Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

TS Trần Thị Kim Ninh
(Học viện Chính trị khu vực II)
29/02/2024 08:26 GMT+7

Một trong những điều kiện tiên quyết nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Cuốn sách Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chọn lọc các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện những tư tưởng, quan điểm và định hướng quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược và toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, nhằm triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Nội dung cuốn sách cho thấy tinh thần trách nhiệm, tư tưởng sâu sắc và cái nhìn rất sát thực tiễn của Tổng Bí thư đối với từng ngành, từng vùng, đồng thời thể hiện quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển, sức mạnh đoàn kết của cả nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trách nhiệm của đảng viên, cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Đại hội XIII ngày 1.2.2021

TTXVN

TRÁCH NHIỆM LÀ MỘT GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Qua hơn nửa thời gian của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn. Một số khó khăn và thách thức cụ thể bao gồm: (1) Chậm phê duyệt các quy hoạch, chậm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. (2) Hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công. (3) Bất cập trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Trong khi đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, một trong những điều kiện tiên quyết nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Trách nhiệm không đơn giản là điều phải làm, phải gánh vác hoặc là phải nhận lấy về mình mà cao hơn, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là một giá trị văn hóa, được gọi là văn hóa trách nhiệm, văn hóa bổn phận. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được coi là văn hóa vì nó phản ánh những giá trị chân, thiện, mỹ của văn hóa dân tộc và giai cấp công nhân. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định nhất quán sứ mệnh và lý tưởng của mình: Đảng là đại diện cho lợi ích, lý tưởng của giai cấp công nhân và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phản ánh giá trị văn hóa dân tộc thể hiện ở tư cách phẩm chất đạo đức, phương pháp làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên không chỉ phản ánh bản chất giai cấp công nhân mà còn phản ánh văn hóa dân tộc và đạo đức của họ. Vì vậy, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên không chỉ là một yêu cầu trong công việc mà còn là một giá trị văn hóa quan trọng.

Trong thực thi nhiệm vụ được giao, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cần được cụ thể hóa như sau:

Khi được giao bất cứ một công việc gì, dù to hay nhỏ, khó hay dễ, cán bộ, đảng viên phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện một cách tự giác. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần tích cực nghiên cứu, tìm ra những phương thức khả thi trong xử lý công việc được giao. Giá trị của người cán bộ là ở hiệu quả công việc của mình trong mối quan hệ với nhân dân, đồng nghiệp, cấp dưới. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và thế giới, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao sức mạnh của đạo đức, trí tuệ. Phải thuyết phục, chinh phục quần chúng nhân dân bằng chính trí tuệ và tấm gương đạo đức của mình, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: "Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân" (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.165).

Thậm chí, từ thực tiễn sinh động, ở từng vị trí công tác và chức trách nhiệm vụ được giao, cán bộ, đảng viên tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các quy định, yêu cầu về tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.

RÕ NGƯỜI, RÕ VIỆC, RÕ TIẾN ĐỘ, RÕ TRÁCH NHIỆM, RÕ KẾT QUẢ

Cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ; phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám gánh vác trách nhiệm, toàn tâm, toàn trí, dốc lòng, dốc sức, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt đối với người đứng đầu, cần phải quyết liệt hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Hiệu quả công việc trong thực tiễn phải rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả. Đây cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, đầy biến động. Bởi văn hóa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tạo nên nhiều giá trị quan trọng như: Xây dựng văn hóa Đảng, bao gồm trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tạo nền tảng cho việc xây dựng Đảng về mọi mặt. Đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt ở người lãnh đạo đứng đầu còn tạo ra môi trường làm việc tích cực, nơi mọi người cùng nhau nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc. Văn hóa trách nhiệm tạo ra tấm gương sống: mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, thay vì thụ động chờ đợi hướng dẫn, chỉ đạo, phải chủ động, tự giác thực hành bằng những hành động, việc làm trong công tác và đời sống hằng ngày, trong ứng xử với chính mình, với công việc và với tập thể cơ quan, đơn vị. Văn hóa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhằm khắc phục, phòng, chống bệnh xa rời thực tiễn, bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm, bệnh quan liêu, độc đoán.

Ðại hội XIII đề ra mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2021 - 2025, cho những năm tiếp theo và đến giữa thế kỷ 21. Đây là một điểm nhấn mới, nổi bật trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ðiều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng trong việc xác định mục tiêu phát triển đất nước. Đặc biệt tầm nhìn chiến lược đó gắn với các mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Năm 2025, năm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm 2030 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Trước đòi hỏi mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, phát huy dân chủ, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, uy tín, có năng lực công tác, tư duy đổi mới, sáng tạo; gắn bó mật thiết với Nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những thành tựu này, Đại hội XIII đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu tiếp theo của Đảng và Nhân dân Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.