Sầu riêng bị làm giá?

05/08/2023 06:51 GMT+7

Đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng tại khu vực Tây nguyên nhưng cả người mua và người bán đều đang nhìn nhau "ghìm hàng, ghìm giá".

Người bán, người mua đều chờ đợi

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 3.8, nhiều vựa thu mua sầu riêng đưa ra thông tin chốt giá ở mức 110.000 đồng/kg đối với loại 1 và khoảng 80.000 đồng/kg với loại 2. Còn những vườn bán xô, bán mão cũng vào khoảng 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chủ vườn vẫn đang nỗ lực dò giá, không chịu bán với giá thấp. Phần lớn nhà vườn đều chưa thống nhất giảm giá bán. Tại Đắk Lắk, chỉ có một vài khu vực sầu riêng rụng, sầu riêng dạt được rao bán 40.000 đồng/kg.

Một số doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu bức xúc, mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được. Bởi với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Vì nếu cộng thêm chi phí DN bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.

Sầu riêng bị làm giá? - Ảnh 1.

Giá sầu riêng đang “giằng co” giữa người mua và người bán

Đ.N.T

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty CP Ban Mê Green Farm, than thở: "Hiện nay có không ít thông tin cho rằng phía Trung Quốc đang "rất hút" sầu riêng, hầu như các vườn trồng đều đang từ chối các DN thu mua, chế biến xuất khẩu. Song điều đó là không chính xác. Chúng tôi đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao. Nếu nông dân, các chủ vườn không thấy rõ vấn đề, tình hình sẽ rất nan giải".

Đại diện một DN thu mua sầu riêng lớn tại Đắk Lắk khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn "đứng hình" vì không biết nên làm sao cho phải. Nếu mua với giá cao thì không có lãi nhưng không nhập hàng, DN vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản". Đáng lo hơn, trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các DN có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn DN không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ "vỡ trận" thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.

Không hợp tác, nguy cơ vỡ trận

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, quan ngại: "Thời gian đi qua đang rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các DN và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc "vỡ trận", không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà DN cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng".

Theo ông Vũ Đức Côn, sầu riêng không phải là mặt hàng thuộc dạng lương thực nhà nước bình ổn quản lý giá nên tất cả đều phụ thuộc vào cơ chế thuận mua vừa bán, thậm chí các DN trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh với các DN ở địa phương khác đến tranh mua. "Đây là sản phẩm còn khá mới, người dân còn đặt nhiều kỳ vọng nên sẽ khó chấp nhận bán giá thấp. Phải trải qua nhiều chu kỳ lên xuống, họ mới quen dần với diễn biến thị trường, và DN cũng phải quen dần với việc liên kết cùng nông dân", ông Vũ Đức Côn nhìn nhận.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Diễn biến thị trường xuất khẩu sầu riêng hiện nay vẫn tương đối thuận lợi, các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn đều đặn. Tuy nhiên, hiện tượng giằng co mua bán giữa thương lái hay DN với chủ vườn là do hiện nay đã hết vụ mùa sầu riêng từ các vùng khác, ngay cả Thái Lan cũng đã hết thu hoạch. Thời điểm hiện tại chỉ có vùng Tây nguyên là đang cho quả, chính vì vậy chủ vườn "làm giá" cũng là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, thời tiết mưa cũng thường xuyên ảnh hưởng đến việc thu hoạch". 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, cũng như nhiều loại trái cây nông sản khác, khi đầu vụ thì giá cao, giữa vụ thu hoạch rộ thì giá xuống thấp và cuối vụ giá lại tăng lên. Vì vậy, bất đồng hiện nay giữa người mua và người bán có thể sẽ không kéo dài. Cần có một sự bắt tay hợp tác dài hạn hơn, một khi các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thì cần phải có vùng nguyên liệu ổn định, chứ không thể "tay không bắt giặc", ký trước thu mua sau thì rất rủi ro, nguy cơ bể hợp đồng và mất uy tín. 

Cửa khẩu Lạng Sơn thông thoáng

Ngày 3.8, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cho biết tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông quan trong ngày 2.8 là 916 xe, trong đó số phương tiện có hàng xuất khẩu là 249 xe, gồm: 173 xe hoa quả, 76 xe hàng khác. Số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tồn tính đến 20 giờ ngày 2.8 là 123 xe, giảm 97 xe so với ngày trước đó. Cuối tháng 7, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn với các cơ quan đồng cấp phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức lễ khôi phục hoạt động thông quan trở lại đối với cặp cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái, nâng tổng số cửa khẩu hoạt động lên 6 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Việc khôi phục trở lại hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, góp phần tạo điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản của VN sang thị trường Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng VN. Đây là kết quả rất tích cực từ việc VN chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7.2022.

Bên cạnh đó, sầu riêng VN không chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc mà đã được mở rộng sang các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Anh... Đơn cử, đầu tháng 5, lô hàng sầu riêng Ri6 khoảng 5 tấn của VN do Công ty TT Meridian Ltd (Anh) nhập khẩu chính ngạch đã thông quan, phân phối đến các siêu thị tại Anh. Kết quả này nhờ hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu vào Anh theo Hiệp định Thương mại tự do VN - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Mưa to, nhiều diện tích sầu riêng ngập úng

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, thời tiết mưa to, kéo dài tại khu vực Tây nguyên đã khiến nhiều diện tích trồng sầu riêng ngập úng khi đến vụ thu hoạch. Theo các chuyên gia nông nghiệp, khả năng trên 90% cây sầu riêng sẽ bị thối rễ, vàng lá và có thể sẽ chết nếu bị ngập úng mà không kịp thời xử lý. Trước đây, tình trạng ngập chỉ xuất hiện do lũ về ở khu vực đất đồng bằng, miền Tây hoặc do mưa nhiều, hồ thủy điện xả lũ. Nhưng nay diện tích mở rộng để trồng sầu riêng quá nhiều, một số chủ vườn lại chưa có kinh nghiệm nên thiệt hại nặng hơn. 

Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, tại khu vực miền Tây, người dân cần làm đê bao, lên liếp, làm mô cao, mặt mô cách mặt nước tối thiểu 1 m. Còn ở Khu vực Tây nguyên, người dân không trồng trong hố sâu như cà phê mà cần nâng gốc lên cao hơn mặt đất. Nếu trồng sai cách, vào thời điểm mùa mưa liên tục 10 - 15 ngày, kể cả những vùng cao, đất dốc vẫn sẽ thoát nước không kịp. Bên cạnh đó cần xẻ rãnh thoát nước áp dụng đối với tất cả các vùng trồng sầu riêng, để cỏ trong vườn nhằm tăng khả năng thoát nước, bón phân hữu cơ để cải tạo độ tơi xốp cho đất, giúp đất thoát nước nhanh hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.