Trái cây ùn ùn xuất sang Trung Quốc, sầu riêng cầm chắc 1,5 tỉ USD

11/07/2023 14:51 GMT+7

Ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, có hàng trăm xe trái cây xuất sang Trung Quốc mỗi ngày. Trong đó sầu riêng chiếm số lượng nhiều nhất, dự báo giá trị cả năm nay sẽ đạt 1,5 tỉ USD và dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả.

Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), từ đầu tháng 7 đến nay trái cây vẫn chiếm số lượng nhiều nhất trong các mặt hàng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc. 

Trái cây ùn ùn xuất khẩu Trung Quốc, sầu riêng cầm chắc 1,5 tỉ USD - Ảnh 1.

Sầu riêng đang là loại trái cây xuất khẩu chủ lực giúp ngành rau quả tăng trưởng ngoạn mục trong 6 tháng đầu năm nay

PHAN HẬU

Gần đây, ngày 8.7, các cửa khẩu Lạng Sơn xuất khẩu được 488 xe hàng, thì có đến 384 xe trái cây. Ngày 9.7, toàn tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu được 452 xe hàng thì trái cây chiếm 371 xe. Từ ngày 30.6 đến ngày 7.7, tổng số hàng xuất qua tỉnh Lạng Sơn đạt 3.908 xe, tăng hơn 10% so với tuần trước đó. Trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn nhiều nhất là sầu riêng, thanh long, chuối, vải thiều…

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng của Bộ NN-PTNT ghi nhận kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỉ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Nếu so sánh cùng thời điểm năm 2022, xuất khẩu rau quả tăng hơn 64%, là mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử ngành rau quả. Xuất khẩu rau quả cũng là điểm sáng nổi bật của ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm nay.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu rau quả (chủ yếu là trái cây) của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào một số mặt hàng chủ lực đang có lợi thế.

Cụ thể là sầu riêng - loại trái cây được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng, 6 tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu ước đạt 700 - 800 triệu USD, trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines.

Dự báo từ tháng 9 trở đi, sầu riêng Thái Lan, Philippines sẽ vào cuối vụ, sản lượng sẽ ít đi. Trong khi đó, sầu riêng của Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên với diện tích, sản lượng lớn nhất nằm ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch và kéo dài đến đầu năm 2024. Đây sẽ là lợi thế để sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc có giá cao hơn thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, theo quy luật, từ khoảng tháng 10 trở đi, Trung Quốc sẽ bước vào mùa đông. Các mặt hàng rau, trái cây nội địa sẽ ít dần sẽ tạo cơ hội xuất khẩu cho hàng của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu thanh long, chuối của Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long, chuối ước đạt mỗi loại đã thu về 500 - 600 triệu USD.

Chấn chỉnh chất lượng rau quả xuất khẩu để hướng đến mốc chục tỉ USD

"Sầu riêng, thanh long, chuối, mít đang là những loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc. Đặc biệt là sầu riêng, dự báo giá trị xuất khẩu cả năm 2023 sẽ cầm chắc 1,5 tỉ USD", ông Nguyên nhận định và cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục trong 6 tháng đầu năm nhờ vào nhóm trái cây chủ lực nêu trên, đặc biệt là sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng ở thị trường Trung Quốc. 

Theo đó, mục tiêu xuất khẩu rau quả 3 tỉ USD đặt ra từ đầu năm 2023 hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể đạt 4 - 5 tỉ USD. "Cá nhân tôi nhận định, giá trị xuất khẩu rau quả cả năm nay sẽ đạt 5 tỉ USD, nếu đạt được mốc này thì coi như đã hoàn thành mục tiêu trước 2 năm (năm 2025) trong chiến lược của Bộ NN-PTNT đặt ra với ngành rau quả", ông Nguyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.