Giữ lời thề thiêng liêng trước Đảng

Cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì còn nói được ai?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/10/2023 07:20 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao, càng phải tiên phong, gương mẫu: 'Các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì còn nói được ai?'.

"Giữ trọn lời thề đảng"

Đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận phát động đợt sinh hoạt chính trị "Giữ trọn lời thề đảng viên" sau một "cơn bão" lớn: Một năm trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận 2 nhiệm kỳ từ 2010 - 2020 bị Bộ Chính trị kỷ luật. Hai nguyên bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh trong thời kỳ này cũng bị kỷ luật từ mức khiển trách tới khai trừ Đảng. Một cựu chủ tịch và hai cựu phó chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều cán bộ, cựu cán bộ tỉnh này sau đó đã phải hầu tòa trong các vụ án khác nhau.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An (nhiệm kỳ 2021 - 2026) nói, sau khi xảy ra một số vụ án, vụ việc có cán bộ đảng viên là lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam và bị xử lý kỷ luật, tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy né tránh trách nhiệm nổi lên. Hiện tượng này không chỉ ở địa phương mà cả ở T.Ư, từ khu vực công tới khu vực tư. Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã nêu thực trạng nhiều cán bộ, đảng viên xuất hiện tư tưởng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong cán bộ trở thành vấn đề đáng báo động, được đề cập trong những văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước, yêu cầu phải chấn chỉnh.

Theo ông An, thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, làm chậm trễ công việc, gây bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là lực cản quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

"Văn bản tham mưu dù đúng rồi, vẫn ghi thêm một ý để che chắn, phòng thủ cho mình. Điều này không thể hiện bản chất của người cộng sản, bản chất của đảng viên và một người cán bộ lãnh đạo. Thấy đúng phải làm, và phải bảo vệ cái đúng, không thể đẩy "viên đạn" cho người khác được", ông An nói.

Từ thực trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định phát động đợt sinh hoạt chính trị "Giữ trọn lời thề đảng viên" như một dịp để tất cả đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo tự soi rọi lại lời tuyên thệ, lời hứa của mình khi được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Đợt sinh hoạt chính trị "Giữ trọn lời thề đảng viên" được nhiều cán bộ, đảng viên tại Bình Thuận đánh giá đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy né tránh trong giải quyết công việc đã có phần được cải thiện. Có đảng viên chia sẻ rằng, mình như được "đánh thức" những lời thề, lời hứa vốn bị những sự việc hằng ngày vô tình làm cho phai mất…

"Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cấp ủy các cấp cần tiếp tục tổ chức sinh hoạt "Giữ trọn lời thề đảng viên", không dừng lại ở một đợt sinh hoạt mà duy trì trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, hằng ngày của từng cán bộ, đảng viên. Mỗi ngày tự soi rọi lại những lời đã tuyên thệ trước cờ Đảng sẽ giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có thêm động lực mới để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có thêm "đề kháng" để vượt qua những cám dỗ tầm thường, để luôn tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng là một đảng viên Đảng Cộng sản VN", ông An cho hay.

Cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì còn nói được ai ?  - Ảnh 1.

Buổi sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An

Thu Hà

Phải tự soi, tự sửa mỗi ngày

Để tự soi, tự sửa trở thành việc thường xuyên như "đánh răng, rửa mặt" hằng ngày của mỗi đảng viên, để mỗi đảng viên có thêm đề kháng vượt qua những cám dỗ của quyền lực và vật chất như cách làm của Bình Thuận rõ ràng là một cách làm cần được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết cán bộ, đảng viên vi phạm do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân nên đã tự đánh mất mình, đánh mất khí chất của người đảng viên cộng sản.

Tại hội nghị quán triệt nghị quyết T.Ư 5 khóa XIII về nâng cao chất lượng đảng viên trong tình hình mới, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai nói: Khi một người vào Đảng mà động cơ không trong sáng thì khó có thể tin tưởng người đó sẽ trong sáng, đúng đắn được. Đảng viên không đủ tư cách sẽ làm cho Đảng ngày càng yếu đi. "Đảng mong muốn một người đi với Đảng suốt đời, một người được đề bạt, bổ nhiệm thì phải tiếp tục phát triển. Rất tiếc, mình có một bộ phận giữa đường gãy cánh, mà gãy cánh nặng chứ không phải nhẹ. Đó là điều rất là buồn", bà Mai nói.

Theo TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan T.Ư, nguyên nhân sâu xa khiến một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao bị xử lý kỷ luật, truy tố thời gian qua là do chủ nghĩa cá nhân chi phối. "Họ không vượt lên được cái cám dỗ của đồng tiền, của lợi ích vật chất. Họ nói không đi đôi với làm. Rất nhiều người nói thì rất đúng chủ trương, đường lối của Đảng, nhưng khi họ làm thì lại vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích gia đình, vì lợi ích nhóm", ông Phúc phân tích.

Dẫn ngay trường hợp của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, ông Phúc cho rằng, giữa lúc đại dịch bùng phát, cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân, thì với tư cách là một ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế lẽ ra phải dành toàn tâm, toàn ý cho việc chống dịch thì Nguyễn Thanh Long vẫn dùng quyền lực của mình để chỉ đạo, tạo điều kiện cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước, nâng khống giá thành kit xét nghiệm và bán cho khắp cả nước, để đổi lấy hàng triệu USD tiền hối lộ. Tệ hơn, khi đứng trước Quốc hội, Nguyễn Thanh Long vẫn khẳng định về sứ mệnh chống dịch, vẫn nói đau xót khi cán bộ ngành y vướng vòng lao lý, thậm chí vẫn rành rọt báo cáo và lên án sự trục lợi của Công ty Việt Á mà ông ta "chống lưng".

"Rõ ràng Nguyễn Thanh Long đã bị đồng tiền chi phối. Không còn xứng đáng bản chất của một đảng viên bình thường chứ đừng nói gì tới tư cách của một ủy viên T.Ư Đảng, một Bí thư Ban cán sự đảng một bộ làm công việc cứu người như Bộ Y tế", ông Phúc thẳng thắn.

Ông Phúc đặt vấn đề: Đảng viên khi vào Đảng không chỉ phải trải qua giai đoạn rèn luyện, phấn đấu, không chỉ phải thề trước Đảng. Ban Chấp hành T.Ư Đảng cũng đã ban hành rất nhiều quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên cấp cao. Rất nhiều nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định quyết tâm kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng vì sao vẫn có những cán bộ đảng viên không thực hiện, không làm theo. Vì sao số cán bộ đảng viên vi phạm, bị xử lý ngày một nhiều hơn?

Dù vậy, ông Phúc thừa nhận, các quy định dù rất nhiều, song dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn những kẽ hở để những cán bộ suy thoái lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. "Tức là chúng ta vẫn chưa có cơ chế, chế tài đủ mạnh để kiểm soát quyền lực, kiểm soát hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất", ông Phúc nói và dẫn chứng công tác cán bộ thực hiện rất nhiều vòng, nhiều khâu song vẫn để lọt cán bộ với những vi phạm từ nhiều nhiệm kỳ trước, thậm chí kê khai tài sản gian dối như ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre mới đây.

"Tới nay mới hơn nửa nhiệm kỳ nhưng đã có tới 11 ủy viên T.Ư đương chức bị kỷ luật hoặc thôi chức, sắp tới vẫn còn nữa. Điều đó làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng ta. Chúng ta nói đúng quy trình nhưng chọn không đúng cán bộ. Và tôi nói thật, cán bộ, đảng viên, nhân dân giờ rất lo lắng cho nhân sự T.Ư Đảng khóa XIV sắp tới, cũng như ban chấp hành của các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong nhiệm kỳ tới", ông Phúc thẳng thắn. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.