Lý giải nguyên nhân hàng loạt bài nhạc Việt bị tắt tiếng trên TikTok?

Lý giải nguyên nhân hàng loạt bài nhạc Việt bị tắt tiếng trên TikTok?

Lê Nam
Lê Nam
06/02/2024 15:43 GMT+7

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ Việt xóa nhạc bản quyền khỏi nền tảng TikTok, hàng loạt các bài nhạc nổi tiếng đã không còn khả dụng trên nền tảng này. Lý do đến từ đâu?

Chủ tài khoản một kênh TikTok về show âm nhạc ra mắt dịp tết vừa kêu trời vì vài ngày qua, hàng loạt bản nhạc nổi tiếng của các nghệ sĩ trẻ như Mono, Tlinh, Grey D, Hiếu Thứ Hai… mà họ sử dụng đều bị tắt tiếng trên kênh của họ.

Trên nền tảng này, “vụ việc nhạc bị gỡ khỏi TikTok” cũng trở thành từ khóa tìm kiếm xu hướng của nhiều người dùng. Hàng loạt người dùng TikTok bày tỏ sự tiếc nuối khi rất nhiều clip trên nền tảng đã bị tắt tiếng hoặc đánh bản quyền.

Lý giải nguyên nhân hàng loạt bài nhạc Việt bị tắt tiếng trên TikTok?- Ảnh 1.

Vài ngày qua, hàng loạt bản nhạc của nghệ sĩ trẻ Việt Nam bị đánh bản quyền trên nền tảng TikTok

Ảnh chụp màn hình

Nguyên nhân là do Universal Music (UMG) - đơn vị sở hữu bản quyền âm nhạc của nhiều nghệ sĩ Việt quyết định dừng hợp tác với TikTok.

Về mặt doanh thu và lợi nhuận, phí bản quyền của UMG ký với TikTok trước đây thấp hơn hai tới ba lần so với Meta (công ty sở hữu Facebook và Instagram) do khi đó TikTok có ít người dùng.

Nhưng khi TikTok tăng trưởng nhanh chóng, các nghệ sĩ, người hâm mộ, sản phẩm âm nhạc gốc và phái sinh càng xuất hiện nhiều trên nền tảng này, trong khi đó đóng góp doanh thu lại không tương xứng so với doanh thu từ các nền tảng phát nhạc truyền thống khác.

Lý giải nguyên nhân hàng loạt bài nhạc Việt bị tắt tiếng trên TikTok?- Ảnh 2.

Bất đồng về góc nhìn kinh doanh khiến UMG ngừng hợp tác với TikTok

Ảnh chụp màn hình

Dưới góc độ chuyên môn, tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế từ ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá việc hai bên không tiếp tục gia hạn bản quyền có thể do bất đồng về góc nhìn kinh doanh: "Đối với TikTok, họ không coi họ là đơn vị cung cấp dịch vụ nhạc số, họ chỉ xem họ là đơn vị mạng xã hội và chia sẻ thông tin của người dùng, người dùng chia sẻ nội dung thực hiện bởi bản thân họ.

Với UMG, họ xem TikTok là nền tảng phân phối nhạc số, dù cách này hay cách khác thì TikTok là nơi cung cấp nhạc số cho rất nhiều người khác số. Khi là một music platfom, anh buộc lòng phải chịu mức phí bản quyền cao hơn dù anh phát trực tiếp hay gián tiếp thông qua nội dung của người dùng thì phải trả tiền sòng phẳng".

Nguyên nhân sâu xa là do sự thay đổi trong hành vi nghe nhạc. Mô hình bài hát dài từ ba đến năm phút không còn được thịnh hành.

Lý giải nguyên nhân hàng loạt bài nhạc Việt bị tắt tiếng trên TikTok?- Ảnh 3.

Xu hướng âm nhạc nhanh (15-30 giây cho một bài hát) trở nên phổ biến với người dùng

Lê Nam

Theo nghiên cứu mới đây của ĐH RMIT Việt Nam, xu hướng âm nhạc nhanh (15-30 giây cho một bài hát) trở nên phổ biến, và nội dung âm nhạc tạo ra bởi người dùng cũng thịnh hành hơn, đúng với sự phát triển cốt lõi của mô hình hoạt động của TikTok.

Trên TikTok, các sản phẩm âm nhạc phái sinh từ bài hát gốc thường phổ biến và xuất hiện nhiều hơn từ vài chục lần tới vài trăm, ngàn lần so với bài hát gốc, tùy vào độ phổ biến của trích đoạn nhạc nhanh và sáng tạo nội dung của người dùng. Do đó, UMG cảm thấy họ thua thiệt trong việc thu tiền bản quyền âm nhạc với TikTok.

"Khi TikTok cho phép AI remix được bài hát của nghệ sĩ gốc theo giai điệu khác nhau với một phần chất giọng của người dùng thì vô hình trung làm cho bài hát trở nên biến hoá hơn. Khi AI lún sâu vào trong đó sẽ làm cho vấn đề bản quyền trầm trọng hơn tại người ta sẽ sử dụng sản phẩm của AI nhiều hơn so với sản phẩm chính gốc của nghệ sĩ đó.

Đó là điều UMG cảm thấy lo ngại và tìm cách ngăn chặn TikTok làm chuyện đó, khi họ không làm được thì thôi chúng ta gỡ khỏi TikTok để không liên quan gì đến bản quyền", tiến sĩ truyền thông phân tích.

Lý giải nguyên nhân hàng loạt bài nhạc Việt bị tắt tiếng trên TikTok?- Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế từ ĐH RMIT Việt Nam

NVCC

Theo chuyên gia này, với việc UMG ngừng hợp tác với TikTok về bản quyền, thiệt hại sẽ rất lớn cho tất cả các bên. Đầu tiên là các nghệ sĩ, ca sĩ với các bài hát thành danh đã ký hợp đồng với UMG, họ mất đi cơ hội để có thêm thu nhập từ bản quyền phát nhạc.

Với người nổi tiếng, cộng đồng người dùng, người hâm mộ, họ cũng mất đi cơ hội để thưởng thức hay sản xuất các nội dung âm nhạc liên quan tới các bài hát thuộc bản quyền của UMG, và số lượng các bài hát này cũng không nhỏ.

"Với TikTok, họ mất đi một lượng lớn “nguyên liệu” để vận hành nền tảng mạng xã hội dựa trên âm nhạc. Mặc dù điều đó có thể bù đắp qua các sản phẩm nội dung đa dạng khác (thời sự, tin tức, giải trí...), nhưng thiệt hại cũng không nhỏ do các bài hát bị tắt tiếng sẽ làm cho người dùng chuyển sang nền tảng khác để sử dụng", ông Long cho biết thêm.

Tiến sĩ truyền thông này cũng đánh giá UMG tuy là đơn vị lớn nhưng không phải là hãng thu âm và phân phối âm nhạc duy nhất trên thị trường, vì ngoài ra còn có Warner Music, Sony Music hay như ở Việt Nam, MMusic, Vivi Music, MixUs, POPS cũng sở hữu rất nhiều các bản quyền âm nhạc khác.

Ngoài ra, việc thiếu vắng các bài hát của UMG cũng tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, mới nổi có thể dễ dàng sáng tác, quảng bá các sản phẩm âm nhạc của mình và từ đó có khả năng trở thành các siêu sao mới, người nổi tiếng trên nền tảng TikTok.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.