Tại sao một bức tranh tường ở Ấn Độ lại khiến các nước láng giềng giận dữ?

15/06/2023 14:27 GMT+7

Một bức tranh tường bên trong tòa nhà quốc hội mới trị giá 110 triệu USD của Ấn Độ đã gây ra phẫn nộ tại các nước láng giềng Nam Á. Pakistan, Nepal và Bangladesh yêu cầu lời giải thích từ New Delhi.

Tại sao một bức tranh tường ở Ấn Độ lại khiến các nước láng giềng giận dữ? - Ảnh 1.

Tòa nhà quốc hội mới ở New Delhi, Ấn Độ

HINDUSTAN TIMES

Toàn bộ bức tranh tường là một tấm bản đồ về Ấn Độ từ thời xa xưa với lãnh thổ vươn ra khỏi biên giới nước này ngày nay, bao gồm các vùng đất hiện thuộc Pakistan ở phía bắc cũng như BangladeshNepal ở phía đông, theo tường thuật của CNN.

Phát biểu với các phóng viên hồi đầu tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết bức tranh khắc họa Đế chế Ashoka cổ đại và tượng trưng cho "ý tưởng về quản trị có trách nhiệm và hướng tới người dân mà (vua Ashoka) đã thực hiện và truyền bá".

Hải quân Ấn Độ phô diễn loại năng lực Trung Quốc chưa làm được

Song đối với một số chính trị gia từ đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền ở Ấn Độ, bức tranh dường như thể hiện tầm nhìn về tương lai. Tầm nhìn đó là "Akhand Bharat", tức một "Ấn Độ không bị chia cắt" với lãnh thổ là sự hợp nhất giữa Ấn Độ ngày nay với Afghanistan, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Myanmar.

"Quyết tâm rất rõ ràng. Akhand Bharat", Bộ trưởng Nghị viện Sự vụ Pralhad Joshi viết trên Twitter, đăng kèm ảnh chụp tấm bản đồ. "Akhand Bharat trong (tòa nhà) quốc hội mới. Nó đại diện cho đất nước Ấn Độ hùng mạnh và tự lực của chúng ta", nhà lập pháp Manoj Kotak của BJP viết trên Twitter.

Tại sao một bức tranh tường ở Ấn Độ lại khiến các nước láng giềng giận dữ? - Ảnh 2.

Bức tranh tường gây tranh cãi tại tòa nhà quốc hội mới của Ấn Độ

TWITTER/@JOSHIPRALHAD

Đối với các nước láng giềng của Ấn Độ, "Akhand Bharat" là một khái niệm tân đế quốc có tính kích động, từ lâu đã gắn liền với Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một tổ chức cánh hữu có ảnh hưởng lớn đến BJP. RSS tin vào "Hindutva", hệ tư tưởng cho rằng Ấn Độ nên trở thành "mái nhà của những người theo đạo Hindu".

Đầu tháng này, Pakistan cho biết họ "bàng hoàng trước những tuyên bố" về bức tranh tường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Islamabad, Mumtaz Zahra Baloch, cho biết: "Việc khẳng định một cách vô cớ về 'Akhand Bharat' là biểu hiện của tư duy xét lại và chủ nghĩa bành trướng đang tìm cách khuất phục bản sắc và văn hóa không chỉ của các nước xung quanh Ấn Độ mà còn của cả các nhóm tôn giáo thiểu số tại chính Ấn Độ".

Các chính trị gia Nepal cũng đã lên tiếng. "Nếu một quốc gia như Ấn Độ - tự coi mình là một quốc gia lâu đời và hùng mạnh, đồng thời là một hình mẫu của nền dân chủ - đưa các lãnh thổ của Nepal vào bản đồ của mình và treo tấm bản đồ đó ở quốc hội, thì chuyện đó không thể được gọi là công bằng", báo The Kathmandu Post dẫn lời lãnh đạo phe đối lập KP Sharma Oli.

Cựu thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai cảnh báo tấm bản đồ có thể gây ra "căng thẳng ngoại giao không cần thiết và có hại".

Và tuần trước, Bangladesh đã yêu cầu New Delhi làm rõ tình hình. "Sự tức giận đang được thể hiện từ nhiều khu vực khác nhau vì tấm bản đồ", Shahriar Alam, một quan chức phụ trách ngoại giao, cho biết.

Trước những phản ứng dữ dội, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuần trước cho biết vấn đề này đã được Ấn Độ làm rõ và đây "không phải là chuyện chính trị", theo CNN.

Trong khi Ấn Độ bác bỏ lo ngại của các nước láng giềng, các nhà phân tích cho rằng lời kêu gọi của các chính trị gia BJP qua đó thể hiện sự ủng hộ đối với "Akhand Bharat" là chuyện nguy hiểm. Họ cho rằng những lời kêu gọi như vậy khuyến khích các nhóm cực đoan và là tin xấu đối với một nền dân chủ thế tục theo hiến pháp, nơi có khoảng 80% trong 1,4 tỉ dân theo đạo Hindu và 14% theo đạo Hồi.

Bức tranh tường không phải là thứ duy nhất gây chú ý khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khai trương trụ sở mới của quốc hội vào ngày 28.5.

Bản thân buổi lễ cũng gây tranh cãi tương tự khi tràn ngập các biểu tượng Hindu giáo. Sự kiện cũng diễn ra vào ngày sinh nhật của Vinayak Damodar Savarkar, người được nhiều người coi là đã phát triển hệ tư tưởng "Hindutva" và là một trong những người đầu tiên đề xướng "Akhand Bharat". Những người chỉ trích cho rằng việc tôn vinh ngày sinh nhật của ông là sai lầm vì lập trường của ông đối với người Hồi giáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.