‘Điểm nghẽn’ lớn của tự chủ đại học là nguồn lực tài chính

12/05/2023 18:22 GMT+7

Giáo dục đại học (ĐH) muốn phát triển cần có sự đầu tư tương xứng nhưng ở nhiều đơn vị đào tạo tự chủ đang gặp 'điểm nghẽn' về nguồn lực tài chính.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH trong bối cảnh tự chủ" do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ ngày 12.5.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn; nhiều cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giảng viên đến từ các viện, trường CĐ, ĐH trong cả nước.

‘Điểm nghẽn’ lớn của giáo dục đại học tự chủ là nguồn lực tài chính  - Ảnh 1.

Quảng cảnh buổi hội thảo

THANH DUY

Khó khăn của tự chủ ĐH

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, giáo dục ĐH có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của đất nước vì cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học-công nghệ bậc nhất cho xã hội.

Giáo dục ĐH Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 260 sinh viên/10.000 dân và nằm trong 10 nước có nền giáo dục tiên tiến ở khu vực châu Á. Điều tất yếu để tăng quy mô và cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao là giáo dục ĐH phải có sự đầu tư tương xứng về con người, ý tưởng, công nghệ, tài chính… Trong đó, nguồn lực tài chính được xác định là then chốt nhưng hiện tại lại là "điểm nghẽn" lớn nhất của các trường CĐ, ĐH trong bối cảnh tự chủ.

‘Điểm nghẽn’ lớn của giáo dục đại học tự chủ là nguồn lực tài chính  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo

THANH DUY

Ông Sơn cho biết, vấn đề khơi thông và phát huy nguồn lực cho giáo dục ĐH được Bộ GD-ĐT rất quan tâm. Hội thảo lần này là dịp để Bộ GD-ĐT lắng nghe ý kiến của các trường CĐ, ĐH trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đề xuất những giải pháp với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm tìm động lực giúp giáo dục ĐH phát triển.

Hội thảo nhận được hơn 100 tham luận khoa học. Các tham luận tập trung vào những vấn đề, như: khó khăn và thuận lợi của giáo dục ĐH tự chủ; cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, hành lang pháp lý tạo thuận lợi đầu tư nguồn lực cho giáo dục ĐH; vai trò của Nhà nước về nguồn lực con người, ý tưởng, công nghệ, tài chính; quyền tự chủ giáo dục ĐH; phát triển giáo dục ĐH ngoài công lập trong thị trường dịch vụ; hợp tác quốc tế trong giáo dục ĐH…

Những 'điểm nghẽn' cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Đình Hảo, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, khung pháp lý giáo dục ĐH tự chủ không chỉ nằm gọn trong luật Giáo dục ĐH mà còn có sự điều chỉnh trực tiếp trong các bộ luật liên quan khác (như luật Cán bộ công chức và viên chức, luật Đầu tư công, luật Ngân sách, luật Quản lý tài sản công…) dẫn đến chồng chéo, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ.

Điều này ảnh hưởng đến quyền và khả năng tự chủ của các trường, nhất là lĩnh vực tài chính, chẳng hạn: hoạt động liên doanh liên kết, sử dụng cơ sở vật chất cho thuê, mở rộng cung ứng dịch vụ công, quyết định học phí, quản lý và giữ quỹ thặng dư, vay mượn tiền, sở hữu nhà đất… Đây là những bất cập cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ông Lê Khánh Tuấn, Trường ĐH Sài Gòn, nêu ý kiến: "Chính phủ cấp hỗ trợ ngân sách cho các trường tùy vào khả năng có bao nhiêu, không theo tiêu chí bù đắp chi phí đào tạo. Mức thu học phí tính theo mức sống của người học và theo vùng, điều này khiến không ít trường ĐH phải 'gồng mình' để đảm bảo mức chất lượng đào tạo. Khó khăn càng nhiều đối với những trường ở các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội chưa phát triển". 

Vì vậy, ông Tuấn đề xuất Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho trường ĐH theo số lượng người học (xác định theo chỉ tiêu tuyển sinh đúng quy định), không phân biệt người được hỗ trợ đang học ở trường công lập hay ngoài công lập.

‘Điểm nghẽn’ lớn của giáo dục đại học tự chủ là nguồn lực tài chính  - Ảnh 4.

Các đại biểu tham gia hội thảo

THANH DUY

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đầu tư cho giáo dục ĐH cũng là đầu tư cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Giáo dục ĐH cần làm trong thời gian tới là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhu cầu của giáo dục ĐH ngày càng phát triển nhưng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn. Vì vậy, giáo dục ĐH cần phải xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn xã hội đang cần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.