Sinh viên Trung Quốc rủ nhau vay tiền để 'dao kéo' mơ đổi đời

03/09/2017 15:17 GMT+7

Ngày càng nhiều sinh viên ở Trung Quốc đi vay tiền để phẫu thuật thẩm mỹ mong đổi đời, thậm chí phụ huynh còn chủ động dẫn con đến bệnh viện làm đẹp.

Nội trong mùa hè vừa qua đã có đến 300 sinh viên đến chỉnh sửa nhan sắc tại bệnh viện thẩm mỹ Hoa Mỹ Quảng Châu, một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp lớn nhất thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Trong số đó, cứ 6 sinh viên thì có 1 sinh viên vay tiền để "dao kéo", theo ông Bành Vệ Hồng - trợ lý tổng giám đốc bệnh viện.

tin liên quan

'Dao kéo' mơ đổi đời - Kỳ 2: 13 lần đau đớn để thành hot boy làng báo
Trước khi điển trai như hôm nay, 'hotboy làng báo' Hà Nhuận Nam đã phải trải qua 13 lần phẫu thuật thẩm mỹ trong đau đớn. Ở một số bạn trẻ có ngoại hình không ưa nhìn, khi sự tự tin về trí tuệ và năng lực bản thân chưa kịp định hình thì họ đã phải rất khổ sở giữa xã hội ít nhiều coi trọng vẻ bề ngoài.

Từ giữa năm 2015, các công ty tài chính đã nhắm đến nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của sinh viên nên tung ra các gói dịch vụ cho vay làm đẹp, theo China Daily.

Một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu công nghiệp Tiền Thiêm (tỉnh Quảng Đông) cho hay, các khoản vay dao động từ 10.000 đến 30.000 tệ (khoảng 1.520 USD đến 4.560 USD). 

Sự nở rộ các khoản vay làm đẹp này xuất phát từ nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Năm ngoái, thị trường làm đẹp tại nước này đạt 796,3 tỉ tệ (tương đương 120 tỉ USD), và mức tăng trưởng hàng năm là 20%.

Phòng khám y khoa thẩm mỹ Mylike Quảng Châu cho biết khách hàng từ 18 đến 24 tuổi của họ đến làm đẹp trong tháng 7 vừa qua tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và số trường hợp đồng ý làm phẫu thuật cũng tăng.
 
Một số sinh viên còn được bố mẹ đưa đến cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp. Điều đó cho thấy thái độ cởi mở của một bộ phận người dân nước này đối với vẻ đẹp nhân tạo.
 
Sinh viên thường nhờ tới dịch vụ làm đẹp để biến mắt một mí thành hai mí to tròn, xóa mụn trứng cá và tẩy lông, chỉnh răng và căng da..., theo thông tin từ phòng khám Mylike.

Phòng khám trên cũng cho biết, sinh viên chiếm 12% trong số khách hàng sử dụng dịch vụ thẩm mỹ của họ trong năm ngoái, xếp sau nhân viên văn phòng và giới người mẫu. 

Một sinh viên sau đại học ở Bắc Kinh cho biết anh đã tiêm botox hồi tháng sáu với giá 10.000 tệ. Số tiền này anh phải đi vay từ công ty tài chính Alipay. Lý do anh đi vay tiền làm đẹp là bởi ai xung quanh anh cũng nhờ tới "dao kéo" để có ngoại hình sáng sủa hơn. 

"Thấy bạn bè rủ nhau làm phẫu thuật thẩm mỹ nên bất giác tôi cũng muốn đi vay tiền để chỉnh sửa vẻ ngoài của mình một chút", anh chàng 23 tuổi họ Quách chia sẻ. Sau khi "dao kéo" xong, Quách đã ráng "cày" thêm việc để trả tiền vay trong vòng 6 tháng. 

Một nữ sinh viên năm cuối ở tỉnh Sơn Tây tiết lộ rằng cô biết nhiều bạn bè cũng đã vay tiền để trùng tu nhan sắc. Cô cũng vay 7.000 tệ từ một đơn vị cho vay trực tuyến để cắt mắt thành hai mí và sửa mũi. Cô phải tiêu xài tằn tiện trong ba tháng để thanh toán khoản vay này. 

"Người nhà của tôi vẫn còn kỳ thị chuyện dao kéo nên tôi phải tự tiết kiệm để có tiền thanh toán khoản vay, chứ gia đình không cho tiền", nữ sinh trên cho biết và nói cô sẽ vay thêm để chỉnh sửa thêm ngoại hình của mình trong tương lai. 

Ông Bành Vệ Hồng, trợ lý tổng giám đốc của bệnh viện thẩm mỹ Hoa Mỹ Quảng Châu, nhận định rằng số sinh viên tìm đến dịch vụ làm đẹp sẽ còn tăng vì ngày càng có nhiều người tin rằng ngoại hình được cải thiện thì sẽ dễ thành công hơn. Bên cạnh đó, người trẻ còn chịu tác động bởi những hình ảnh lung linh từ các ngôi sao giải trí và người nổi tiếng trong cộng đồng mạng.

Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng sinh viên cần ý thức rõ khả năng tài chính của mình trước khi vay để tránh mất khả năng trả nợ, đồng thời nên cân nhắc chọn lựa đơn vị cho vay để khỏi gặp phiền phức. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.