Phát hiện gây sốc về chế độ nô lệ thời La Mã cổ đại

09/12/2023 21:11 GMT+7

Các nhà khảo cổ đã phát hiện một 'tiệm bánh trong tù', nơi nhốt nô lệ và lừa dưới lòng đất để xay ngũ cốc làm bánh mì, tại khu di tích thành phố La Mã cổ đại Pompeii ở Ý.

Bên dưới một ngôi nhà tại di tích Pompeii, các nhà khảo cổ tìm thấy "một căn phòng chật chội không thể nhìn ra thế giới bên ngoài và có cửa sổ nhỏ nằm cao trên bức tường với song sắt cho phép ánh sáng chiếu vào", Công viên Khảo cổ học Pompeii cho biết hôm 8.12, theo AFP.

Các nhà khảo cổ suy luận rằng họ đã tìm thấy một "tiệm bánh trong tù". Tiệm bánh, nơi nô lệ và lừa buộc phải thực hiện công việc nặng nhọc như quay cối xay, không có cửa ra vào và không có cách nào để những người bị nhốt trong đó liên lạc với những người ở bên ngoài.

Phát hiện gây sốc về chế độ nô lệ thời La Mã cổ đại - Ảnh 1.

Khu vực khai quật nhìn từ trên cao

CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

"Nói cách khác, đó là một không gian mà chúng ta phải hình dung về sự hiện diện của những nô lệ mà chủ sở hữu cảm thấy cần phải hạn chế quyền tự do đi lại của họ", Giám đốc khu di tích Pompeii Gabriel Zuchtreigel viết trong một bài nghiên cứu đăng báo.

"Đó là khía cạnh gây sốc nhất của chế độ nô lệ cổ đại, một khía cạnh không có cả mối quan hệ tin cậy lẫn lời hứa về việc được trả tự do, nơi chúng ta phải chịu đựng bạo lực tàn nhẫn. Điều này hoàn toàn có thể thấy qua việc buộc chặt một vài cửa sổ bằng song sắt", ông viết.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra những "vết lõm" trên sàn nhà để điều khiển chuyển động của những con lừa "buộc phải đi lại hàng giờ trong tình trạng bị bịt mắt".

Ngôi nhà, nằm trên khu đất rộng 44 ha hiện đang được khai quật, được chia thành khu vực sinh sống và khu vực sản xuất. Ba bộ xương được tìm thấy trong một căn phòng của tiệm bánh, cho thấy ngôi nhà có người ở.

Đời sống nô lệ La Mã cổ đại hiện ra dưới lớp tro bụi gần Pompeii

Theo The Guardian, phát hiện về "tiệm bánh trong tù" cung cấp thêm bằng chứng về cuộc sống hàng ngày của những nô lệ ở Pompeii. Họ thường bị sử sách lãng quên nhưng lại chiếm phần lớn dân số Pompeii và lao động khổ sai của họ đã hỗ trợ nền kinh tế của thành phố, cũng như văn hóa và kết cấu của nền văn minh La Mã.

Thành phố Pompeii bị tàn phá khi núi lửa Vesuvius gần đó phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Những phế tích của đô thị này, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, ngày nay nằm gần thành phố Naples ở miền nam nước Ý.

Tro và đá đã giúp bảo tồn nhiều tòa nhà gần như ở trạng thái ban đầu, cũng như tạo thành những hình thù kỳ lạ bao bọc thi thể các nạn nhân trong thảm họa. Số lượng người thiệt mạng ước tính vào khoảng 3.000.

Pompeii là địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều thứ hai ở Ý sau đấu trường La Mã Colosseum ở thủ đô Rome.

Bộ xương kể gì về cái chết trong thảm họa núi lửa Pompeii?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.