Mỹ, châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi bằng đường sắt

Mỹ, châu Âu cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi bằng đường sắt

Phương Thúy
Phương Thúy
12/10/2023 09:39 GMT+7

Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt quốc tế ở châu Phi nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu lục này.

Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt quốc tế ở châu Phi. Đây là thông tin do tờ Nikkei đăng tải. Nguyên nhân của động thái này là Mỹ và châu Âu muốn cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Phi với Trung Quốc.

Trong phát biểu ngày 9.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố khoản hỗ trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ mang tính thay đổi cuộc chơi trong khu vực. Cụ thể, Mỹ sẽ hỗ trợ châu Phi phát triển Hành lang Lobito với sự hợp tác của châu Âu. Hành lang này nhằm tăng cường mạng lưới kết nối cảng Lobito của Angola trên bờ Đại Tây Dương với Zambia và CHDC Congo. Cả 3 quốc gia này đều rất giàu tài nguyên khoáng sản.

Mỹ và châu Âu sẽ hỗ trợ cải tạo tuyến đường sắt có thể đưa đồng từ CHDC Congo và Zambia đến cảng Lobito của Angola. CHDC Congo là nước sản xuất coban lớn nhất thế giới, là nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin lithium-ion sử dụng trong xe điện, điện tử tiêu dùng và nhiều sản phẩm khác. CHDC Congo cung cấp khoảng 70% sản lượng coban toàn cầu.

Nước láng giềng của CHDC Congo là Zambia có trữ lượng đồng lớn. Các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc đã hoạt động ở cả 2 quốc gia này. Do đó, Mỹ và châu Âu muốn tham gia để tăng cường chuỗi cung ứng.

Tại châu Phi, Trung Quốc là nước đầu tiên hỗ trợ xây dựng đường sắt. Tại Kenya, tuyến đường sắt nối thủ đô Nairobi với cảng Mombasa hoàn thành vào năm 2017 với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Một tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng cũng đang hoạt động giữa Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, và Djibouti, nước láng giềng phía đông giáp biển Đỏ và Vịnh Aden. Một công ty Trung Quốc cũng đã nhận lời xây dựng đường sắt ở Nigeria, quốc gia có dân số 200 triệu người, lớn nhất ở châu Phi.

Theo Nikkei, Trung Quốc có lợi thế là cho vay hào phóng, làm dự án quy mô lớn, nhưng các điều khoản vay của Bắc Kinh thường bị chỉ trích là “bẫy nợ”. Các quốc gia đi vay có nguy cơ gánh những khoản nợ mà họ không thể trả và qua đó tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến tài nguyên ở các quốc gia đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.