'Hóa chất vĩnh cữu' gây ô nhiễm, Tập đoàn 3M chi 10 tỉ USD dàn xếp

'Hóa chất vĩnh cữu' gây ô nhiễm, Tập đoàn 3M chi 10 tỉ USD dàn xếp

30/06/2023 14:47 GMT+7

Được sử dụng cho nhiều loại sản phẩm từ dụng cụ nấu nướng đến mỹ phẩm, PFAS được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì không dễ bị phân hủy trong cơ thể con người hoặc môi trường.

Công ty đa quốc gia Mỹ 3M cho biết đã đạt được một thỏa thuận dự kiến trị giá 10 tỉ USD với một số thành phố của Mỹ để giải quyết các vụ kiện ô nhiễm nước liên quan đến "hóa chất vĩnh cửu" PFAS.

Một luật sư phụ trách vụ kiện chống lại 3M đã mô tả đây là "trường hợp dàn xếp về nước uống lớn nhất trong lịch sử Mỹ". Số tiền này sẽ được sử dụng trong vòng 13 năm để xử lí ô nhiễm từ các chất per- và polyfluoroalkyl, hay PFAS, và hỗ trợ việc lọc chất này khỏi nước uống phục vụ cộng đồng. 

3M đối mặt với hàng nghìn vụ kiện về ô nhiễm PFAS nhưng đến nay không thừa nhận trách nhiệm pháp lý. PFAS đã được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm từ dụng cụ nấu nướng đến mỹ phẩm. Các chất này được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì không dễ bị phân hủy trong cơ thể con người hoặc môi trường. 

Tập đoàn 3M chi 10 tỉ USD, dàn xếp vụ kiện ô nhiễm hóa chất vĩnh cửu - Ảnh 1.

Sản phẩm pin của công ty 3M

REUTERS

PFAS cũng có liên quan đến ung thư và các bệnh khác, cũng như hủy hoại môi trường. Liên quan tác hại của PFAS, có hơn 4.000 đơn kiện chống lại 3M và các công ty hóa chất khác từ các thành phố, chính quyền tiểu bang, và cá nhân tại Mỹ.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã gọi PFAS là "vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng khẩn cấp", đồng thời đặt ra thời hạn ngừng sản xuất chất này vào năm 2025. Ba công ty hóa chất lớn khác, Chemours, DuPont, và Corteva, cho biết họ đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,2 tỉ USD để dàn xếp cáo buộc đã làm ô nhiễm hệ thống nước công cộng của Mỹ bằng PFAS.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.