Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Làng chổi Mỹ Thành chạy đua với tết

29/01/2024 07:20 GMT+7

Tồn tại gần trăm năm qua, cái nghề "cha truyền con nối" vẫn đang miệt mài tiếp nối, giữ sức sống cho làng nghề bó chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa, Phú Yên).

Dịp cận Tết Nguyên đán, là thời điểm làng nghề bó chổi Mỹ Thành nhộn nhịp, tất bật chạy đua với tết.

NGHỀ NUÔI LÀNG

Ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa), từ nhỏ đến lớn ai cũng biết làm chổi, bụi đót nuôi sống họ từ khi còn thơ cho đến về già; nhỏ xíu xiu đã tập tành tước đót, cứng tay thì cột con, dày dặn thì quấn cán, bện chổi. Làm chổi là nghề của họ, là kế sinh nhai nuôi sống biết bao người dân thôn Mỹ Thành.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Làng chổi Mỹ Thành chạy đua với tết- Ảnh 1.

Làng nghề bó chổi Mỹ Thành được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2007, thu hút gần 1.000 lao động tham gia

ẢNH: NGÂN TRẦN

Chẳng nhớ nổi từ khi nào, bà Phạm Thị Dạt (75 tuổi, ở làng nghề Mỹ Thành) cho biết từ nhỏ bà đã biết làm chổi, "bắt chước" ông bà tước đót, bện chổi rồi thạo nghề. Đôi tay thoăn thoắt không ngừng tước đót, bà Dạt chia sẻ: "Tôi bắt đầu công việc mỗi ngày từ lúc 6 giờ đến 17 giờ, 2.000 đồng/kg, ráng luôn trưa thì cũng tước được 40 - 45 kg, được 80.000 - 90.000 đồng đi chợ".

Bằng đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của mình, những người thợ nghề đã cho ra những cây chổi kỳ công, tâm huyết. Để làm ra một cây chổi đót phải trải qua 5 công đoạn: tước đót, cột con, quấn cán, bện chổi và chặt đọt. Riêng công đoạn quấn cán và bện chổi cần dùng nhiều sức tay, người thợ phải quấn chặt tay, bện chặt con đót thì mới cho ra một cây chổi có độ bền và tính thẩm mỹ cao.

Là thế hệ thứ ba tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, ông Nguyễn Tường Dân (45 tuổi, chủ cơ sở sản xuất chổi ở Mỹ Thành) cho biết: "Tôi theo nghề của gia đình, là thế hệ thứ ba, từ thời của ông nội truyền lại cho cha tôi, cha tôi truyền lại cho tôi, cứ thế tiếp nối nghề làm chổi. Cái này chẳng ai dạy mình đâu, nghề của làng nên ai đẻ ở xứ này cũng biết làm, cứ như trong máu vậy. Cứ nhìn ông bà làm rồi học theo, học từ cái dễ đến cái khó, riết rồi thạo nghề".

TẤT BẬT CHẠY ĐUA VỚI TẾT

Bước qua tháng chạp, nhu cầu sử dụng chổi của người dân càng tăng cao, đây cũng chính là thời điểm làng nghề bó chổi Mỹ Thành nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhà nào cũng chất đầy cây đót, mùi đót, bụi đót xộc vào mũi. Miệng nói tay làm, tiếng nói cười rôm rả xua tan đi cái mệt khi phải chạy đua cho kịp tết.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Làng chổi Mỹ Thành chạy đua với tết- Ảnh 2.

Công đoạn bện chổi cần sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ cao

Vụ tết bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, có những ngày xưởng nhà ông Dân làm cả 1.000 cây chổi. Đơn đặt hàng từ các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP.HCM… cứ nối tiếp nhau, không trở tay kịp.

"Những ngày cận tết, để kịp đơn, xưởng phải cần hơn 20 nhân công làm chổi, cao điểm có ngày phải làm cả 1.000 cây, hết nửa tạ đót. Tuy nhiên, bước qua tháng chạp bà con cũng bận việc đồng áng nên phải tranh thủ làm buổi tối để kịp hàng tết. Thường đến 23 tháng chạp là kết thúc vụ tết, hoàn thành đơn hàng để kịp phân phối đi các tỉnh thành. Giá nhập đót là 26.000 đồng/kg, mỗi cây chổi tiêu tốn từ 0,3 - 0,5 kg đót tùy độ dày mỏng. Giá thị trường dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/cây chổi. So với mọi năm thì năm nay giá chổi đót không biến động nhiều", ông Dân cho biết thêm.

Với mỗi cây chổi, sau khi bện xong chị Võ Thị Yến Ly (36 tuổi, làng nghề Mỹ Thành) được 500 đồng, mỗi ngày chị bện tầm 400 cây, kiếm khoảng 200.000 đồng, cao điểm vào vụ chị Ly kiếm tầm 300.000 đồng/ngày. "Tôi làm chổi cũng khoảng 15 năm rồi, thấy vậy thôi chứ nhanh lắm. Vào vụ tết, hàng nhiều nên kiếm cũng được lắm, có tiền tiêu dịp tết là mừng lắm rồi. Ngày làm ở xưởng, tối thì mang về nhà làm, tranh thủ mấy ngày trước tết", chị Ly kể.

Được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2007, bao năm qua người dân nơi đây vẫn miệt mài tiếp nối nghề truyền thống của thế hệ đi trước.

Ông Diệp Tấn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng (H.Phú Hòa), cho biết: "Những năm gần đây, chổi đót của làng nghề bó chổi Mỹ Thành được tiêu thụ mạnh, thị trường được mở rộng ra các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP.HCM… Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã có chính sách hỗ trợ 500 triệu đồng, Hội Nông dân H.Phú Hòa hỗ trợ 300 triệu đồng tạo động lực để bà con tiếp nối, gìn giữ và phát huy làng nghề bó chổi truyền thống. Năm 2023, chổi Mỹ Thành được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, không chỉ giải quyết nhân công nhàn rỗi, làng nghề đã tạo công ăn việc làm cho bà con nơi đây. Hiện tại, làng nghề có khoảng 150 hộ đang tiếp nối truyền thống làm chổi, thu hút gần 1.000 lao động lành nghề tại địa phương. Sản xuất chổi quanh năm nhưng đến những ngày cận tết, cả làng trở nên nhộn nhịp, tất bật làm thâu đêm để kịp đơn hàng tết". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.