng lên làm lòng cô say đắm.

Dần rồi quen, mỗi khi Mây đến giao nước đều đứng lại thật lâu nơi góc quán, nghe một hai bản nhạc rồi về trong lặng lẽ, nhưng nhờ đó cô nhẹ giấc đêm dài. Bởi cô từng ước mơ có một lần mình được đứng trên cái bục gỗ nhỏ ấm cúng, đầy ánh đèn màu mờ ảo kia.

***

Thằng Hiển con anh Hai đại lý nhìn cô dò xét:

- Chị Mây, em hỏi thiệt, chị có em sinh đôi hay bà con gì ở gần đây không?

- Làm gì có!

- Ôi, mà chị giống lắm, chị kia tóc xõa, cao hơn chị, hát rất hay ở quán nhạc Hoang, đêm qua em vừa đi xem. Mai em dẫn chị qua nhen.

Mây gật đầu, cười.

Mỗi sáng xe hàng về, đám thanh niên bốc xếp và cả cô đều làm việc như nhau, có khi cô leo lên thùng xe tuôn hàng ra cho anh em vác, mệt thì vịn đâu đó mà thở... Mỗi ngày cô thấy mình khỏe lên, làm như cả thanh xuân còn sót lại của cô đã dành cho công việc và sự hết lòng nơi này để đổi lấy cái câu mỗi khi ra bến xe Thuận Thảo: "Chú ơi, cho con gửi ít tiền về nhà!".

***

Chị Mai lấy xuống mấy cái đầm dài trong tủ đưa cho Mây. Cô há hốc không nói nên lời, những dải đăng ten đụn sóng trên cổ áo, cánh hồng to màu tím cài lên ngực và những đôi giày cao gót cùng size ba mươi lăm với cô.

- Mây, cứ lấy đồ chị mà thay. Hôm qua em hát lót cho Hằng hay lắm, khách chị bảo đây là một giọng ca lạ đầy xa vắng!

Lời cảm ơn như cứ nghẹn nơi lồng ngực, nước mắt cô tuôn ra, thành tâm như bữa hôm cúng tạ ơn khi có việc làm, nơi cửa Phật!

Cô loay hoay với đôi giày cao gót, chị Mai ân cần: "Mang giày cao lên mới ra dáng ca sĩ đấy cô nương!".

Mây trở thành người hát lót thực thụ khi Hằng có việc gia đình đã đi về Cần Thơ.

Quán Hoang có thêm nhiều người khách, hàng đêm họ chăm chú nhìn lên cái góc mờ đan xen những tia đèn màu lung linh để lắng nghe mà trầm trồ, mà thương cho "cô ca sĩ" rất mộc - như cành hoa dại lan tỏa mùi hương đồng nội.

***

"Ngoài hiên mưa rơi rơi,

Lòng ai đang chơi vơi"

Bài Ướt mi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm thay đổi cuộc đời gian khó của cô, mở ra một chương bất ngờ đầy thú vị.

Sài Gòn tưởng đâu xa lạ nhưng thật ân tình, nhớ những ngày lang thang rã rượi, rong ruổi phận người nhưng lòng luôn tâm niệm sẽ có một hôm được tươi cười, nhẹ gót trên phố đêm về...

Từ Hoang về đại lý phải đi qua một con hẻm vắng, mỗi đêm đi về cô không hề biết sẽ có những hiểm nguy rình rập. Cô đã vượt qua những cám dỗ tầm thường, những lời mời mọc việc nhẹ lương cao, ăn trắng mặc trơn, và cũng hiên ngang hạ gục tay du côn trong hẻm nhỏ. Cũng từ đấy cô có biệt danh "người hai khuôn mặt" - ban ngày vẫn là một "tay" khuân vác chuyển hàng, tóc bết mồ hôi, còn hằng đêm cô đem lời ca tiếng hát dâng cho đời - mây ngàn, gót nhỏ.

***

Mỗi khi Mây trở về.

Cánh đồng vẫn một màu xanh ngát, đẹp như một tấm thảm vàng khi mùa sang. Những cành cây nơi quê nhà giờ đã đâm chồi xanh biếc và trổ những nụ xinh xinh.

Hương sẽ sớm tỏa bên trời và Sài Gòn như ngọn gió lành chờ Mây trở lại.

Thể lệ: Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả

có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Giữa những bộn bề... - Truyện ngắn dự thi của Lê Mỹ Thạnh (Phú Yên)  - Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.