Cuộc đua chiến hạm robot

19/11/2016 14:00 GMT+7

Nga và Mỹ lại kèn cựa trên đường đua mới, và lần này là tàu quân sự có thể tự hoạt động trên biển, mang theo vũ khí trinh sát chiến thuật.

Theo báo chí Nga và Mỹ, cả hai nước này đều đang tích cực đẩy mạnh nhiều dự án phát triển loại tàu nổi không người lái (USV) công nghệ cao với mục tiêu sở hữu những khí tài đa nhiệm có khả năng phục vụ hải chiến lẫn chiến thuật đổ bộ.
Giới quan sát đánh giá tốc độ xử lý của máy tính đang tiến triển với tốc độ vũ bão, tạo điều kiện cho USV thực hiện nhiều chức năng hơn mà không cần sự can thiệp của con người cho mỗi hoạt động riêng biệt. Vì thế, sự phát triển của loại khí tài này sẽ góp phần làm thay đổi phương thức tác chiến hải quân trong tương lai.

tin liên quan

Lá chắn chủ lực mới cho chiến hạm Mỹ
Hệ thống tên lửa đánh chặn SeaRAM được kỳ vọng sẽ bảo vệ hữu hiệu tàu chiến Mỹ hoạt động tại những vùng biển nhiều nguy cơ trên thế giới.
Dự án Triton
Tờ Izvestia ngày 18.11 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố dự án mới của nhà sản xuất vũ khí hàng đầu nước này là Kalashnikov Concern, “cái nôi” của các dòng súng trường AK nổi tiếng. Cụ thể, tập đoàn đang theo đuổi chương trình phát triển lớp tàu robot không người lái mang tên Triton, đặt theo tên con trai của thần biển Poseidon trong thần thoại Hy Lạp.
Thông số kỹ thuật và thiết kế cụ thể của Triton chưa được tiết lộ nhưng Kalashnikov Concern nhấn mạnh con tàu có năng lực triển khai các sứ mệnh tác chiến chống ngầm, tấn công bằng vũ khí tự hành và rà phá thủy lôi.
Đặc biệt, Triton được kỳ vọng sẽ trở thành át chủ bài mới của hải quân Nga trong lĩnh vực trinh sát và chống ngầm nhờ được trang bị 2 loại thiết bị bay không người lái (UAV) mang tên ZALA 421-08 và ZALA 421-21. Trong tầm nhìn của các chiến lược gia tại Moscow, đội tàu Triton sẽ có thể cùng lúc tự động triển khai một đạo quân UAV dày đặc để truy tìm tàu ngầm địch hoặc xâm nhập vào đất liền.
Nhờ kích thước nhỏ gọn nhưng có tầm hoạt động rộng, sau khi cất cánh từ boong tàu Triton, ZALA 421-08 và ZALA 421-21 có thể len lỏi vào những địa hình hiểm trở nhất như khe núi đồng thời tránh thoát radar của địch để truyền thông tin hình trực tiếp về trạm tiếp sóng trên tàu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, UAV có thể tự quay về tàu. Chưa hết, các chuyên gia còn hướng tới dần trang bị thêm cho Triton các loại UAV có khả năng chiến đấu như phóng tên lửa hoặc tấn công cảm tử để có thể áp đảo đối phương bằng chiến thuật bầy đàn.
Bên cạnh đó, tàu Triton cũng sẽ được trang bị hệ thống camera, sonar và cảm biến hiện đại để dễ dàng định vị được người nhái hoặc tàu địch. Về vũ khí, trước mắt tàu chỉ mới được gắn súng máy PKT 7,62 mm nhưng trong tương lai, chắn chắn Triton sẽ được vũ trang mạnh hơn. Cũng theo thiết kế hiện nay, con tàu có thể di chuyển trên quãng đường gần 1.400 km, chưa kể 30 km nối dài nếu tính luôn tầm hoạt động của UAV.
“Mục tiêu của chúng tôi là tích hợp tàu robot và UAV thành một chỉnh thể với toàn bộ các bộ phận đều có thể tương tác với nhau. Tàu không người lái phải có khả năng tự tuần tra vùng duyên hải và tham gia tự động vào các chiến dịch mà không cần sự can thiệp của con người”, Izvestia dẫn lời Giám đốc điều hành Kalashnikov Concern Aleksey Krivoruchko tuyên bố.
UAV triển khai trên tàu Triton Ảnh: Izvestia
Sea Hunter cán mốc mới
Trong khi đó, Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc cũng đang đẩy mạnh Chương trình tàu quân sự săn ngầm tự hành (ACTUV) sau khi sản phẩm đầu tiên của dự án này là chiếc Sea Hunter đã trải qua quá trình thử nghiệm hết sức thành công.
Có tầm hoạt động lên đến 16.000 km với tốc độ tối đa 48 km/giờ, Sea Hunter sử dụng công nghệ sonar tối tân và hệ thống cảm biến TALONS có tầm hoạt động tối đa 460 m để phát hiện tàu ngầm đối phương. Một thiết bị sonar tần suất cao sẽ phát tín hiệu âm thanh dưới lòng biển, sau đó phân tích tín hiệu phản hồi để xác định quy mô, kích cỡ, tốc độ và tính chất của bất kỳ hoạt động ngầm đáng nghi nào.
Chỉ với chi phí phát triển 20 triệu USD, con tàu dài 40 m có thể tự hoạt động liên tục trong vòng 90 ngày và đang chứng tỏ năng lực trong các cuộc thử nghiệm trên những vùng biển khác nhau.
Từ thành quả Sea Hunter, theo chuyên trang Defense Systems, DARPA quyết định chi thêm 8,5 triệu USD cho nhà thầu quân sự Leidos (trụ sở tại bang Virginia) để tiếp tục triển khai chương trình ACTUV. Giám đốc Scott Littlefield của ACTUV cho hay quá trình thử nghiệm tàu robot được thiết kế để thể hiện năng lực phát hiện và bám đuôi những loại tàu ngầm chạy êm nhất thế giới hiện nay, chẳng hạn như lớp tàu ngầm Kilo được mệnh danh là “hố đen đại dương” của Nga.
Defense Systems dẫn lời Tư lệnh chiến tranh chống ngầm và thủy lôi của hải quân Mỹ Frank Drennan nhận định việc bắt được những tín hiệu nhỏ nhất của các loại tàu ngầm như Kilo ở những vùng duyên hải tấp nập chẳng khác nào “cố gắng phát hiện âm thanh phát ra từ một động cơ ô tô trong một thành phố lớn”.
Ngoài ra, cũng tương tự dự án Triton của Nga, DARPA còn hướng đến mở rộng hơn nữa tầm hoạt động của tàu chiến tự hành bằng cách tích hợp thêm thiết bị bay không người lái, để các cơ sở trên biển và trên không phối hợp tạo ra một nền tảng duy nhất.
Pháp dùng đại bàng săn UAV
AFP ngày 18.11 dẫn thông báo từ không quân Pháp cho biết lực lượng này đang triển khai chương trình huấn luyện các loại chim săn mồi, đặc biệt là đại bàng, để săn tìm và vô hiệu hóa các thiết bị bay không người lái (UAV) trong các khu đô thị. Từ năm ngoái, không quân Pháp đã mua 4 trứng đại bàng từ Áo và chờ chúng nở vào đầu năm nay để tiến hành huấn luyện.
Theo tướng không quân Jean-Christophe Zimmermann, các huấn luyện viên buộc thịt vào UAV rồi thả bay lên để các “chiến binh có cánh” tập phát hiện và dùng móng vuốt quắp chặt mục tiêu. Sau khóa huấn luyện, chúng được kỳ vọng có thể phát hiện các loại UAV cỡ nhỏ và trung bình từ khoảng cách vài ki lô mét.
Trọng Kha
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.