Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/02/2024 07:04 GMT+7

Những miếng gáo dừa, vỏ trứng, những tấm đồng… vô tri, qua bàn tay chế tác của nghệ nhân Trần Đại Nghĩa (trú tại TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đều trở thành đồ trang sức, tác phẩm tranh độc bản đậm chất nghệ thuật.

BIẾN ĐỒ PHẾ LIỆU THÀNH… TRANG SỨC

Lần đầu ghé thăm xưởng chế tác trang sức trên đường Lê Duẩn (TP.Huế) của anh Trần Đại Nghĩa, tôi không khỏi bất ngờ vì địa điểm "sáng tác" ngập đồ phế liệu. Ở góc nhà ngổn ngang gáo dừa, các kệ đựng kim loại như nhôm, đồng, sắt vụn, vỏ trứng, vỏ trai…, phía gần cửa sổ cũng đặt máy cắt, tấm phơi, sơn mài… "Tất cả những đồ vật này dùng để chế tác những trang sức thân thiện với môi trường, không gây dị ứng với da… Mỗi món đồ được làm hoàn toàn bằng tay, không bao giờ đụng hàng", anh Nghĩa mở đầu câu chuyện.

Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'- Ảnh 1.

Nghệ nhân Trần Đại Nghĩa mang tranh đồng, trang sức sơn mài đến các điểm triển lãm nghề

Hoàng Sơn

Trước khi tốt nghiệp Trường ĐH Nghệ thuật Huế chuyên ngành điêu khắc vào năm 2004, anh đã có khoảng thời gian dài theo học hội họa. Ra trường, anh tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật và bắt tay thử nghiệm với đồ handmade. Cách đây khoảng 10 năm, nhận thấy sản phẩm lưu niệm, trang sức từ đồ tái chế dần thu hút người mua, anh nảy ra ý tưởng làm đồ trang sức từ gáo dừa và các loại chất liệu khác để bán với giá rẻ. Mặc dù nghiên cứu kỹ cách thức chế tác, nhưng vì cách làm này ít người theo nên phải mất thời gian khá dài anh mới tự đúc kết cho mình quy trình chuẩn.

Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'- Ảnh 2.

Anh Trần Đại Nghĩa, người sáng tạo ra đồ trang sức với nguyên liệu gáo dừa

Hoàng Sơn

Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'- Ảnh 3.

Anh Trần Đại Nghĩa, người sáng tạo ra đồ trang sức với nguyên liệu gáo dừa

Hoàng Sơn

"Để cho ra một sản phẩm trang sức như mặt đeo dây, bông tai, vòng tay, vòng cổ…, thường phải trải qua 10 công đoạn. Trước hết, phải cắt gáo dừa làm mặt nền. Đây là chất liệu gỗ cứng nhất, không mối mọt nên rất phù hợp để làm nữ trang. Tiếp đó, phủ lên một lớp màu sơn mài, dùng các họa tiết trang trí cắt từ vỏ trai, vỏ trứng, nhôm, đồng… để đính lên. Sau khi sơn khô lại phủ thêm một lớp sơn với cách pha màu không khác gì hội họa, mài nhẵn và hoàn thiện…", anh Nghĩa tóm gọn quy trình sản xuất. Nhiều năm qua, với lợi thế có kiến thức chuyên sâu về hội họa, anh phát triển khoảng 30 mẫu nữ trang đậm tính nghệ thuật với các hình dạng khác nhau, như hình tròn, hình giọt nước, hình vuông, hình rẻ quạt, hình bầu dục…

Nhìn ngắm những chiếc bông tai với họa tiết, hình ảnh kết hợp với màu tươi mới của sơn mài truyền thống, nhiều người sẽ có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng một bức tranh trừu tượng. Dù không chiếc nào giống chiếc nào nhưng khi đeo, với tông màu chủ đạo được nghệ sĩ Trần Đại Nghĩa cẩn thận chọn trước đó, những chiếc bông tai vẫn là một cặp đẹp mắt. "Thị trường trong hay ngoài nước đều ưa chuộng bông tai do tôi làm ra vì tính độc bản. Xuất ra nước ngoài phải tuân theo các bảng màu chuẩn được các chuyên gia nghiên cứu để đón đầu xu hướng thời trang theo các mùa. Điều vui nhất là khách hàng đến từ châu Âu khó tính trong tiêu chí "kề da" vẫn chọn mua bông tai sơn mài và đeo ngay…", anh Nghĩa phấn khởi.

PHIÊU CÙNG NHỮNG NHÁT BÚA

Trên thực tế, tại cố đô Huế, người ta biết đến Trần Đại Nghĩa với tư cách là một nghệ nhân đi đầu trong lĩnh vực chế tác tranh đồng bằng phương pháp gò nhiều hơn. Trước khi bước vào lĩnh vực làm đồ trang sức, anh Nghĩa đã có thời gian dài nghiên cứu, tự học, tự rút kinh nghiệm để làm ra những bức tranh đồng độc đáo. Nếu với trang sức sơn mài anh có thể vừa thỏa sức sáng tạo vừa để mưu sinh, thì tranh đồng là bộ môn anh theo đuổi với đích đến là tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật đã xác lập.

Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'- Ảnh 4.

Chế tác đồ nữ trang sơn mài thường phải trải qua 10 công đoạn

Hoàng Sơn

"Ở các làng nghề làm tranh đồng phía bắc, người ta thường chế tác bằng cách dập khuôn rồi dùng ve để thúc trên mặt tấm đồng thành những bức tranh, gọi là tranh thúc đồng. Riêng tôi, tôi tự vẽ các mẫu tranh và chế tác hoàn toàn bằng búa. Tức là sau khi vẽ tranh lên mặt tấm đồng với độ dày vừa phải, tôi đặt lên đe rồi dùng búa đập, tỉ mỉ trên từng chi tiết đến khi hoàn thành thì thôi", anh Nghĩa nói và tự nhận anh may mắn là người được học bài bản về hội họa và điêu khắc nên khi dấn thân vào bộ môn tranh gò đồng đã không quá bỡ ngỡ.

Anh Nghĩa bảo tranh gò đồng không những mất thời gian chế tác mà còn đòi hỏi người thợ phải có tư duy mỹ thuật, tay búa khéo léo để từng đường búa đi đúng với ý mình. Nếu một bức tranh, họa sĩ dễ dàng tạo tương phản sáng tối bằng màu sắc thì với đồng thuần một màu vàng, nghệ nhân phải làm sao để tạo được hình khối, chiều sâu… từ những nhát búa dập nổi. Tùy vào chủ đề, khổ tranh mà thời gian chế tác mỗi bức tranh thông thường sẽ kéo dài từ 3 - 7 ngày.

Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'- Ảnh 5.

Những bức tranh gò đồng độc đáo do nghệ sĩ Trần Đại Nghĩa chế tác

Hoàng Sơn

Những ngón nghề độc, lạ: Say mê chế tác đồ 'độc'- Ảnh 6.

Những bức tranh gò đồng độc đáo do nghệ sĩ Trần Đại Nghĩa chế tác

Hoàng Sơn

"Có muốn làm nhanh cũng không được. Khách hàng tìm đến với mình là vì tính độc bản và vì độ khó trong chế tác, mang lại giá trị cho bức tranh nên không thể hấp tấp được", anh Nghĩa nói. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, anh đã lên hàng trăm mẫu tranh với các chủ đề như phong cảnh xứ Huế, các loài hoa, các loại câu đối, tranh về Phật, thậm chí cả tranh trừu tượng. Tranh gò đồng của anh Nghĩa không chỉ được người yêu mỹ thuật trong nước đón nhận và đã theo những chuyến bay đến Mỹ, Anh, Pháp…

"Tôi thường mang tranh lẫn nữ trang sơn mài tham gia hội chợ, triển lãm với mong muốn góp phần quảng bá nghề thủ công xứ Huế. Sự trầm trồ của khách là niềm vui, là động lực để tôi tiếp tục hành trình tìm ngôn ngữ riêng, xác lập dấu ấn cá nhân trong bộ môn tranh đồng", anh Nghĩa trải lòng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.