Nhiều dư địa cho xuất khẩu sầu riêng

12/06/2023 06:27 GMT+7

Trung Quốc kỳ vọng, sầu riêng trong nước sẽ hạ nhiệt giá sầu riêng nhập khẩu. Thế nhưng vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên tại đảo Hải Nam của nước này ước đạt 50 tấn, chỉ chiếm 2% so với ước tính đưa ra hồi tháng 3.


Việc Trung Quốc "thất thủ" vụ đầu tiên khiến việc đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường 1,5 tỉ dân càng nhiều dư địa.

Ùn ùn xuất khẩu

Ngày 11.6, mặc dù là ngày chủ nhật nhưng anh Nguyễn Văn Thắng, thương lái thu mua sầu riêng tại khu vực Tây nguyên, vẫn miệt mài đi thu hoạch. Anh cho biết: "Cả tháng nay sầu riêng hút hàng, mình phải chốt giá, đặt cọc trước cho chủ vườn và đúng ngày, đúng giờ phải thu hoạch. Nếu rơi vào ngày nghỉ cuối tuần như hôm nay thì vẫn phải đến hái tại vườn theo lịch, vì sầu riêng không giống như các loại trái cây khác có thể hái sớm hoặc muộn vài ngày".

Nhiều dư địa cho xuất khẩu sầu riêng  - Ảnh 1.

Sầu riêng VN đang thuận đường chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Anh Trương Văn Hiền, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại TP.HCM, cho biết: "Hiện nay nhu cầu xuất khẩu sầu riêng đang cao, tối nào công nhân công ty chúng tôi cũng làm xuyên đêm để đóng hàng cho kịp giao khách. Giá bán cũng khá cao, khách không hề o ép, mặc cả. Khi xuất khẩu sầu riêng hút hàng, nhiều tin đồn được tung ra nhằm "dìm giá", ép giá. Người dân làm ra trái sầu riêng rất cực khổ, bán được giá cao là điều đáng mừng. Thực tế là hiện nay chủ vườn sầu riêng cũng rất tỉnh táo, không chấp nhận bán giá thấp nên nhìn chung thị trường vẫn ổn định".

Khi vụ mùa ở miền Tây khép lại cũng là lúc mở ra vụ thu hoạch rộ ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Vào ngày 16.6 tới, tại TP.Long Khánh, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng theo Nghị định thư đi Trung Quốc. 

Theo nhiều nhà vườn, giá sầu riêng tại vườn dao động từ 40.000 - 75.000 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể với những vườn không có tiêu chuẩn và mã số xuất khẩu giá mua xô có thể dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Đối với những vườn có mã số, đạt tiêu chuẩn chất lượng và kích cỡ xuất khẩu giá vẫn đứng ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg. 

Đa số các nhà vườn thích bán hàng xuất khẩu vì bán được cùng lúc sản lượng lớn và thanh toán nhanh. Trong khi đó, các vườn đạt tiêu chuẩn nếu bán cho các chuỗi cung ứng nội địa có thể lên tới 75.000 thậm chí là 80.000 đồng/kg, tuy nhiên sản lượng ít và thu hồi vốn chậm.

Trung Quốc thất thu sầu riêng tự trồng, nhiều dư địa cho Việt Nam

Mở đường ưu tiên cho sầu riêng 

Từ những ngày đầu tháng 6, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã liên tục làm việc, trao đổi, đề xuất với cơ quan quản lý ở Trung Quốc để đồng thuận phương án ưu tiên cho các loại trái cây vào mùa của Việt Nam như sầu riêng, vải…Thông thường, các mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị nhưng thông qua các buổi họp đề xuất, phía Trung Quốc đã đồng ý ưu tiên cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu sầu riêng. Giải pháp này đã giúp cho tình hình ùn tắc xe container chở hàng nhanh chóng được giải tỏa.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, số phương tiện chở hàng đang còn tồn trên địa bàn tỉnh khoảng 536 xe, giảm đáng kể so với 1 tuần trước. Tại cửa khẩu Tân Thanh, bình quân mỗi ngày có khoảng 240 xe được thông quan, trong đó các mặt hàng chính là quả vải tươi, sầu riêng…

Trung Quốc chưa thể tự trồng sầu riêng số lượng lớn

Ngành nông nghiệp Trung Quốc đã triển khai trồng trái cây nhiệt đới trên khoảng 206.000 ha ở tỉnh Hải Nam từ những năm 1950. Sầu riêng bắt đầu được trồng từ năm 2020 nhờ công nghệ đẩy nhanh chu kỳ tăng trưởng, sẵn sàng cho vụ thu hoạch đầu tiên trong năm nay, với kỳ vọng khoảng 2.411 tấn xuất ra thị trường vào tháng 6.2023. Tuy nhiên, thực tế đến nay sản lượng sầu riêng thu hoạch ước tính chỉ đạt 50 tấn, tức 0,005% tổng lượng sầu riêng tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu trước đó. Sau vụ đầu tiên xem như thất bại, nhiều chuyên gia nhận định có thể mất vài năm nữa Hải Nam mới có thể sản xuất đủ sầu riêng để cạnh tranh với các nước Đông Nam Á.

Cũng phải nói thêm rằng sầu riêng là cây trồng phù hợp với khí hậu nhiệt đới, tại VN cũng chỉ có thể trồng được từ Tây nguyên trở vào. Đối với những vùng thường xuyên có mưa bão, mùa đông lạnh giá thì rất khó sản xuất được dù công nghệ có cao đến đâu.

Trong những tháng qua, sầu riêng là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu. Đặc biệt tại thị trường chính là Trung Quốc, có tháng tốc độ tăng trưởng đến vài trăm phần trăm. Riêng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), nơi có sản lượng sầu riêng xuất khẩu nhiều nhất trong các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc, càng tăng mạnh. 

Số liệu thống kê của cơ quan quản lý cho biết: Chỉ riêng tháng 5.2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn. Nếu tính từ đầu năm đến ngày 30.5, lực lượng chức năng đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Ước tính, sản lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị trong tháng 6 có thể đạt hơn 20.000 tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 5.2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53% so với tháng 4 và tăng gần 138% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt gần 2 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thanh long và sầu riêng vẫn là hai sản phẩm dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan khi cho rằng thị trường sầu riêng ở Trung Quốc có giá trị đến 4 tỉ USD và vẫn còn tăng trưởng. Hiện tại, thị phần của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với Thái Lan. Nếu nông dân và doanh nghiệp tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm thì cơ hội mở rộng thị trường sẽ rất lớn. Ngay trong năm nay, giá trị xuất khẩu có thể đạt 1 tỉ USD và có thể còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới vì dư địa còn rất lớn.

Tuy nhiên, tất cả các lô hàng sầu riêng Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải qua kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ… do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là sầu riêng nên nghiêm túc tuân thủ các quy định về chất lượng và mã số của nước nhập khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.