Cầu vồng sau cơn giông - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trần Thiên Phượng (TP.HCM)

Hân lập gia đình sau khi ra trường đi dạy được 3 năm. Khanh - chồng Hân - là con một, bố mất sớm nên sau khi cưới, hai vợ chồng về ở chung với mẹ Khanh. Ba mẹ Hân cũng không còn nên Hân xem mẹ chồng như mẹ ruột.

Sau khi cưới, Hân nghỉ dạy dành thời gian chăm sóc gia đình. Khanh làm giám đốc truyền thông cho một công ty nước ngoài nên vấn đề tài chính không phải bận tâm. Cả hai vợ chồng đều mong trong nhà sớm có tiếng cười trẻ thơ. Sáu tháng sau, một thiên thần kháu khỉnh bụ bẫm nặng 3,4 kg chào đời, giống Khanh như tạc. Khanh đặt tên con là Minh Khôi. Chín tháng bé biết bò. Mười một tháng bé lò dò tập đi. Một tuổi bé ngọng nghịu gọi "bà ơi", "ba ơi", "mẹ ơi". Ngôi nhà rộn rã tiếng cười, rộn ràng tiếng nói bi bô của con trẻ.

Cho đến một ngày Hân thấy con ít nhìn bà, nhìn ba mẹ và rồi con không nhìn thẳng vào bà, vào ba, vào mẹ như trước nữa. Tay chân con yếu dần đi. Con không gọi ba, gọi mẹ nữa. Hân bắt đầu thấy lo. Linh cảm của một người mẹ cho thấy con có gì đó bất ổn. Trong lòng cô dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ. Hân nói với Khanh. Khanh cười, bảo vợ lo xa.

Rồi lần đó, Khôi bị sốt. Hân đưa con đi khám. Bác sĩ kê toa 3 ngày thuốc nhưng khuyên Hân nên đưa con đi thăm khám chuyên sâu, chuyên khoa thần kinh. Theo lời bác sĩ, hai vợ chồng đưa con đi khám. Vị bác sĩ dày dặn kinh nghiệm chuyên môn hỏi Hân rất kỹ về thời kỳ thai nghén, chế độ dinh dưỡng… Sau khi làm một vài thử nghiệm với Khôi, ông kết luận: "Bé có dấu hiệu điển hình của hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Đây là một hội chứng, không phải là bệnh nên không có thuốc chữa và hội chứng này có thể sẽ theo bé đến suốt đời". "Không có thuốc chữa, theo đến suốt đời sao?", giọng Hân run rẩy, hoảng loạn. Hân bám chặt tay vào thành ghế để giữ mình không khuỵu xuống. Khanh đỡ lấy vợ. Hân không còn nhìn rõ cảnh vật trước mặt nữa. Trước mắt cô là một màn nước trăng trắng với một khoảng không gian đen thăm thẳm và sâu hun hút. Vị bác sĩ nói tiếp: "Nếu can thiệp sớm, có cách giáo dục đúng và đủ thì bé vẫn có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Tôi sẽ ghi cho gia đình vài địa chỉ có thể giúp can thiệp một cách khoa học để bé mau chóng hòa nhập. Đừng chạy chữa lung tung mà "tiền mất tật mang" và bỏ lỡ thời gian vàng trong việc can thiệp...". Hân không nghe thêm được gì nữa, tai cô ù đi…

Cầu vồng sau cơn giông - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trần Thiên Phượng (TP.HCM) - Ảnh 2.

Minh họa: Tuấn Anh

Suốt cả tuần Hân nằm liệt giường, mắt sưng húp, không ngừng tự hỏi và tự trách. Có lúc Hân thấy lồng ngực bị đè nặng đến không sao thở nổi.

Khi biết chuyện, mẹ Khanh khóc lóc kêu trời thảm thiết. Từ chỗ xem Khôi như báu vật thì giờ bà xem thằng bé như một của nợ. Bà chì chiết, đổ tội cho Hân. Còn Khanh, anh lẩn trốn nỗi đau bên bàn nhậu với những chuyến công tác dài ngày. Thiên đường bỗng chốc trở thành địa ngục.

Thương - người bạn thân từ năm lớp sáu của Hân ngày nào cũng ghé thăm an ủi, động viên Hân. Hoang mang và đau đớn là cảm giác mà bất kỳ người làm cha làm mẹ nào cũng trải qua khi biết con mình mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cách duy nhất để đưa con hòa nhập với cuộc sống bình thường là đối đầu với hiện thực, cùng con chiến đấu, đồng hành cùng con, giúp con ngày một tiến bộ và dần dần hòa nhập với cuộc sống. Mất hơn một tháng chìm trong đau khổ và nước mắt, Hân mới nhận ra điều đó.

Hân và Thương thay phiên nhau dự những buổi tọa đàm về trẻ tự kỷ để tích lũy thêm kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia, bác sĩ và cả những phụ huynh cùng cảnh ngộ. Việc cho Khôi đi học cũng là cách giúp con tiếp cận, hòa nhập với cuộc sống. Khôi đi học được 2 tháng nhưng vẫn không có gì tiến triển. Con vẫn ngu ngơ như thế, vẫn nhìn Hân xa lạ, vẫn dạy hôm trước hôm sau phải dạy lại từ những việc rất nhỏ nhặt như cầm nắm, đi vệ sinh… Đã có lúc Hân muốn buông xuôi và thấy bất lực đến tận cùng. Khi các trường lần lượt từ chối nhận Khôi vào học thì Hân gần như tuyệt vọng.

Thời gian ấy đất trời như cũng u uất và buồn bã theo. Sài Gòn bước vào mùa mưa. Những cơn mưa lúc thì tầm tã dai dẳng, lúc chỉ bất chợt thoáng qua, nhưng tựu trung là buồn. Buồn não ruột. Nước mưa hay nước mắt mà ngày nào cũng rơi. Thời gian ấy dù ngày hay đêm cũng thấy dài lê thê. Còn bầu trời thì lúc nào cũng tối tăm ảm đạm.

Có đêm đang ngủ Hân bỗng giật mình tỉnh dậy, mồ hôi tuôn ướt đẫm. Mi mắt ướt mèm. Trong mơ, Hân thấy mẹ con cô chạy theo Khanh kêu đến khàn cổ nhưng Khanh vẫn mải miết chạy về phía trước, không một lần ngoái đầu nhìn lại. Hân bật dậy nhìn quanh. Khôi vẫn đang say sưa ngủ. Khuôn mặt ngây thơ của con nhìn thương quá đỗi. Hân lặng lẽ nhìn con, lặng lẽ khóc. Không gian im ắng đến nghe được tiếng gió vi vu ngoài cửa sổ, tiếng con thạch sùng chắt lưỡi đầy ai oán trong đêm.

Cuối cùng Khanh cũng có con với người khác. Sự thú nhận này như tiếng sét đối với Hân nhưng lại là niềm vui với mẹ Khanh. Bà mừng ra mặt: "Cô biết điều thì ly dị. Cần cấp dưỡng gì cứ nói". "Được thôi. Ly dị. Tôi sẽ tự nuôi con, không cần các người cấp dưỡng. Các người đừng bao giờ xuất hiện trước mặt mẹ con tôi nữa".

Suốt đêm đó Hân không sao chợp mắt được. Vỗ cho con ngủ say, Hân tựa cửa đứng bất động nhìn ra khoảng sân dát ánh trăng vàng óng ánh và lô xô gió mà lòng ngổn ngang biết bao xúc cảm: căm giận, hụt hẫng, đau đớn, tủi thân và cả lo lắng cho những tháng ngày dài đằng đẵng tràn ngập khó khăn sắp tới. Hân cứ mãi đắm chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn đến khi cơn gió bất chợt tạt vào mặt lạnh ngắt, cô mới nhận ra khuôn mặt mình đang đầm đìa nước mắt. Hân rùng mình vì cái lạnh bên ngoài tràn vào qua khung cửa nhỏ và vì cái lạnh của lòng người trong chính căn nhà mà cô ngỡ mãi mãi êm đềm ấm áp. Đêm nay gió nhiều, nhiều quá!

Hân dẫn con ra đi với hai bàn tay trắng. Thương mở rộng vòng tay đón hai mẹ con Hân. Một tuần sau đó Hân làm thủ tục đổi tên cho con, với cái tên Minh Đăng, Hân muốn con sẽ là ngọn đèn sáng soi đường cho hai mẹ con suốt quãng đường đời đầy chông chênh và khó khăn phía trước.

Hân xin dạy môn văn ở một trường quốc tế gần nhà. Một lần xem truyền hình thấy giới thiệu về một trung tâm thành công trong việc can thiệp và đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, Hân như tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời hai mẹ con cô.

Ngày đầu tiên Hân dẫn con đến trường, Đăng cứ nắm mãi tay mẹ không muốn rời. Hân cũng không nỡ buông tay con. Hai mẹ con cứ quyến luyến nhau đến khi cô giáo nắm tay Đăng kéo vào trong trường. Hân nhìn theo con mà ứa nước mắt. Cả ngày hôm đó Hân không sao tập trung làm gì được. Chiều cô đến trường đón con thật sớm. Nhìn Đăng quần áo lấm lem, mặt mày ngơ ngác, Hân hỏi cô giáo: "Hôm nay bé có ngoan không cô?". "Nó không chịu ngồi yên và không nghe lời, nhưng chị đừng lo, rồi nó sẽ phải răm rắp nghe theo thôi". Cô ta nhếch mép cười, nhưng không hiểu sao lời an ủi ấy lại làm Hân bất an.

Suốt chặng đường về nhà, Đăng gần như câm lặng. Ăn cơm xong, Đăng ngủ. Chắc hẳn con đã trải qua một ngày rất mệt mỏi. Nghĩ đến đó, Hân lại thấy quặn lòng. Ngày hôm sau đến trường, Đăng càng bám tay Hân chặt hơn. Hân dứt tay con ra mà lòng như xát muối. Chiều về, thấy con có vẻ hoang mang và hoảng loạn hơn hôm trước. Học được một tuần, Đăng mất khả năng kiểm soát bản thân, thường xuyên kích động đập đầu vào tường. Mỗi lần như thế Hân vừa đưa người chịu trận vừa ôm con xoa dịu mà nước mắt cứ tuôn. Hân bàn với Thương tìm trường khác cho Đăng. Tạm thời cả hai sẽ thay nhau trông con.

Sau một thời gian vẫn không tìm được trường cho con, Hân đánh liều xin cho con vào trường Hân đang dạy. Thầy Greg, hiệu trưởng, sau khi nghe trình bày hoàn cảnh, nói sẽ hỏi ý kiến hội đồng quản trị và thuyết phục để bé được nhận vào học. Một tuần sau Đăng bắt đầu buổi học đầu tiên.

Ngôi trường đã mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời của hai mẹ con Hân. Hằng ngày hai mẹ con cùng nhau đến trường, cùng học, cùng chơi, cùng buồn, cùng vui, cùng tiến bộ. Những lúc trống tiết, Hân xin vào ngồi học cùng con. Mọi người trong trường đều hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mẹ con cô nên ai cũng vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ. Hân xúc động đón nhận tình yêu thương của mọi người dành cho mẹ con cô với lòng biết ơn vô hạn.

Đăng thích học vẽ. "Cậu bé có năng khiếu và vẽ khá đẹp", Tú, giáo viên dạy môn mỹ thuật, nhận xét. Tú là giáo viên dạy bán thời gian, còn công việc chính của anh là kiến trúc sư.

Thi thoảng Đăng vẫn lên cơn kích động. Mỗi lần như vậy Đăng không ngừng đập đầu vào tường. Hân ôm lấy con, đưa thân mình ngăn những cú va mạnh của con, tay không ngừng xoa nhẹ lưng con. Những lúc vui thích quá độ thằng bé ôm Hân mà cắn. Đó là cách con bày tỏ tình thương với Hân nhưng nó để lại những vết răng rướm máu trên tay cô. Có lần Tú tình cờ thấy được. Anh đứng lặng trước phản ứng của người mẹ trẻ mà lòng dâng lên một niềm thương cảm mãnh liệt. Cũng từ đó anh chăm chút, quan tâm đến Đăng nhiều hơn. Anh chuyện trò với thằng bé qua sắc màu của những bức tranh. Thế giới đầy màu sắc đó kéo anh và Đăng gần lại. Chỉ cần thoáng thấy anh trong sân trường là Đăng reo lên và vui mừng chạy đến nắm tay anh. Mỗi lần đôi bàn tay nhỏ bé xinh xinh ấy chạm vào tay mình, Tú thấy vô cùng xúc động. Và những lần như thế anh bắt gặp ánh mắt biết ơn của Hân dành cho anh. Ánh mắt ấy chứa chan niềm hạnh phúc khi thấy con mình được người khác yêu thương, giúp đỡ. Thi thoảng Tú mượn cớ trao đổi việc học của Đăng để gặp và trò chuyện với Hân. Lần đầu còn ngượng ngùng xa lạ. Dần dần những câu chuyện về Đăng kéo họ xích lại gần nhau hơn. Khoảng cách vô hình giữa họ cũng dần thu hẹp lại. Tú đã bước vào cuộc sống của hai mẹ con Hân tự nhiên như một định mệnh.

Làm mẹ đơn thân đã vất vả huống hồ đó lại là một đứa trẻ khiếm khuyết, không phải việc này là quá sức với một người mẹ trẻ hay sao? Mỗi lần nhìn Hân ôm con trào nước mắt là Tú lại thấy xót xa thương cảm. Anh muốn làm gì đó cho mẹ con Hân. Tú lên mạng tìm hiểu và đăng ký tham gia các khóa huấn luyện giúp can thiệp trẻ bị tự kỷ. Anh cùng Hân và Thương chia thời gian tham gia các khóa học, tham dự các buổi hội thảo… rồi cùng thảo luận tìm ra phương pháp phù hợp áp dụng vào việc dạy Đăng. Đăng cũng vì thế mà có những tiến bộ rõ rệt. Từ một cậu bé dễ bị kích động, Đăng dần trở nên ngoan ngoãn, nghe lời, biết cách kiềm chế cảm xúc của mình khi tức giận cũng như khi bày tỏ tình yêu thương.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, mới đó đã năm năm. Hôm nay là lễ tốt nghiệp cấp 1 của Đăng. Cậu bé được thầy hiệu trưởng chọn làm người phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ. Nhìn con xúng xính trong bộ lễ phục, nghe những lời phát biểu của con tuy phát âm chưa tròn chữ, Hân không nén nổi sự xúc động. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ trào ra. Tiếng vỗ tay vang dội khi Đăng kết thúc bài phát biểu. Mắt Hân nhòe đi như cái ngày cô nghe tin con mình bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, nhưng màn nước trắng xóa trước mặt Hân hôm nay mang sắc màu của cầu vồng. Một chiếc cầu vồng bảy sắc lấp lánh vắt ngang nền trời xanh… 

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Cầu vồng sau cơn giông - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trần Thiên Phượng (TP.HCM) - Ảnh 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.