Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Tăng hệ số K giúp giá đất tiệm cận thị trường

08/12/2022 15:42 GMT+7

TP.HCM tăng hệ số K thêm 1 lần sau 3 năm giữ nguyên, Chủ tịch Phan Văn Mãi giải thích việc điều chỉnh sẽ giúp giá đất tiệm cận giá thị trường, và tránh sốc cho thị trường khi tăng vào thời điểm khác.

Chiều 8.12, kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM bước vào phần chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Trước khi các đại biểu chất vấn, ông Phan Văn Mãi nêu "điểm sáng" và "điểm xám" trong bức tranh kinh tế xã hội năm 2022.

Cụ thể, "điểm sáng" bao trùm là kết quả phục hồi kinh tế xã hội đạt cao hơn dự kiến, thể hiện qua việc kiểm soát dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 9,02%, thu ngân sách ước vượt trên 18% (đạt 457.000 tỉ đồng)…

“Điểm xám” là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến những tồn đọng lớn, nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nguồn lực phát triển chưa thông suốt.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo khái quát bức tranh kinh tế xã hội năm 2022 với các đại biểu HĐND TP.HCM, chiều 8.12

sỹ đông

Chưa kể, từ đầu quý 4/2022, tình hình tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất nhiều biến động; nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính tái xuất hiện, làm đình trệ công việc.

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM tập trung để giải ngân đầu tư công đạt trên 80%; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khả năng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt; triển khai kế hoạch bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội, sẵn sàng các kịch bản “quản trị rủi ro”.

Về kế hoạch năm 2023, Chủ tịch Phan Văn Mãi dự báo sức ép lạm phát rất lớn, tỷ giá và lãi suất tăng, giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh; thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng. Trong năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%.

Hệ số K tăng 1 lần

Tại kỳ họp cuối năm, UBND TP.HCM xin ý kiến của HĐND TP.HCM về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn thành phố tăng 1 lần so với năm 2022. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết việc điều chỉnh này giúp giá đất từng bước tiệm cận giá thị trường. TP.HCM đã giữ nguyên trong 3 năm, nếu năm 2023 không điều chỉnh thì năm sau cũng phải điều chỉnh với mức cao hơn, khi đó sẽ gây sốc thị trường.

TP.HCM dự kiến tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 thêm 1 lần

nguyên vũ

Về mức điều chỉnh cụ thể, nhóm 1 áp dụng cho trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải đất ở sang đất ở đối với diện tích đất ở vượt hạn mức. UBND TP.HCM đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất là 2,5 lần.

Nhóm 2 áp dụng đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, TP.HCM chia làm 5 khu vực. Đối với mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ dự kiến có hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất là 3,5 lần, thấp nhất là 2,7 lần. Đối với mục đích sản xuất kinh doanh có hệ số cao nhất là 2,7 lần, thấp nhất là 2,5 lần.

Nhóm 3 áp dụng đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, hoặc cho thuê đất nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì tương tự như nhóm 2, chia thành 5 khu vực, hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất là 3,5 lần, thấp nhất là 2,7 lần.

UBND TP.HCM đánh giá việc tăng hệ số K năm 2023 thêm 1 lần sẽ không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức.

5 khu vực chia theo bảng giá đất ở TP.HCM

Khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận

Khu vực 2 gồm TP.Thủ Đức và các quận: 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú.

Khu vực 3 gồm các quận: 8, 12 và Bình Tân

Khu vực 4 gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè

Khu vực 5 là H.Cần Giờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.