Nguồn lực vàng kiều hối gia tăng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/10/2023 06:43 GMT+7

Lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng gia tăng bất chấp lãi suất của các nước ở mức cao hơn so với lãi suất ngoại tệ tại VN. Dự báo những tháng cuối năm 2023, lượng kiều hối về sẽ tiếp tục tăng, góp phần phát triển kinh tế trong nước.

Kiều hối TP.HCM gần 6,7 tỉ USD

Lượng kiều hối về TP.HCM từ tháng 1 - 9 vừa qua vượt cả năm 2022. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 9 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 6,687 tỉ USD. Kiều hối chuyển về thành phố 9 tháng năm 2023 đạt mức tăng trưởng cao, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 101,3% so với cả năm 2022. Riêng quý 3/2023 lượng kiều hối chuyển về đạt 2,353 tỉ USD, tăng 6,2% so với quý 2/2023. Mức tăng này cao hơn thời điểm quý 2/2023, với mức 4,5%. Điều này cho thấy kiều hối chuyển về thành phố tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước và duy trì ở mức tăng trưởng khá.

Nguồn lực vàng kiều hối gia tăng - Ảnh 1.

Kiều hối chảy về TP.HCM tăng mạnh

NGỌC THẮNG

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối trên địa bàn luôn chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Cụ thể, kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế ở TP.HCM năm 2018 chiếm 44,1%, năm 2019 tỷ lệ này chiếm 48%, năm 2020 chiếm 53,8%, năm 2021 chiếm 52,8%, năm 2022 chiếm 55,03% trên tổng lượng kiều hối vào VN. Thông thường các năm, lượng kiều hối sẽ tăng tốc mạnh vào quý 4, nhất là thời điểm Giáng sinh, đầu năm mới. Chính vì vậy, khả năng năm nay lượng kiều hối về TP.HCM xác lập mức cao.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thông tin: "Lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố, chiếm 53,1% và tăng 19,8% so với quý trước".

Ông Lệnh phân tích với sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của khu vực châu Á hiện nay, cùng với quan hệ kinh tế, văn hóa và hợp tác lao động ngày càng phát triển và mở rộng… là yếu tố tác động trực tiếp đến tăng trưởng kiều hối trong thời gian qua và sắp tới. Và đây tiếp tục là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và TP nói riêng, tạo điều kiện cho người dân, người nhận kiều hối cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời kích thích thị trường lao động phát triển. Ngoài ra, kiều hối còn có tác động hỗ trợ và tích cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối. Là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá... Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia… gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá, lãi suất và lạm phát thời gian qua.

Dòng tiền tỉ USD tìm nơi trú ẩn

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối năm 2023 có thể chỉ đạt 14 - 15 tỉ USD, trong khi đó con số kiều hối năm 2022 đã lên 19 tỉ USD. Việc dự báo lượng kiều hối giảm có cơ sở vì các nước hiện nay tăng lãi suất lên cao, đặc biệt ở Mỹ đã lên trên 5%/năm. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của kiều bào, nhất là những người đang có những khoản vay tại ngân hàng đã phải trả lãi nhiều hơn trước. Ngoài ra, lạm phát cao cũng khiến người dân phải chi tiêu nhiều hơn. Điều này cho thấy thu nhập khả dụng của kiều bào sẽ giảm so với trước. Quan trọng hơn, trước đây có tình trạng kiều bào gửi tiền về để gửi tiết kiệm thì nay khó xảy ra vì lãi suất USD tại Mỹ đang cao hơn VN, nên chuyển tiền về gửi không có lợi. Trường hợp kiều bào gửi USD về, bán lấy tiền đồng rồi để hưởng lãi cao hơn thì chỉ có thể diễn ra vào những tháng đầu năm khi lãi suất tiền đồng ở mức cao. Hiện nay lãi suất tiết kiệm tiền đồng cũng đã giảm xuống nên việc gửi tiết kiệm không có lợi nhiều. Vì thế theo các chuyên gia, với sự ổn định về chính trị, kinh tế như VN, lượng kiều hối chuyển về nước cũng có thể để đầu tư, sản xuất kinh doanh là chủ yếu.

Ngoài số lượng người dân VN nhập cư sang các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada…, nguồn kiều hối về VN còn có lực lượng xuất khẩu lao động gửi về nước góp phần gia tăng lượng tiền kiều hối. Theo Bộ LĐ-TB-XH, số lao động VN đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng qua đã vượt kế hoạch của cả năm 2023. Cụ thể, từ tháng 1 - 9.2023, tổng số lao động VN đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động, đạt 101,37% kế hoạch năm 2023. Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động VN sang làm việc với 55.690 lao động. Kế đến thị trường Đài Loan có 46.166 lao động VN đi làm việc. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu lao động khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Singapore, Romania, Ba Lan, Ả Rập Xê Út… Thông thường, lượng kiều hối từ người lao động chuyển về nước hằng năm vào khoảng 3 - 4 tỉ USD.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có thể lực lượng xuất khẩu lao động gia tăng nhanh thời gian gần đây góp phần cho lượng kiều hối gia tăng. Thế nhưng, tỷ lệ chuyển tiền về VN của kiều bào ở các nước chiếm tỷ lệ lớn nhất. Ví dụ số người Việt sinh sống tại Mỹ lên đến vài triệu người nên chỉ cần một lượng người gửi tiền về cho thân nhân tại VN thì con số cũng đã khả quan. Ông Hiếu đánh giá lượng kiều hối về TP.HCM đạt gần 6,7 tỉ USD trong vòng 9 tháng qua là con số khá tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Cùng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng từ trước đến nay, khi nhắc đến kiều hối thường nhiều người liên tưởng đến việc kiều bào cũng như lao động xuất khẩu gửi tiền về nước hỗ trợ người thân. Nhưng nếu chỉ mục đích này thì số tiền hằng năm không thể nào tăng lên hàng tỉ USD. Trong khi từ hơn 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về nước đã vượt qua con số 10 tỉ USD.

"Nếu chỉ dùng hỗ trợ người thân chi tiêu trong cuộc sống thì xài sao cho hết. Đây là con số không hề nhỏ, đặc biệt dòng tiền chuyển đơn phương theo hướng 1 chiều về VN", ông Chí phân tích và cho rằng ngoài 2 mục đích trên, nhu cầu đầu tư của kiều bào ở nước ngoài về nước cũng luôn ở mức cao. Đặc biệt trong bối cảnh hơn 1 năm trở lại đây, dù rằng lãi suất ở các nước, nhất là Mỹ tăng cao. Thế nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng ở các nước sở tại. Một số ngân hàng Mỹ gặp cảnh khó khăn, phá sản đã diễn ra. Điều này phần nào tác động đến người có tiền gửi tiết kiệm.

Nguồn lực vàng kiều hối gia tăng - Ảnh 2.

Dù chưa có một cuộc khảo sát toàn diện nào về việc dòng tiền kiều hối sẽ chảy vào đâu, nhưng ông Lê Đạt Chí tin rằng với thị trường bất động sản hiện nay đang ở mức thấp, giá dễ mua và đây cũng là kênh đầu tư mà kiều bào thường hướng đến từ nhiều năm nay. Thêm vào đó, nhu cầu kinh doanh hay hỗ trợ người thân kinh doanh trong nước cũng tăng lên, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng thu hút dòng tiền này về nước.

Trong năm 2022, VN là một trong 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới với khoảng 19 tỉ USD. Từ năm 2012 đến nay, số lượng kiều hối chuyển về VN vượt qua con số 10 tỉ USD/năm và mỗi năm mỗi tăng khoảng 7 - 10%. Tại báo cáo "Điểm lại tháng 8.2023" của Ngân hàng Thế giới, nguồn kiều hối dự kiến của VN năm 2023 đạt 14 tỉ USD và 14,4 tỉ USD trong năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.