Trở về nhà sau 33 năm được công nhận liệt sĩ: Nhờ trúng số nên có tiền tìm về quê

01/03/2018 06:57 GMT+7

Sau khi trúng 2 tờ vé số vào chiều 30 tết, ông Trương Văn Chóng (58 tuổi) tìm về ấp Định Hòa B, xã Định Môn (TP.Cần Thơ) rạng sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018, đoàn tụ với gia đình sau 33 năm làm “liệt sĩ”.

Ngày 27.2, PV Thanh Niên đã đến ấp 2, xã Suối Dây, H.Tân Châu (Tây Ninh), nơi cũng xôn xao không kém bởi “liệt sĩ” Chóng đã sống tại đây cùng vợ con suốt 8 năm qua với cái tên Nguyễn Văn Tâm.
Trùng họ nên phải đổi
Ông Bùi Ngọc Thấn, Bí thư ấp 2, xã Suối Dây (H.Tân Châu), cho hay: “Sau khi có thông tin về liệt sĩ Chóng sống ở ấp 2, tôi rà soát hết những hộ Việt kiều mang họ Trương nhưng không có ai tên Trương Văn Chóng. Qua rà soát, chỉ có ông Nguyễn Văn Tâm (61 tuổi) đi về quê nên tôi tìm đến nhà hỏi bà Trương Thị Tánh (60 tuổi, vợ ông Tâm) thì mới hay ông Tâm vừa về Cần Thơ và đã tìm được gia đình. Qua hình ảnh trên báo chí thì ông Chóng chính là ông Tâm, người trở về nhà sau 33 năm được công nhận liệt sĩ”.
Theo ông Thấn, gia đình ông Tâm là hộ Việt kiều Campuchia về nước diện di cư tự do vào năm 2010. Gia đình ông có giấy CMND và sổ hộ khẩu do Vương quốc Campuchia cấp vào năm 1999. Theo bản dịch của Sở Tư pháp, tên đầy đủ của ông Tâm là Nguyễn Văn Tâm.
Trong khi đó, bà Trương Thị Tánh kể: “Khoảng 33 năm trước, tôi gặp ổng ở Biển Hồ (Campuchia). Lúc đó chỉ biết tên Tâm, thấy ổng bị thương nên cưu mang rồi nên nghĩa vợ chồng, có 3 mặt con. Khoảng năm 2010, vợ chồng tôi được người chú ruột (cũng là Việt kiều Campuchia hồi hương - PV) hướng dẫn nên cả gia đình dắt nhau về xã Suối Dây sống bằng nghề phơi xác mì”. Vì sao ông Tâm lại mang họ Nguyễn, bà Tánh giải thích: “Hồi đó đi làm giấy tờ ở Campuchia, ổng nhớ mang máng mình họ Trương nhưng thấy trùng họ với tôi nên kêu đổi thành họ Nguyễn”.
Trở về nhà sau 33 năm được công nhận liệt sĩ: Nhờ trúng số nên có tiền tìm về quê 1
Giấy tờ liên quan nhân thân “liệt sĩ” Chóng Ảnh: Giang Phương
Với những thay đổi này cộng với giấy tờ hộ tịch trong gia đình ông Tâm đang được gửi cho cơ quan chức năng (xác nhận quốc tịch VN), ông Hà Huy Châu, Phó chủ tịch UBND xã Suối Dây, nói: “Trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ gia đình về các thủ tục liên quan để ổn định cuộc sống. Còn việc cải chính hộ tịch ra sao thì phải chờ các cơ quan có thẩm quyền cấp trên giải quyết”.
Theo bà Tánh, từ ngày lấy nhau, ông Tâm lúc nhớ lúc quên, nhất là sau 2 lần bị tai biến. “Khoảng 7 năm trước, ổng từng nói với tôi là còn nhớ gia đình ở Cần Thơ. Tuy nhiên, do cuộc sống gia đình khó khăn nên không có tiền đi tìm kiếm”, bà Tánh nói và kể tiếp: “Gần tết năm rồi, ổng lại nhắc về gia đình lần nữa, tôi với mấy đứa nhỏ cũng động viên. Ổng nói thôi ráng dành dụm thời gian nữa, khi có nhiều tiền sẽ về quê tìm người thân. Rồi trời thương thế nào mà 30 tết ổng trúng được 2 tờ vé số (6 triệu đồng/tờ) nên quyết định đi Cần Thơ”.
Thấy chồng muốn đi tìm lại dòng họ, cả nhà lo lắng bởi trong người ông Tâm không có mảnh giấy lận lưng, chỉ biết nhà ở Định Môn (Cần Thơ). Bà Tánh kể: “Tôi lo lỡ không tìm được người thân sẽ không thể mướn được chỗ trọ để ngủ. Nhưng thấy ổng quyết tâm, mấy đứa con dặn cứ đi đến đâu đều phải gọi điện thoại về nhà”. Sau khi về Cần Thơ vào chiều mùng 4, đến rạng sáng mùng 5 tết, ông gọi về nhà nói đã tìm được gia đình. Ban đầu vợ con chưa dám tin nhưng đến lúc ông gọi điện cho mấy đứa con coi hình ổng trên bàn thờ thì cả nhà mới vỡ òa. “Thấy ổng tìm được họ hàng, mẹ ruột, anh chị em ruột mà tôi mừng rơi nước mắt. Tâm nguyện của ông bao nhiêu năm coi như đã thành rồi”, bà Tánh rưng rưng nói.
Như Thanh Niên đã thông tin, năm 1983, ông Trương Văn Chóng nhập ngũ, tham gia chiến trường tại Campuchia, để lại người vợ và đứa con vừa tròn 3 tuổi ở Cần Thơ. Đến năm 1985, gia đình nhận được giấy báo tử nên lập bàn thờ cúng giỗ ông hằng năm. Đến năm 1993 mẹ ông Chóng là bà Huỳnh Thị Nía (nay 87 tuổi) nhận được bằng Tổ quốc ghi công, công nhận con mình là liệt sĩ từ đó đến nay được 33 năm.
Chiều 28.2, trao đổi qua điện thoại, ông Tâm cho biết do mới đoàn tụ gia đình sau hàng chục năm nên dự kiến sẽ ở lại chơi với người thân thêm một thời gian nữa. Sau đó ông sẽ về lại Tây Ninh sinh sống. Ông nói: “Sẽ dành dụm tiền để đưa hết vợ con về Cần Thơ để gặp thăm hỏi bà nội tụi nhỏ ít nhất một lần”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.