Những ngón nghề độc, lạ: Làm cho đất sét nở hoa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
02/03/2024 07:01 GMT+7

Nếu không chạm tay vào, hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng những đóa hoa do chị Lương Thị Hằng (43 tuổi, tại 352 Nguyễn Phước Nguyên, TP.Đà Nẵng) nặn từ đất sét là hoa thật.

KHỔ LUYỆN "ĐÁNH" HOA

Thấy tôi ngắm nghía hồi lâu những chậu hoa sen đá trên tủ, chị Lương Thị Hằng cười bảo tôi thử tìm xem trong số đó chậu nào là hoa thật, chậu nào được làm bằng đất sét. Quả thật, khó phân biệt đâu là chậu sen đá giả nếu chỉ nhìn mà không chạm tay.

Những ngón nghề độc, lạ: Làm cho đất sét nở hoa- Ảnh 1.

Chị Lương Thị Hằng tỉ mẩn lên màu cho đóa cẩm tú cầu bằng đất sét

Hoàng Sơn

Để làm được những chậu hoa "thật" đến mức như thế, chị Hằng đã có quá trình vừa học nghề vừa tự mày mò phương thức "đánh" hoa, lên màu trong nhiều năm. "Nghề nào cũng phải khổ luyện mới thành công. Làm hoa bằng đất sét ngoài khổ luyện còn cần đam mê, kiên trì thì mới theo được", chị nói.

Cách đây khoảng chục năm, vì trót say mê những đóa hoa đất sét mà chị thường xuyên bay đi bay về giữa Đà Nẵng - TP.HCM để "tầm sư học đạo" với một cô giáo người Thái Lan. Lúc đó, với năng khiếu của mình, chị thấy nghề nặn hoa bằng đất sét cũng không quá khó. Nhưng rồi khi bắt tay vào làm, những thỏi đất sét ép cánh hoa cứ "trơ" ra một cách vô hồn. Rồi cả công đoạn lên màu cũng không khiến những cánh hoa bớt đi sự nhợt nhạt của màu đất trắng nguyên bản. Thế là chị lại khăn gói vào TP.HCM học nghề, rồi tự làm, tự đúc rút kinh nghiệm. Không biết bao mẻ đất sét phải bỏ đi vì hỏng, chị Hằng cũng không thể nhớ hết bao lần phải "xé nháp" vì màu lên không chuẩn.

"Việc đầu tiên của quy trình "đánh" hoa là phải cán nguyên liệu đất sét thành những tấm mỏng rồi dùng khuôn để ép thành cánh hoa, nhụy hoa, đài hoa… Sau khi đất khô, thợ dùng dây kẽm luồn vào từng cánh để tạo dáng. Tiếp đó, ghép các cánh thành đóa hoa. Công đoạn cuối cùng là lên màu cho hoa. Nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng để mỗi chậu hoa 3D trở nên như thật, đòi hỏi người làm phải có đầu óc quan sát, liên tưởng và quan trọng là phải lên màu sao cho chuẩn", chị chia sẻ.

Chỉ tay vào chậu sen hồng đang làm dang dở, chị Hằng kể tiếp để chậu hoa "có hồn" phải nghiên cứu và lên màu sao cho cánh sen nhạt ở cuống và đậm dần về phía cánh trên. Đài sen vàng với nhụy li ti, búp sen đang nụ, đang bung cũng được tỉa tót sao cho giống như thật. Lá sen xanh ở mặt trên cũng khác với màu xanh ở mặt dưới và cũng phải có lá già, lá non, lá sâu, lá lành…

Những ngón nghề độc, lạ: Làm cho đất sét nở hoa- Ảnh 2.

Những đóa sen hồng bằng đất sét trông giống y như thật

Hoàng Sơn

"Hoa đất sét cho phép người thợ thỏa thích sáng tạo bởi mỗi cánh hoa là một phiên bản khác nhau, cách uốn lá, tỉa dáng không cánh nào giống cánh nào. Công đoạn này vẫn khá dễ so với công đoạn lên màu dầu cho hoa. Đây là lúc quyết định thần thái mỗi bông hoa, màu đậm hay nhạt quá đều khiến bông hoa trở nên thô vụng", chị Hằng chia sẻ.

LAN TỎA NIỀM ĐAM MÊ

Sau vài lần hẹn, tôi mới gặp được chị Lương Thị Hằng bởi dạo này chị thường xuyên lui tới H.Duy Xuyên (Quảng Nam) để dạy nghề làm hoa giả cho 12 người khuyết tật. Để những học viên của mình làm quen, chị đứng lớp truyền đạt kiến thức về làm hoa giấy trước khi dạy họ những kỹ thuật đỉnh cao trong làm hoa từ đất sét. Với tâm niệm nghề làm hoa giả sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu giúp được những người khiếm thính, thiểu năng… có thể mưu sinh, chị đã dành nhiều thời gian hỗ trợ kỹ năng nghề, cách lên kế hoạch bán hàng, giới thiệu sản phẩm...

Những ngón nghề độc, lạ: Làm cho đất sét nở hoa- Ảnh 3.

Tạo hình những cánh hoa bằng đất sét

Hoàng Sơn

"Hướng đến tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật bằng nghề làm hoa từ đất sét là ý tưởng của một học trò theo tôi học nghề. Mấy năm trước, cô gái học Trường ĐH Duy Tân đã lên dự án này và đoạt giải nhì tại một cuộc thi khởi nghiệp", chị Hằng nói: "Xã hội hiện đại ngày càng chuộng những sản phẩm làm thủ công và từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Với hoa nặn từ đất sét có tuổi thọ từ 10 - 20 năm, nhiều khách hàng tại TP.Đà Nẵng đã lựa chọn để trang trí nhà hàng, khách sạn…, vừa tạo điểm nhấn vừa không gây độc hại cho người sử dụng. Tôi không tiếc công sức nắm tay chỉ việc cho người khuyết tật khi mình góp chút gì đó cho cộng đồng".

Dù là người đầu tiên mang nghề làm hoa đất sét đến TP.Đà Nẵng nhưng chị Hằng chưa khi nào có ý định giấu nghề để độc quyền bán ra thị trường. Ngược lại, chị sẵn sàng chia sẻ cho những người có chung niềm đam mê, nhất là những bạn trẻ muốn học nghề để khởi nghiệp.

Chẳng chút ngần ngại, chị lấy bộ dụng cụ ép cánh hoa ra rồi kể trong nghề làm hoa bằng đất sét, những chiếc khuôn nhỏ là bí quyết sống còn của người thợ. Bởi không dễ gì có được những khuôn làm gân cánh hoa, gân lá… ưng ý. Đặc biệt, với bộ môn nghệ thuật mà người Nga gọi là "điêu khắc thực vật" được thực hiện dựa trên cấu trúc hoa thật này, khuôn gân càng không được tiết lộ.

"Do khuôn bán sẵn không thỏa mãn đam mê sáng tạo nên tôi tự làm khuôn gân hoa. Tôi tìm tòi thông tin và may mắn mua được một loại silicon đặc biệt từ Mỹ. Từ đó, tôi đã làm ra hàng loạt khuôn làm gân hoa, như các loại hoa lan, cúc họa mi, cẩm tú cầu, sen đá… để tiết kiệm thời gian, công sức", chị Hằng nói.

Bằng óc sáng tạo của mình, quá trình làm nghề, chị còn tìm ra nhiều loại vật liệu để thay thế để mỗi cành hoa đất sét trở nên nhẹ, bền màu theo thời gian… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.