Nghịch lý: Cắt giảm ô nhiễm lại làm nóng hành tinh?

Nghịch lý: Cắt giảm ô nhiễm lại làm nóng hành tinh?

19/11/2023 08:28 GMT+7

Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí kéo dài hàng thập niên của Trung Quốc đã cho thế giới câu trả lời liên quan đến một thí nghiệm vô giá: điều gì xảy ra với khí hậu khi chất làm mát chính như sulfur dioxide bị loại bỏ khỏi khí quyển?

Ô nhiễm không khí giết chết hàng triệu người trên toàn cầu mỗi năm… nhưng các chuyên gia cho rằng nỗ lực làm sạch không khí lại có thể đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Đó là một phát hiện bất ngờ mà các nhà khoa học nhận ra sau khi rà soát kết quả của “cuộc chiến chống ô nhiễm” kéo dài hàng chục năm tại Trung Quốc.

Sáu chuyên gia khí hậu hàng đầu đã nhấn mạnh tình thế “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” này.

Nỗ lực loại bỏ khí lưu huỳnh dioxide khỏi khí quyển đã cứu sống hàng nghìn người nhưng nó cũng đã loại bỏ một lá chắn hiệu quả chống lại sức nóng của mặt trời, dù đó là một lá chắn độc hại...

Anh Yangyang Xu, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Texas A&M, cho biết: “Chúng ta thực sự đang làm nóng hành tinh bằng cách cải thiện chất lượng không khí… Ô nhiễm lưu huỳnh (dioxide) hoạt động giống như các hạt trong khí quyển. Chúng phản chiếu ánh sáng mặt trời, giống như kem chống nắng thông thường”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí khi ông bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2012, sau nhiều thập niên Trung Quốc tận dụng năng lượng than đá để thành “công xưởng của thế giới”.

Việc cắt giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân lái xe giữa sương mù ở Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 14.2.2017

REUTERS

Theo quy định mới, các nhà máy điện và mỏ thép buộc phải chuyển sang sử dụng than có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn. Hàng trăm nhà máy hoạt động kém hiệu quả đã bị đóng cửa và các tiêu chuẩn về phương tiện giao thông được nâng cao.

Các biện pháp đã có hiệu quả. Lượng khí thải của Trung Quốc đã giảm mạnh 87% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2021, xuống còn 2,7 triệu tấn.

Nhưng tình trạng ô nhiễm giảm đi lại kéo theo sự nóng lên nhanh chóng. Theo đánh giá của Reuters về dữ liệu khí tượng và các nhà khoa học được phỏng vấn, kể từ năm 2014, nhiệt độ trung bình của Trung Quốc đã tăng 0,7 độ C.

Trên thực tế, các nhà khoa học cho biết việc loại bỏ ô nhiễm không khí có thể có tác động lớn hơn đến nhiệt độ ở một số thành phố công nghiệp của Trung Quốc trong thập niên qua so với sự nóng lên do chính khí nhà kính.

Vấn đề không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Những khu vực bị ô nhiễm nặng khác trên thế giới, như Ấn Độ và Trung Đông, có thể chứng kiến sự nóng lên tương tự nếu họ làm sạch bầu trời.

Vậy câu trả lời là gì?

Một đề xuất, được gọi là “quản lý bức xạ mặt trời”, gợi ý việc chủ động bơm các sol khí lưu huỳnh vào khí quyển để làm mát nhiệt độ, nhưng nhiều nhà khoa học lo ngại điều đó có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

Một kế hoạch chính thống hơn là hạn chế lượng khí thải mêtan. Đây được coi là cách nhanh nhất để chế ngự nhiệt độ toàn cầu vì tác động của khí này trong khí quyển chỉ kéo dài khoảng 10 năm.

Trong khi hơn 100 quốc gia đã cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan vào cuối thập niên này, một số ít đã tính đường dài khi vạch ra “kế hoạch hành động” và “con đường” cắt giảm. Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới - vẫn chưa công bố kế hoạch của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.