Nga không đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ, ra điều kiện gì?

Nga không đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ, ra điều kiện gì?

Văn Khoa
Văn Khoa
20/01/2024 09:36 GMT+7

Phía Nga đã công khai bác bỏ các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ vào lúc này vì sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine, theo Reuters.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18.1 nói Mỹ đã đề xuất tách biệt các vấn đề Ukraine với việc nối lại các cuộc đàm phán "ổn định chiến lược" về kiểm soát vũ khí.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường niên tại Moscow, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng đề xuất của Mỹ là không thể chấp nhận được đối với Nga vì phương Tây ủng hộ Ukraine.

Theo ông Lavrov, phương Tây thúc đẩy Ukraine sử dụng vũ khí có tầm bắn ngày càng xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga không đưa ra bằng chứng cho khẳng định của mình.

Theo Reuters, Ukraine đã tăng cường tiến hành những cuộc tấn công như vậy trong những tuần gần đây, trong đó có vụ tấn công vào ngày 30.12.2023 vào thành phố Belgorod thuộc miền nam Nga, mà theo giới chức địa phương đã khiến 25 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Lavrov nói Moscow "không thấy Mỹ hay NATO có chút quan tâm nào trong việc giải quyết xung đột Ukraine và lắng nghe những quan ngại của Nga". Ông cho rằng khi thức đẩy việc tái khởi động đàm phán vũ khí hạt nhân, Mỹ chỉ muốn "tìm cách thiết lập kiểm soát lên kho vũ khí hạt nhân của Nga, và giảm thiểu nguy cơ hạt nhân cho chính Mỹ".

Nga không đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ, ra điều kiện gì?- Ảnh 1.

Tàu ngầm Nga Imperator Alexander III tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Ngoại trưởng Lavrov phát biểu: "Trong bối cảnh Mỹ phát động cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga, chúng tôi không thấy cơ sở nào, chẳng những cho các biện pháp chung bổ sung trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và giảm nguy cơ chiến lược, mà cả cho việc thảo luận các vấn đề ổn định chiến lược với Mỹ. Chúng tôi kiên quyết đặt ra điều kiện cho khả năng này là phương Tây phải từ bỏ chính sách làm suy yếu và không tôn trọng lợi ích của Nga".

Trong khi đó, tại Washington D.C, ông Pranay Vaddi, Giám đốc cấp cao về kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ngày 18.1 cho rằng Nga có thể thay đổi quyết định khi hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New START giữa hai nước hết hạn vào tháng 2.2026, mặc dù ông nói rằng không có gì đảm bảo.

Được ký vào năm 2010, hiệp ước New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai nước có thể triển khai. Theo đó, Moscow và Washington có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa phóng từ trên bộ và tàu ngầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.