Hủy họp thượng đỉnh, quan hệ Mỹ - Triều Tiên có quay lại thời khủng hoảng?

25/05/2018 12:07 GMT+7

Lãnh đạo Kim có thể tạm thời tránh “gây hấn quá mức” vì muốn tiếp tục cải thiện quan hệ với Hàn Quốc nhằm gây chia rẽ mối quan hệ đồng minh Washington-Seoul

Giới chuyên gia e ngại quan hệ Mỹ-Triều Tiên sẽ quay trở về tình trạng khủng hoảng với nguy cơ căng thẳng leo thang dẫn đến chiến tranh sau khi Tổng thống Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Các nhà quan sát dự đoán CHDCND Triều Tiên có thể tiếp tục thử các loại tên lửa từ tầm ngắn, tầm trung cho đến tên lửa đạn đạo liên lục địa, và gia tăng hoạt động tấn công mạng nhắm vào quân đội, chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, Mỹ có thể tiếp tục áp đặt biện trừng phạt mạnh mẽ hơn, triển khai thêm vũ khí, máy bay quân sự và tàu chiến đến Hàn Quốc đe dọa Triều Tiên, theo Reuters.
Nguy cơ chiến tranh
Trong bức thư gửi cho lãnh đạo Kim công bố vào ngày 24.5, Tổng thống Trump tuyên bố hủy thượng đỉnh và cảnh báo: “Ông từng đề cập về sức mạnh hạt nhân, nhưng các loại vũ khí hạt nhân của chúng tôi lớn và mạnh mẽ đến nỗi tôi phải cầu Chúa chúng sẽ không được sử dụng”. Trong buổi họp báo sau đó tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và quân đội Mỹ sẵn sàng đối phó trước những hành động “liều lĩnh” từ Triều Tiên.
“Quân đội chúng tôi hùng mạnh nhất thế giới. Chúng tôi sẵn sàng đối phó bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên”, CNN dẫn lời ông Trump nói. Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, đồng thời bày tỏ kỳ vọng lãnh đạo Kim sẽ “làm những điều đúng đắn nhất cho nhân dân Triều Tiên”.
Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết việc Triều Tiên lên án Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là giọt nước làm tràn ly dẫn đến hủy thượng đỉnh. Trước đó, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã cảnh báo về một “cuộc quyết chiến hạt nhân đấu hạt nhân" và gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là "con rối chính trị".
“Những động thái trên có nguy cơ đẩy Mỹ-Triều Tiên vào con đường xung đột”, ông Ned Price, cựu quan chức Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), nhận định. Tuy nhiên, các chuyên gia khác có quan điểm thận trọng hơn. “Hiện còn quá sớm để có thể kết luận chiến tranh sẽ bùng nổ sau diễn biến này”, chuyên gia Bruce Klingner thuộc tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation, cho biết.
Bán đảo Triều Tiên từng âm ỉ nguy cơ chiến tranh trong năm 2017 và đầu năm 2018, khi Washington và Bình Nhưỡng không ngừng đấu khẩu. Thâm chí trong bài phát biểu năm mới 2018, lãnh đạo Kim khoe kho tên lửa có thể tấn công bất kỳ thành phố nào ở Mỹ, cảnh báo “nút hạt nhân” nằm sẵn trên bàn làm việc. Đáp trả, Tổng thống Trump bảo nút hạt nhân của ông “to hơn và uy lực hơn”. Căng thẳng hạ nhiệt trong vài tháng gần đây nhưng lại tiếp tục leo thang hồi tuần rồi.
Triều Tiên sẽ trả đũa như thế nào?
Ngay trước khi ông Trump tuyên bố hủy thượng đỉnh, Triều Tiên trong cùng ngày 24.5 đã phá hủy khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế.
Người dân Hàn Quốc theo dõi truyền hình trực tiếp lễ phá hủy khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri tại một nhà ga ở thủ đô Seoul Reuters
Một số chuyên gia hoài nghi cho rằng khu Punggye-ri đã được sử dụng hết công năng, đến lúc phải phá hủy và Triều Tiên có thể tái xây dựng nếu cần thiết, đồng thời sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân. Phản ứng trước quyết định của ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan ngày 25.5 dù tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Mỹ, nhưng không đề cập đến chương trình vũ khí hạt nhân.
Nếu lãnh đạo Kim quyết định phản ứng mạnh mẽ hơn trước quyết định của Tổng thống Trump, ông có thể tiến hành phóng thử nghiệm hàng loạt tên lửa tầm trung và tầm ngắn vì Bình Nhưỡng từng làm điều tương tự trước khi chuyển sang biện pháp ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ gần đây, theo giới quan sát. Thậm chí, Triều Tiên có thể hành động liều lĩnh hơn nữa bằng cách khôi phục chương trình thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn tới Mỹ mà Bình Nhưỡng cam kết ngừng hồi tháng rồi.
Triều Tiên từng có nhiều bước tiến trong phát triển ICBM đến mức Tổng thống Trump vào năm 2017 phải yêu cầu Lầu Năm Góc cân nhắc lựa chọn tấn công phủ đầu vào kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
”Một khả năng khác là Triều Tiên sẽ tiến hành những đợt tấn công mạng nhắm vào cơ quan chính phủ, quân đội và doanh nghiệp Mỹ”, Priscilla Moriuchi, cựu trưởng phòng an ninh mạng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, Jeff Bader, cựu cố vấn về châu Á thời chính phủ Tổng thống Barack Obama cho rằng lãnh đạo Kim sẽ tạm thời tránh “những hành động gây hấn quá mức” vì ông muốn tiếp tục cải thiện quan hệ với Hàn Quốc nhằm gây chia rẽ quan hệ đồng minh Washington-Seoul. “Lãnh đạo Kim sẽ kiềm chế trong thời gian ngắn. Về lâu dài, tôi không chắc Triều Tiến từ bỏ hành động gây hấn”, ông Bader nói.
Về phía Mỹ, với tuyên bố của Tổng thống Trump về việc tiếp tục chiến dịch gây áp lực tối đa, Mỹ có thể tiếp tục áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa. Một khả năng khác là Mỹ sẽ tăng cường vũ khí, điều thêm chiến đấu cơ và tàu chiến đến Hàn Quốc, tiếp tục bác bỏ yêu cầu Washington-Seoul ngừng tập trận chung từ Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.