Tháo 'nút thắt' giải ngân đầu tư công

Mai Hà
Mai Hà
22/02/2023 06:18 GMT+7

Giải ngân đầu tư công vẫn vướng do rào cản về thủ tục, giải phóng mặt bằng; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém; người đứng đầu nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sâu sát.

"Có tiền rồi mà không làm được"

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (KT-XH) của Chính phủ sáng 21.2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết tháng 9.2022 Hà Nội mới giải ngân chưa được 50% kế hoạch. Song sau cuộc làm việc trực tiếp của Thủ tướng với thành phố, đến 31.1.2023, Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỉ đồng (87,8%). "Hiện nay một dự án thông được đầu này thì bị chặn các đầu khác, chặn về đất đai, về môi trường… Mỗi dự án chỉ cần chậm 1 - 2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này", Chủ tịch TP.Hà Nội nêu.

Tháo 'nút thắt' giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công

Ngọc Dương

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết tính đến 31.1.2023, TP.HCM giải ngân được 71,3% vốn đầu tư công năm 2022, tương đương 26.636 tỉ đồng. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có các nguyên nhân chính như thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của thành phố trong năm 2022 làm chậm. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm; giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng; thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Năm 2023, TP.HCM được phân bổ vốn 70.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm năm 2022 để có kết quả giải ngân tốt hơn trong năm nay.

Trước khó khăn của nhiều địa phương nêu ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thẳng thắn chỉ rõ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công trên thực tế đều thuộc thẩm quyền và là những vấn đề có thể giải quyết được. Thực tế không phải do không có tiền, mà "có tiền rồi mà không làm được".

Theo ông Phớc, có 2 vướng mắc chính là công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư. Ví dụ trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư, nhưng "bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được". Để gỡ "nút thắt" này, Bộ Tài chính đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc.

Giải ngân ít nhất 95% trong tổng số 711.700 tỉ đồng

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2022 đạt 93,42% kế hoạch, cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch). Trong đó, 7 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Tổng số vốn chưa phân bổ còn trên 28.600 tỉ đồng. Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất còn chậm, mới đạt 0,2%. Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư hơn 2.800 tỉ đồng. Đáng chú ý, còn 14.151 tỉ đồng kế hoạch vốn trong Chương trình chưa phân bổ, cần khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch trước ngày 31.3.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711.700 tỉ đồng, tăng hơn 130.000 tỉ đồng so với năm 2022; mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95%.

Thủ tướng yêu cầu phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công. Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022 trong quý 1/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%...

Sớm hoàn thiện hồ sơ thẩm định đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chiều 21.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Hiện ngành giao thông có 21 dự án lớn với khoảng 70 dự án thành phần. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện, hướng dẫn các địa phương, bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ thẩm định về các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đối với nhóm dự án đã được phê duyệt (như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu), các địa phương khẩn trương giải GPMB, từ nay đến 30.6 phải khởi công. Nhắc nhở dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa đạt các yêu cầu tiến độ, Thủ tướng chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư (Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT. Các đơn vị này phải chịu trách nhiệm tập trung khắc phục, bù đắp lại thời gian đã trôi qua và tiến độ bị chậm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.