Lực lượng Hamas là ai?

Lực lượng Hamas là ai?

16/10/2023 13:32 GMT+7

Cuộc tấn công vào sáng 7.10 của lực lượng Hamas vào Israel đã dẫn đến chiến dịch không kích đáp trả vào dải Gaza.

Israel và lực lượng Hamas của Palestine là hai bên đối đầu trong một cuộc xung đột đang leo thang nhanh chóng, gây ra những hậu quả thảm khốc.

Hôm 7.10, Hamas đã phát động một chiến dịch quân sự chưa từng có vào Israel. Các tay súng phá vỡ nhiều phần hàng rào ngăn cách kiên cố, tấn công các trại lính Israel và nổ súng sát hại nhiều người trong các cộng đồng Israel dọc biên giới Gaza.

Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay sau đó tuyên chiến với Hamas và cam kết sẽ có “báo thù mạnh mẽ”. Máy bay phản lực của Israel sau đó ném bom Dải Gaza, san bằng nhiều tòa nhà cao tầng và các khu dân cư.

Lực lượng Hamas là ai?

Hamas là tổ chức chính trị, có tên gọi là từ viết tắt của một cụm từ tiếng Ả Rập có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo.

Nhóm này kiểm soát chính trị Dải Gaza, một vùng lãnh thổ rộng khoảng 365 km2, là nơi sinh sống của hơn hai triệu người nhưng bị Israel phong tỏa.

Lực lượng Hamas của người Palestine là ai? - Ảnh 1.

Người sáng lập lực lượng Hamas, lãnh tụ Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin

CURRENT AFFAIRS

Hamas đã nắm quyền ở Dải Gaza từ năm 2007 sau một cuộc chiến ngắn chống lại lực lượng Fatah trung thành với Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Hamas ra đời khi nào và mục đích là gì?

Phong trào Hamas ra đời ở Gaza vào năm 1987, ngay sau khi nổ ra phong trào Intifada đầu tiên, là một cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine. Người sáng lập Hamas là lãnh tụ Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin và phụ tá Abdul Aziz al-Rantissi.

Phong trào khởi đầu là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và thành lập một cánh quân sự, Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, để theo đuổi cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel với mục đích giải phóng Palestine.

Nhóm cũng cung cấp các chương trình phúc lợi xã hội cho các nạn nhân người Palestine trong vùng chiếm đóng của Israel.

Nguyên tắc của nhóm là gì?

Khác PLO, lực lượng Hamas không công nhận tư cách nhà nước của Israel nhưng chấp nhận một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967. Hamas phản đối kịch liệt hiệp định hòa bình Oslo do Israel và PLO đàm phán vào những năm 1990.

Nhóm chính thức cam kết thành lập một nhà nước Palestine trong phạm vi biên giới của mình. Hamas đã theo đuổi mục tiêu này thông qua các cuộc tấn công vào binh lính, người định cư và dân thường Israel ở cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine và ở Israel.

Toàn bộ lực lượng Hamas, hoặc trong một số trường hợp là cánh quân sự al-Qassam của nhóm, bị Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Ai Cập và Nhật Bản coi là tổ chức “khủng bố”.

Israel, Nhà Trắng lên án nhận xét ‘đáng xấu hổ’ của ông Trump về Hamas

Đồng minh và người ủng hộ nhóm gồm những ai?

Lực lượng Hamas là một phần của liên minh khu vực bao gồm Iran, Syria và nhóm Hezbollah ở Li Băng, vốn phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Đông và Israel.

Hamas và Hồi giáo Jihad, nhóm vũ trang lớn thứ hai trong khu vực, thường đoàn kết chống lại Israel và là những thành viên quan trọng nhất của phòng hoạt động chung điều phối hoạt động quân sự giữa các nhóm vũ trang khác nhau ở Gaza.

Mối quan hệ giữa hai nhóm trở nên căng thẳng khi Hamas gây áp lực lên nhóm Jihad để ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại Israel.

Điều gì đã thúc đẩy Hamas tấn công vào Israel?

Người phát ngôn của Hamas Khaled Qadomi nói với Al Jazeera rằng nhóm này đã tiến hành hoạt động quân sự để đáp trả những hành động tàn bạo mà người Palestine phải đối mặt trong nhiều thập niên.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế chấm dứt hành động tàn bạo chống lại người dân Palestine ở Gaza, những thánh địa của chúng tôi như Al-Aqsa [Nhà thờ Hồi giáo]. Tất cả những điều đó là lý do đằng sau việc bắt đầu trận chiến này”.

Hamas cũng kêu gọi các nhóm khác tham gia cuộc chiến, và nói rằng các cuộc tấn công hôm 7.10 chỉ là sự khởi đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.