Kiều hối về Việt Nam tăng mạnh

09/01/2024 06:30 GMT+7

Lượng kiều hối về VN trong 10 năm qua liên tục gia tăng và gần bằng lượng vốn giải ngân trực tiếp đầu tư nước ngoài.

Kiều hối về TP.HCM đạt kỷ lục

Lượng kiều hối chuyển về nước trong những ngày gần đây đã bắt đầu bước vào cao điểm. Một số công ty chuyển tiền kiều hối cho hay, trong năm 2023 lượng kiều hối tăng trưởng khá tốt. Trước những bất an về địa chính trị trên thế giới, người Việt có xu hướng chuyển tiền về nước nhiều hơn, cả về số tiền và lượt gửi. Dự báo trong vài ngày tới và cận Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về nước sẽ còn tăng mạnh.

Kiều hối về TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối về TP trong năm 2023 ước đạt gần 9 tỉ USD, tăng 35% so với năm 2022. Đây là mức kiều hối cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm qua của TP.HCM đạt 3,4 tỉ USD thì nguồn kiều hối chuyển về nước cao gần gấp 3 lần. Lượng kiều hối tại TP.HCM các năm qua chiếm khoảng 55 - 60% tổng lượng kiều hối cả nước.

Kiều hối về Việt Nam tăng mạnh- Ảnh 1.

Kiều hối về VN liên tục gia tăng

NGỌC THẮNG

Báo cáo Điểm lại tháng 8.2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo nguồn kiều hối về VN đạt 14 tỉ USD trong năm 2023. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của VN năm qua thặng dư. Nhưng sau số liệu mới về kiều hối của TP.HCM thì con số kiều hối chung của cả nước có thể vượt qua mức dự báo của World Bank.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết sau dịch Covid-19, các nền kinh tế, trong đó có VN, đều gặp khó khăn, các ngành nghề chịu sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, một số nước đã bắt đầu tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, y tế. Điều này giúp lượng người Việt xuất khẩu lao động tăng hơn, lượng tiền gửi về nước từ đối tượng này nhờ đó cũng tăng. Đồng thời, kiều bào ở nước ngoài dù khó khăn vẫn quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ người thân trong nước.

Đây là nguồn lực tài chính quan trọng trong sự phát triển đất nước. Kiều hối là nguồn ngoại tệ, với bản chất là nguồn tiền thu nhập, tích lũy, tiết kiệm của kiều bào, người lao động VN ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân.

Lợi ích trong sử dụng, chi tiêu, đầu tư, kinh doanh của kiều hối mang lại hiệu quả và sự khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác về mặt chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh (Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM)

Trước câu hỏi nguồn kiều hối chảy vào đâu, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, nhiều năm trở lại đây, ngân hàng không thống kê cụ thể nhưng nguồn ngoại tệ này đi vào nền kinh tế như tiêu dùng, kinh doanh, cải thiện đời sống, xây nhà cửa… và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và an sinh xã hội.

Ông Lệnh nhấn mạnh: Đây là nguồn lực tài chính quan trọng trong sự phát triển đất nước. Kiều hối là nguồn ngoại tệ, với bản chất là nguồn tiền thu nhập, tích lũy, tiết kiệm của kiều bào, người lao động VN ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân. Lợi ích trong sử dụng, chi tiêu, đầu tư, kinh doanh của kiều hối mang lại hiệu quả và sự khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác (vốn vay, nguồn vốn đầu tư và tài trợ…) về mặt chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng. Dự báo trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về sẽ tăng khoảng 20% so với năm nay.

Tuy nhiên, ông Lệnh cũng nhận định, với những diễn biến phức tạp của chính trị, xã hội trên thế giới, sự kỳ vọng này gặp không ít khó khăn.

Dòng tiền hơn 190 tỉ USD

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), vốn FDI đăng ký vào VN cả năm 2023 đạt gần 36,61 tỉ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện ước đạt khoảng 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Như vậy, nếu lượng kiều hối về VN như dự báo của World Bank ở mức 14 tỉ USD thì cũng đã bằng gần một nửa so với vốn FDI đăng ký. Trước đó vào năm 2022, kiều hối đạt kỷ lục 19 tỉ USD, đưa VN nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài thông tin, lượng kiều hối về VN từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân. Ngoài ra, tính đến cuối năm 2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42 địa phương ở VN với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách.

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về VN hằng năm, Mỹ dẫn đầu do là quốc gia có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất; tiếp đó là Anh, Úc, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

World Bankdự báo kiều hối về VN sẽ tiếp tục tăng, năm 2024 sẽ đạt 14,4 tỉ USD, cao hơn năm 2023. Nếu theo ước tính của đơn vị này cùng Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây VN nhận lên tới 17 - 18 tỉ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của VN. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về VN có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kiều hối luôn được đánh giá là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng kiều hối gửi về cho người thân không vào tiêu dùng thì cũng vào đầu tư, chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, mỗi dòng tiền đều có mục đích, vai trò của nó. Chẳng hạn, vốn FDI thì chảy vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Kiều hối thì có thể thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư trong nước tăng.

Trong thời gian qua, một số nước bất ổn, lạm phát cao, môi trường kinh doanh thay đổi liên tục, rủi ro địa chính trị… thì nguồn tiền có thể chuyển về VN trú ẩn. Thế nhưng cũng tùy theo từng nước mà sự chuyển dịch này nhiều hay ít. Trước đây, lãi suất tiền đồng cao nên nhiều người gửi về, nhưng tình thế hiện nay đã khác, Mỹ có lãi suất cao hơn nên đây cũng là điểm bất lợi trong việc thu hút kiều hối giai đoạn tới. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư trong nước lại là điểm sáng trong việc thu hút nguồn vốn này.

Nguồn lực đóng góp phát triển kinh tế - xã hội

Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), lượng kiều hối về VN ngày càng gia tăng, trong đó năm 2022 tăng rất mạnh. Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về VN có sụt giảm là chuyện bình thường, nhưng ở mức 14 - 15 tỉ USD là rất cao. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… là chính. Điều này đã đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.

Chính vì vậy, vốn đầu tư phát triển từ kiều hối tuy không lớn nhưng lại là một nguồn lực quan trọng mà VN đón nhận mỗi năm, cùng đóng góp xây dựng phát triển đất nước. Đặc biệt, cùng với dòng vốn FDI, lượng tiền của kiều bào gửi về đã góp phần quan trọng giúp tăng dòng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó, VN có thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng.

Kiều hối về Việt Nam tăng mạnh- Ảnh 2.

Kiều hối về VN liên tục gia tăng

NGỌC THẮNG

Nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Đó là thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đã thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của VN ở các nước. Đặc biệt mới nhất, luật Kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1.1.2025) là bà con Việt kiều sẽ được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước.

Cụ thể, người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN (quốc tịch VN) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân VN trong nước. Như vậy, Việt kiều sẽ được đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Trước đây, quy định cho phép kiều bào được mua bất động sản trong nước nhưng nhiều người phải nhờ người thân đứng tên. Cũng chính vì lo ngại thủ tục, quy định phức tạp, không được đứng tên sở hữu nên nhiều người ngần ngại. Vì vậy, cùng với các chính sách khuyến khích thời gian qua của Chính phủ, quy định mới trong luật Kinh doanh bất động sản sẽ giúp kiều bào dễ dàng hơn trong việc sở hữu nhà cửa, đất đai trong nước. Từ đó góp phần giúp lượng kiều hối về VN có thể gia tăng cao hơn trong thời gian tới.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng kiều hối về VN bao gồm người Việt sống ở nước ngoài và người VN đi xuất khẩu lao động. Dòng tiền này liên tục gia tăng hằng năm, đóng góp quan trọng cho phát triển xây dựng đất nước. Bất kể là dòng tiền vào chi tiêu tiêu dùng hay đầu tư cũng là nguồn lực quan trọng cho VN. Hơn nữa, kiều bào nói chung và doanh nhân người Việt ở nước ngoài là lực lượng tích cực trong việc quảng bá, đưa hàng Việt thâm nhập nhiều hơn vào thị trường toàn cầu. Chính phủ vẫn luôn tiếp tục khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho kiều bào đóng góp bằng nhiều hình thức như chuyển tiền cho người thân hay tham gia đầu tư trực tiếp tại VN.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao để đáp ứng được nhu cầu của nhiều nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy lực lượng lao động của VN ra nước ngoài và mang lại nhiều giá trị cao hơn, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối

UBND TP.HCM đang xây dựng đề án "Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố", đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kiều hối; về thực hiện các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường từ nguồn kiều hối và sự tham gia đóng góp của người VN đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023 - 2025, duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025 - 2030.

Khoảng 6 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài

Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển.

Theo ước tính, số lượng kiều bào có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 - 12%, tương đương khoảng 600.000 người; trong đó nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới...

Bộ Ngoại giao cũng ước tính, lực lượng người Việt ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000 - 150.000 người mỗi năm, đóng góp về tài chính, và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước.

Đua thu hút kiều hối cuối năm

Kiều hối chuyển về VN qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Để thu hút "nguồn lực vàng" này, nhiều ngân hàng, công ty kiều hối đã chạy đua tung ra nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt vào thời điểm dịp cuối năm khi kiều bào có nhu cầu gửi tiền về hỗ trợ người thân hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, khách hàng sử dụng dịch vụ nhận tiền kiều hối Western Union của BIDV sẽ có cơ hội trúng voucher mua hàng trị giá 10 triệu đồng khi nhận kiều hối giá trị từ 9,5 triệu đồng (hoặc tương đương 400 USD) trở lên. Hay Công ty kiều hối Sacombank-SBR vừa ra mắt ứng dụng Sacombank-SBR Care với mục đích hỗ trợ người thụ hưởng tra cứu, theo dõi và đặt lịch giao dịch nhận tiền từ nước ngoài; hỗ trợ khách hàng lựa chọn phương thức nhận tiền tại nhà có thể tra cứu giao dịch từ nước ngoài gửi về; chủ động đặt lịch nhận tiền theo khung giờ phù hợp của người nhận.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.