Những nguy cơ không ngờ gây bệnh uốn ván

Liên Châu
Liên Châu
06/11/2023 08:03 GMT+7

Cửa ngõ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván có thể chỉ là các vết thương nhỏ như: gai đâm, xước da, dập móng, bấm lỗ tai…

UỐN VÁN SAU KHI CẮT TRĨ TẠI NHÀ

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) thông tin về 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván gần đây.

Khoảng một tuần trước nhập viện, bệnh nhân (BN) V.N (53 tuổi, ở Hòa Bình) nhờ người quen cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, BN xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém, được gia đình chuyển đến BV địa phương. Tại BV địa phương, BN được chẩn đoán mắc uốn ván. Do tình trạng nặng, BN được chuyển đến Khoa Cấp cứu - BV Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván toàn thể.

 Những nguy cơ không ngờ gây bệnh uốn ván - Ảnh 1.

Một ca bệnh uốn ván tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

Thanh Đặng

Trường hợp khác là BN nữ 68 tuổi ở Sơn La. Trước đó, BN xây xát da ở vùng mông do bị ngã trong chuồng lợn. Mặc dù có các vết thương hở nhưng BN không xử trí vết thương. 3 ngày sau, BN xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, có cơn co cứng, co giật toàn thân. Sau khi nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván, BN được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy; tuy nhiên, tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm nên được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Tại đây, bà được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.

Uốn ván gặp ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêmvắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG, TIÊM VẮC XIN

Theo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, uốn ván là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương mà vi khuẩn xâm nhập có thể nhỏ như gai đâm, xước da, dập móng, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu, thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hóa, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn.

Uốn ván gặp ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.

Do vậy, việc xử lý ban đầu đối với các vết thương cần được thực hiện đúng cách. Bên cạnh cầm máu, cần rửa vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Với các vết thương nhiều ngóc ngách, chảy máu, dính nhiều đất cát, đòi hỏi cắt lọc, sử dụng ô xy già, cần xử lý ở cơ sở y tế. Vết thương do động vật cắn cần được rửa lại bằng xà phòng. Sau đó, có thể bôi các dung dịch sát khuẩn phù hợp và băng bó nhẹ nhàng bằng băng y tế vô khuẩn.

Không nên băng kín nếu vết thương chưa được vệ sinh tốt vì vi khuẩn uốn ván có thể phát triển thuận lợi trong môi trường kỵ khí, băng bó kín.

Bên cạnh chăm sóc vết thương thì cần tiêm dự phòng uốn ván đối với các vết thương dập nát, tổn thương sâu, bẩn. 

Ca mắc uốn ván tăng hơn 2 lần, 2 trường hợp tử vong

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 25.10, TP.Hà Nội ghi nhận 23 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong; số ca mắc và tử vong do uốn ván đều tăng so với cùng kỳ 2022 (10 ca mắc, không có tử vong).

Trường hợp ghi nhận gần nhất là BN nam 60 tuổi. Trước khi vào viện 14 ngày, BN bị bỏng bình ga ở hai cẳng chân, được điều trị tại BV đa khoa Xanh Pôn, chưa tiêm phòng uốn ván. Ngày 17.10, BN xuất hiện cứng hàm, co cứng 2 chân, hạn chế vận động, được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng trương lực cơ toàn thân tăng nhẹ, cứng hàm, miệng há 1,5 cm, chẩn đoán uốn ván.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.